Dow Jones tăng vọt hơn 500 điểm sau tín hiệu thương mại tích cực
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 512,4 điểm, tương đương 2,1% lên 25.332,18 điểm.
Chỉ số S&P 500 tăng 2,1% lên 2.803,27 điểm.
Chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,7% lên 7.527,12 điểm. Đây là ngày tăng điểm mạnh mẽ thứ hai của thị trường chứng khoán Mỹ từ đầu năm 2019 đến nay.
Biến động thị trường chứng khoán Mỹ ngày 4/6. Nguồn: Bloomberg.
Các chỉ số tăng về cuối phiên và đóng cửa ở mức điểm cao nhất ngày sau khi có thông tin các nhà lập pháp Đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ ngăn không cho Tổng thống Donald Trump áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Mexico vì lí do "khẩn cấp quốc gia".
Trong phiên đầu tuần, các cổ phiếu công nghệ lớn Alphabet, Amazon, Facebook, và Apple đồng loạt giảm sâu sau hàng loạt thông tin các hãng này đang bị điều tra và có thể phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn. Chỉ số Nasdaq Composite rơi vào vùng điều chỉnh trong phiên thứ Hai (3/6).
Sang ngày 4/6, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – ông Jerome Powell cho biết Fed sẽ "hành động một cách hợp lí để duy trì tăng trưởng kinh tế". Tuy nhiên ông cũng lưu ý rằng Fed không biết chắc chắn "khi nào hoặc bằng cách nào" các vấn đề thương mại toàn cầu sẽ được giải quyết. Ông nói: "Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tác động của những thay đổi thương mại đối với triển vọng kinh tế Mỹ".
Ông Keith Lerner, Giám đốc chiến lược thị trường tại SunTrust Private Wealth nhận định: "Thị trường muốn được nghe thông tin từ ông Powell. Khi ông Powell nói 'Chúng tôi đang theo dõi thị trường' – dù điều này đúng hay sai thì thị trường cũng sẽ có niềm tin rằng Fed sẽ hành động để ngăn đà giảm và đẩy chỉ số đi lên (Powell Put)".
Những bình luận này của ông Powell làm tăng kì vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Công cụ CME FedWatch cho thấy khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 9 tới là 90% và khả năng giảm lãi suất lần hai vào tháng 12 là 80%.
Bộ Thương mại Trung Quốc thì mới ra thông báo cho biết "những khác biệt và xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc" nên được giải quyết thông qua đàm phán. Tuy nhiên thông báo này cũng cho biết các cuộc đàm phán "cần được thực hiện dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi".
Các nhà đầu tư trên Phố Wall đánh giá những bình luận này là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang "dịu giọng" sau khi lớn tiếng chỉ trích Mỹ vào tháng trước.
Chính quyền Tổng thống Trump cũng đe dọa áp thuế lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, khiến lo ngại về chiến tranh thương mại càng lên cao.
Tuy nhiên hôm 4/6, Bộ trưởng Ngoại giao Mexico – ông Marcelo Ebrard đã phần nào xoa dịu những lo lắng khi cho biết ông kì vọng cả hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung về vấn đề nhập cư và thương mại.
Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã thể hiện quan điểm phản đối thuế quan đối với hàng hóa Mexico. Họ cũng gợi ý về khả năng ngăn chính sách thuế quan này có hiệu lực nếu Tổng thống Trump nhất quyết áp dụng.
Giá cổ phiếu của hai hãng xe hơi General Motors và Ford kết phiên tăng lần lượt 6% và 3,2%. Đây là hai doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ chịu thiệt hại nếu thuế quan áp lên hàng hóa Mexico có hiệu lực, vì vậy tuyên bố của quan chức Mexico cũng như tín hiệu từ nghị sĩ Mỹ được coi là khá tích cực đối với hai doanh nghiệp này.
Tháng 5, thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm sâu với chỉ số S&P 500 mất hơn 5%, chỉ số Dow Jones mất 4,6%, Nasdaq sụt mạnh nhất với hơn 8%.