|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones rớt 575 điểm, chứng khoán Mỹ lao dốc sau cảnh báo của Chủ tịch Fed

06:47 | 08/03/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 7/3 đồng loạt bị bán tháo sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cảnh báo khả năng lãi suất có thể phải tăng nhanh hơn và lên cao hơn để chống lạm phát.

Cú lao dốc ngày 7/3 đánh dấu phiên giảm điểm mạnh nhất của Dow Jones - chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip - kể từ hôm 21/2.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 575 điểm, tương đương 1,72%, và đóng cửa ở 32.856 điểm. S&P 500 mất 1,53% và kết phiên ở 3.986 điểm. Nasdaq Composite sụt 1,25% còn 11.530 điểm.

Dow Jones hiện nay thấp hơn mức khởi đầu năm 2023, như biểu đồ bên dưới cho thấy. S&P 500 và Nasdaq hiện vẫn cao hơn đầu năm lần lượt 3,8% và 10,2%.

 Dow Jones hiện thấp hơn 0,9% so với đầu năm 2023. S&P 500 và Nasdaq hiện vẫn cao hơn đầu năm lần lượt 3,8% và 10,2%. 

Trong khi các chỉ số cổ phiếu lao dốc, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm lại vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2007 và vượt mốc 5%.

Lợi suất lên đỉnh 16 năm khi nhà đầu tư lo ngại ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) sẽ phải tăng mạnh lãi suất để chế ngự lạm phát cao dai dẳng.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm lên mức cao nhất kể từ 2007.

Chủ tịch Powell: Lãi suất có khả năng tăng cao hơn với tốc độ nhanh hơn

Phát biểu trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ sáng 7/3, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói: “Các số liệu kinh tế mới nhất đều mạnh mẽ hơn dự kiến, cho thấy mức lãi suất cuối cùng nhiều khả năng sẽ cao hơn kỳ vọng trước đây”.

Vị lãnh đạo ngân hàng trung ương Mỹ nói thêm: “Nếu toàn bộ số liệu cho thấy việc thắt chặt nhanh chóng hơn là cần thiết, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tốc độ nâng lãi suất”.

Phát biểu của ông Powell có hai hàm ý. Thứ nhất, mức đỉnh của lãi suất quỹ liên bang có khả năng sẽ lên cao hơn dự báo trước kia của các quan chức Fed.

Thứ hai, việc Fed giảm tốc độ nâng lãi suất từ 75 điểm cơ bản (bps) trong mỗi cuộc họp xuống còn 50 bps vào tháng 12 và 25 bps vào đầu tháng 2 vừa qua có thể sẽ sớm chấm dứt.

Một số quan chức Fed như ông James Bullard, Chủ tịch chi nhánh St. Louis và bà Loretta Mester, Chủ tịch chi nhánh Cleveland đều đã nhắc đến khả năng tăng lãi suất thêm 50 bps vào tháng 2.

Fed có khả năng quay lại với mức tăng lãi suất 50 bps trong cuộc họp ngày 21 - 22/3 sắp tới. 

Thứ Sáu tuần này (10/3), báo cáo thị trường lao động tháng 2 sẽ được công bố. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ lộ diện lần lượt vào các ngày 14 và 15/3. Sau đó, Fed sẽ họp phiên thường kỳ thứ hai trong năm nay vào ngày 21 – 22/3.

Nếu các số liệu kinh tế cho thấy nền kinh tế vẫn hoạt động mạnh mẽ và giá cả tăng cao, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ có lý do thuyết phục để quay lại với mức tăng lãi suất 50 bps.

Các nhà kinh tế ước tính Mỹ tạo ra 225.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 2. Trong tháng đầu năm 2023, kinh tế Mỹ bất ngờ tạo ra tới 517.000 việc làm mới, cao gấp gần ba lần dự báo 185.000 của các chuyên gia.

Số liệu việc làm tháng 1 mạnh mẽ đột biến.

CNBC dẫn lời ông Callie Cox, nhà phân tích đầu tư tại Mỹ của công ty môi giới eToro, nhận định bình luận của ông Powell về lãi suất tăng nhanh hơn và lên cao hơn là “không đáng ngạc nhiên”.

“Nhiệm vụ hàng đầu của Fed là kiềm chế lạm phát. Người dân đang bắt đầu tính đến khả năng lạm phát liên lục lên cao hơn, đây là kịch bản tồi tệ nhất với các nhà đầu tư dài hạn”.

Nhóm cổ phiếu tài chính dẫn đầu đà lao dốc của thị trường trong phiên 7/3, như biểu đồ dưới đây cho thấy. Nhà đầu tư lo ngại nguy cơ lãi suất tăng mạnh sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái, làm giảm nhu cầu vay vốn từ các ngân hàng. Wells Fargo mất 4,7%, Bank of America, Goldman Sachs và JPMorgan Chase cùng giảm khoảng 3%.

Nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn cũng tụt dốc, với Apple, Alphabet và Microsoft đều giảm ít nhất 1%. 

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều đi xuống trong phiên 7/3.

Đức Quyền