|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones nhảy vọt 765 điểm phiên đầu tháng 10, chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh khi lợi suất hạ nhiệt

07:05 | 04/10/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 3/10 đồng loạt tăng sốc sau tháng 9 đỏ lửa. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đi xuống đã hỗ trợ cho diễn biến tích cực của giá cổ phiếu.

Dow Jones bật tăng 765 điểm trong phiên đầu tuần, cũng là phiên đầu tháng 10 và đầu quý IV.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones vọt lên 765 điểm, tương đương 2,66%, và kết phiên ở gần 29.491 điểm. Chỉ số S&P 500 đi lên 2,59% và dừng ở 3.678 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,27% và kết phiên ở 10.815 điểm.

Đây là phiên tăng mạnh nhất của Dow Jones kể từ ngày 24/6 và của S&P 500 tính từ ngày 27/7.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ khởi sắc sau tháng 9 đỏ lửa.

Theo CNBC, giá cổ phiếu đi lên mạnh mẽ trong phiên đầu tháng 10 khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đảo chiều giảm xuống còn 3,65% từ mức đỉnh 4% trong tuần trước.

Ông Tavis McCourt, chiến lược gia cổ phiếu khách hàng tổ chức tại Raymond James, nhận định: “Mọi chuyện lúc này rất đơn giản, lợi suất Kho bạc 10 năm tăng lên thì cổ phiếu nhiều khả năng phải chịu áp lực giảm. Nếu lợi suất đi xuống, giá cổ phiếu sẽ phục hồi”. Biểu đồ bên dưới cho thấy biến động của lợi suất kể từ đầu năm đến nay.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ hạ nhiệt sau khi chạm mức cao nhất trong hơn một thập kỷ vào tuần trước.

Cuối tuần trước, cả ba chỉ số chứng khoán lớn cùng khép lại tháng 9 đỏ lửa khi S&P 500 lao dốc 9,3% và đánh dấu tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020. Dow Jones cũng mất tới 8,8% và thủng ngưỡng 29.000 lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020. Nasdaq sụt 10,5% do cổ phiếu công nghệ cắm đầu khi lợi suất trái phiếu lên cao.

Tính cả quý III, S&P 500 giảm 5,3%, Nasdaq và Dow Jones đi xuống lần lượt 4,1% và 6,7%. Trong quý I và II, các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng sa sút. Đây là chuỗi giảm ba quý liên tiếp đầu tiên của S&P 500 và Nasdaq kể từ năm 2009 và của Dow Jones kể từ 2015.

Ông Sam Stovall, Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty nghiên cứu CFRA, cho rằng việc thị trường hồi phục trong phiên đầu tuần 3/10 là không đáng ngạc nhiên vì thị trường gần đây đã ở trong trạng thái quá bán nghiêm trọng.

“Vì S&P 500 đã sụt hơn 9% trong tháng 9, và vì chỉ số nhà quản trị mua hàng của ISM suy yếu hơn dự kiến, nên mọi người giờ đây đang suy đoán rằng: ‘Này, có thể Fed sẽ không tăng lãi suất quá mạnh’”, ông Stovall chia sẻ với CNBC. “Hệ quả là chúng ta thấy lợi suất đi xuống, USD yếu đi. Những nhân tố này đã đóng góp vào diễn biến thị trường ngày hôm nay.

Số liệu do Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) công bố sáng 3/10 cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất giảm từ 52,8 điểm trong tháng 8 xuống còn 50,9 điểm trong tháng 9, thấp hơn so với kỳ vọng của các nhà kinh tế.

PMI trên 50 điểm cho thấy hoạt động kinh doanh đang tăng trưởng và dưới 50 điểm cho thấy sự giảm sút. Nói cách khác, hoạt động sản xuất tại Mỹ trong tháng 9 chỉ tăng nhẹ và đã xuống rất gần ngưỡng suy thoái. Chỉ số phụ về lượng đơn đặt hàng mới giảm xuống còn 47,1 điểm trong tháng 9.

Ông Timothy R. Fiore, Chủ tịch Ủy ban Khảo sát Doanh nghiệp Sản xuất ISM, nhận xét: “Hoạt động sản xuất tại Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm nhất kể từ khi bắt đầu hồi phục từ đáy đại dịch”. 

Trong số 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500, có tới 9 nhóm sa sút trong quý III. Riêng ngày 3/10, tất cả 11 nhóm ngành đều đi lên mạnh mẽ, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Cổ phiếu năng lượng dẫn đầu với mức tăng 5,77%.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều đóng cửa phiên 3/10 trong sắc xanh.

Ông  Scott Chronert, Giám đốc chiến lược cổ phiếu Mỹ tại Citigroup, đã hạ mục tiêu chỉ số S&P 500 cuối năm 2022 từ 4.200 điểm xuống còn 4.000 điểm. Trong năm 2023, nhà phân tích này dự báo chỉ số sẽ giảm còn 3.900 điểm. 

Mối lo Credit Suisse 

Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 đại diện cho toàn châu lục kết phiên đầu tháng 10 với mức tăng 0,77%, chỉ số DAX của Đức và FTSE của Anh cũng đi lên tương ứng 0,79% và 0,22% bất chấp những lo ngại về sức khỏe tài chính của Credit Suisse.

Tuy ngân hàng Thụy Sỹ này đang khổ sở vì giá cổ phiếu lao dốc và chi phí bảo hiểm rủi ro vỡ nợ (CDS) lên cao nhưng Citigroup cho rằng tình thế không quá nguy kịch và thảm họa Lehman Brothers năm 2008 sẽ không lặp lại.

“Đây không phải là năm 2008”, nhà phân tích Andrew Coombs nhận định hôm 3/10. “Chúng tôi thấy cần phải tránh so sánh tình thế hiện nay với các ngân hàng năm 2008 hay Deutsche Bank năm 2016.

Giá cổ phiếu Credit Suisse đã giảm gần 57% so với đầu năm 2022 và đang ở mức đáy lịch sử.

Trong cuộc khủng hoảng 2008, giá cổ phiếu lao dốc và CDS tăng cao đã dẫn tới một làn sóng sáp nhập trong hệ thống ngân hàng Mỹ. Những nhà băng tương đối khỏe mạnh như JPMorgan Chase, Wells Fargo và Bank of America đã mua lại những ngân hàng yếu hơn, từ đó gia tăng quy mô lên như hiện nay.

Tuy nhiên, tỷ lệ vốn cấp 1 của Credit Suisse – một thước đo quan trọng gắn liền với khả năng chống chịu cú sốc tài chính của ngân hàng – tại thời điểm cuối quý II đạt tới 13,5%. Nhà phân tích của Citigroup cho rằng tỷ lệ này là “cao so với các ngân hàng khác”. Credit Suisse cũng được đánh giá là có “vị thế thanh khoản mạnh mẽ”.

Giá cổ phiếu Credit Suisse trong phiên 3/10 có lúc lao dốc 10% nhưng đóng cửa chỉ giảm 0,9% và dừng ở 3,94 franc Thụy Sỹ (CHF)/cp. Đây là mức thấp nhất của cổ phiếu này trong lịch sử giao dịch 27 năm qua.

Đức Quyền - Song Ngọc

Dòng tiền vẫn dồi dào trên TTCK, song cần chắt lọc lựa chọn cổ phiếu
Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán đang tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ dòng tiền dồi dào. Tuy nhiên, ở mức định giá cao, cơ hội sẽ trở nên khó hơn, nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn các cổ phiếu có mức định giá vẫn hấp dẫn.