Dow Jones sụt hơn 200 điểm, đến lượt cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 234 điểm, tương đương 0,7%, và kết phiên ở 32.628 điểm. Dẫn đầu đà đi xuống là hai cổ phiếu ngành tài chính Visa và JPMorgan Chase.
Chỉ số S&P 500 giảm 0,1% còn 3.913 điểm. Lúc thấp nhất phiên 19/3, chỉ số này sụt 0,7%. Nasdaq Composite đóng cửa tăng 0,8% lên 13.215 điểm nhờ dòng tiền bắt đáy cổ phiếu công nghệ. Facebook vọt lên 4%. Amazon và Netflix cùng tăng khoảng 1,5%.
Ngày 19/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định không gia hạn một quy định tạm thời được ban hành vào đầu tháng 4/2020 liên quan tới tỷ lệ đòn bẩy tài chính của các ngân hàng.
Theo quy định của chuẩn mực Basel III, các ngân hàng lớn của Mỹ cần duy trì tỷ lệ vốn chủ sở hữu cấp 1 tương đương 5% giá trị tài sản chịu rủi ro. Các tài sản trong mẫu số của công thức này không có trọng số riêng như trong công thức tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Basel II.
Ngày 1/4/2020, Fed cùng với Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và Văn phòng Giám sát Tiền tệ (OCC) đã thông báo nới lỏng quy định về vốn nói trên bằng cách cho phép các ngân hàng loại bỏ giá trị những tài sản an toàn như trái phiếu Kho bạc hay tiền gửi tại Fed ra khỏi mẫu số của công thức tính.
Nói cách khác, yêu cầu về vốn của các ngân hàng được giảm đi, mục đích là để khuyến khích các ngân hàng tích cực nhận tiền gửi, cho vay và thực hiện các chức năng trung gian tài chính khác trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành. Quy định nới lỏng yêu cầu vốn nói trên có hiệu lực đến hết 31/3/2021 và Fed vừa ra quyết định không gia hạn thêm.
Theo CNBC, động thái mới đây của Fed có thể gây ra một số tác động tiêu cực. Chẳng hạn, nếu trái phiếu Kho bạc được cộng vào tính tỷ lệ an toàn vốn như trước thì một số ngân hàng có thể bán trái phiếu Kho bạc để mua các tài sản khác có lợi nhuận cao hơn. Khi đó, lợi suất trái phiếu sẽ tiếp tục tăng, khiến nhà đầu tư càng thêm lo ngại.
Ông Jimmy Chang - Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý quỹ Rockefeller Global Family Office nhận định: "Việc Fed không gia hạn quy định giảm yêu cầu vốn tối thiểu gây ra sự thất vọng cho thị trường. Nhà đầu tư từng kỳ vọng rất lớn rằng Fed sẽ tiếp tục áp dụng quy định này cho các ngân hàng lớn vì nhu cầu hấp thụ các đợt phát hành trái phiếu Kho bạc là rất cao".
Phiên 18/3 lợi suất tăng cao giúp các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt đi lên trong khi cổ phiếu công nghệ và dầu khí bị bán tháo. Bước sang phiên 19/3, tình hình đã đảo ngược.
Các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt sụt giảm. JPMorgan Chase và Goldman Sachs đều mất hơn 1%, Wells Fargo sụt 2,9%, Bank of America và Morgan Stanley đều mất 1%.
Theo CNBC, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm bật tăng sau thông báo của Fed, có lúc vọt lên cao rồi sau đó đi ngang ở 1,73% - mức cao nhất 14 tháng đạt được trong phiên trước. Đầu năm 2021, lợi suất này ở mức dưới 1%.
Ông Jimmy Chang nói: "Tốc độ tăng của trái phiếu là quá nhanh tới mức rất đáng ngại. Khi lợi suất tăng thì các mức định giá cao với cổ phiếu trở nên thiếu bền vững".
Lợi suất tăng lên có thể báo hiệu sự hồi phục trong nền kinh tế nhưng cũng có thể khiến cho các cổ phiếu tăng trưởng như nhóm công nghệ trở nên kém hấp dẫn hơn do dòng tiền tương lai bị chiết khấu mạnh hơn.
Tính chung cả tuần qua, S&P 500 và Dow Jones giảm lần lượt 0,8% và 0,5%. Nasdaq Composite cũng mất 0,8%.
Cổ phiếu FedEx nhảy vọt 6% phiên cuối tuần sau khi công ty giao vận này thông báo doanh thu và lợi nhuận quý vừa qua vượt kỳ vọng của giới phân tích.
Cổ phiếu Nike giảm gần 4% sau khi báo cáo doanh thu quý mới đây thấp hơn kỳ vọng. Visa sụt 6,2% sau thông tin Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra về mảng kinh doanh thẻ ghi nợ và những hành vi có thể bị coi là phi cạnh tranh của công ty.