Dow Jones mất hơn 300 điểm sau công bố chỉ số giá tháng 11
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 305 điểm, tương đương 0,9%, và đóng cửa ở 33.476 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,73% và 0,7%.
Tính chung cả tuần qua, Dow Jones rơi 2,77% và đánh dấu tuần tiêu cực nhất kể từ tháng 9. S&P 500 mất 3,37% và Nasdaq sụt xấp xỉ 4%.
Thị trường chứng khoán ngày 9/12 đồng loạt đi xuống sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 11 tăng 0,3% so với tháng liền trước, cao hơn con số 0,2% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo. So với cùng kỳ năm ngoái, giá sản xuất tháng 11 cao hơn 7,4%.
Chỉ số giá sản xuất còn được coi là chỉ số giá bán buôn, đo lường chi phí mà các doanh nghiệp phải chi ra để mua nguyên vật liệu cho quá trình sản xuất kinh doanh. Lạm phát PPI lập đỉnh 11,5% vào tháng 3 năm nay, trước khi lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6.
Nếu không kể giá lương thực và năng lượng, PPI lõi tăng 0,4%, cao hơn mức 0,2% mà Dow Jones dự báo. So với cùng kỳ năm ngoái, PPI lõi tăng 6,2%.
Nhà đầu tư lo ngại việc PPI tăng mạnh hơn dự báo có thể kéo theo khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng nhanh lãi suất trong cuộc họp cuối cùng của năm 2022.
Báo cáo tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan tích cực hơn kỳ vọng giúp nhà đầu tư phần nào bớt lo ngại. Cụ thể, chỉ số tâm lý người tiêu dùng tăng từ 56,8 điểm trong tháng 11 lên 59,1 điểm của tháng 12, trong khi Dow Jones chỉ dự báo 56,5 điểm.
Kỳ vọng lạm phát một năm tới giảm từ 4,9% trong tháng 11 xuống còn 4,6% trong tháng này. Kỳ vọng lạm phát 5 năm không đổi ở mức 3%.
Theo CNBC, nhà đầu tư vẫn đang hướng sự chú ý về tuần sau với nhiều số liệu kinh tế quan trọng.
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố vào ngày thứ Ba (13/12), đây cũng là ngày Fed bắt đầu cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2022. Thị trường tài chính dự báo Fed sẽ thông báo nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps) vào chiều 14/12, nhỏ hơn mức tăng 75 bps trong 4 cuộc họp liên tiếp vừa qua.
Tuy vậy, nhà đầu tư vẫn lo ngại việc lãi suất tiếp tục lên cao sẽ khiến nền kinh tế suy thoái sâu.
CNBC dẫn lời bà Stephanie Lang, Giám đốc đầu tư tại Homrich Berg, nhận định: “Chúng tôi kỳ vọng lạm phát phải xuống gần hơn với mức lãi suất quỹ liên bang thì Fed mới có thể tạm dừng tăng lãi suất. Hiện nay, hai con số này vẫn còn cách nhau khá xa và Fed còn nhiều việc phải làm”.