Dow Jones vọt lên hơn 400 điểm, S&P 500 và Nasdaq chấm dứt chuỗi giảm điểm kéo dài 4 ngày
Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 7/8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng thêm 408 điểm, tương đương 1,16% và đóng cửa với 35.473 điểm. Đây là phiên tăng mạnh nhất của chỉ số này kể từ ngày 15/6.
Trong khi đó, chỉ số S&P 500 chốt phiên tăng 0,9%, đạt 4.518 điểm.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite đi lên 0,61%, đóng cửa ở mức 13.994 điểm. Trong phiên giao dịch, chỉ số này đã tụt dốc gần 1% sau thông tin Giám đốc tài chính (CFO) Zach Kirkhorn của Tesla từ chức.
Cả Nasdaq Composite và S&P 500 đều chấm dứt chuỗi giảm điểm kéo dài 4 ngày.
Trong ngày, cổ phiếu Berkshire Hathaway đã tăng hơn 3%, thể hiện sự hài lòng của nhà đầu tư đối với báo cáo tài chính và lượng tiền mặt mà công ty đang nắm giữ. Cả cổ phiếu loại A và B của Berkshire đều đóng cửa ở mức kỷ lục.
Tuần trước, Nasdaq Composite và S&P 500 lần mất khoảng 2,9% và 2,3%, đánh dấu kết quả giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3. Chỉ số Dow Jones kết thúc tuần giảm 1,1%.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh tiếp tục vào ngày 7/8. Theo FactSet, trong số 85% công ty đã công bố kết quả kinh doanh, khoảng 4/5 đã vượt kỳ vọng của Phố Wall.
Ông Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance, nhận xét: “Thị trường đang quay lại trạng thái chấp nhận rủi ro. Đây là một mùa báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi và theo tôi là lý do giúp thị trường hoạt động bền bỉ như vậy”.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh New York là ông John Williams cho biết mình cảm thấy được khích lệ với những gì đang diễn ra trên mặt trận lạm phát. Ông cho rằng Fed đang có dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Theo quan điểm của tôi, để tiếp tục duy trì lập trường thắt chặt, rất có thể [Fed sẽ] cắt giảm lãi suất quỹ liên bang vào năm tới hoặc năm sau”, ông Williams tiết lộ. Ông cũng gợi ý rằng Fed có thể đã hoàn thành chu kỳ thắt chặt vì lãi suất chính sách “khá gần với mức đỉnh”.
Cuối tuần, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào báo cáo chỉ số giá tiêu dùng và sản xuất tháng 7. Cả hai chỉ số này đều được theo dõi chặt chẽ do mối quan hệ của chúng với lạm phát và sức khỏe nền kinh tế.