|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lý do chỉ số Dow Jones đang vượt trội so với S&P, Nasdaq và thông điệp cho nhà đầu tư

18:31 | 06/12/2022
Chia sẻ
Chỉ số Dow Jones đang có hiệu suất vượt xa Nasdaq và S&P 500. Sự chênh lệch này cho thấy trong thời kỳ lãi suất tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế cận kề, các cổ phiếu giá trị truyền thống được đánh giá cao hơn cổ phiếu công nghệ rủi ro.

So với đầu năm 2022, cả ba chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đều đang chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones chỉ mất 6,6% trong khi S&P 500 sụt 16,1% còn Nasdaq Composite rớt tới hơn 28%.

Chênh lệch giữa hiệu suất của Dow Jones và S&P 500 kể từ đầu năm nay là mức lớn nhất kể từ năm 1933. Tương tự, mức chênh lệch của Dow Jones so với Nasdaq trong hơn 11 tháng qua là lớn nhất kể từ năm 2000.

Dow Jones hiện không ở trong vùng điều chỉnh (mất hơn 10% từ đỉnh) như S&P 500 và cũng không chìm trong thị trường gấu (mất trên 20% so với đỉnh) như Nasdaq.

Dow Jones diễn biến khả quan hơn hẳn so với S&P 500 và Nasdaq.

Theo Wall Street Journal (WSJ), sự phân hóa giữa các chỉ số là một dấu hiệu nữa cho thấy chiến dịch nâng lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm náo loạn mọi ngóc ngách của thị trường chứng khoán.

Rời bỏ công nghệ, tìm đến cơ bản

Trong bối cảnh Fed đang cố giảm tốc nền kinh tế để hạ nhiệt lạm phát và có nguy cơ sẽ đẩy nước Mỹ vào suy thoái, nhà đầu tư quyết định tìm đến các cổ phiếu giá trị có khả năng tạo ra dòng tiền ngay lúc này.

Những cổ phiếu công nghệ hứa hẹn tốc độ tăng trưởng khủng và đòi hỏi mức giá cao chót vót đã không còn hấp dẫn.

Xu thế dòng tiền này đã nâng đỡ tích cực cho Dow Jones – chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip. Các thành viên của Dow Jones bao gồm hãng đồ ăn nhanh McDonald’s, tập đoàn sản xuất máy bay Boeing, ngân hàng lâu đời JPMorgan Chase, …

Theo WSJ, chỉ số Nasdaq có hơn 3.700 thành viên và thường được coi là một thước đo của ngành công nghệ. Chỉ số S&P 500 với 500 cổ phiếu thành viên thường được coi là thước đo có tính đại diện cao nhất cho thị trường chứng khoán Mỹ, và nhóm công nghệ cũng chiếm tỷ trọng khá lớn.

Công nghệ là nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Mỹ và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong S&P 500, Nasdaq Composite.

Dow Jones không phải lúc nào cũng dẫn dắt thị trường chứng khoán Mỹ. Vào năm 2020 và 2021 khi lãi suất duy trì gần 0, có rất ít cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn thị trường chứng khoán. Vì vậy, nhà đầu tư sẵn sàng rót tiền vào những cổ phiếu tương đối mạo hiểm như nhóm công nghệ và các doanh nghiệp tăng trưởng khác.

COVID-19 buộc hàng trăm triệu người phải làm việc, mua sắm và giải trí qua mạng internet, ngành công nghệ nhờ vậy được hưởng lợi lớn. Trong năm 2020, Dow Jones chỉ tăng 7% trong khi Nasdaq nhảy vọt 44%.

Nasdaq có hai năm rực rỡ 2020 và 2021 nhưng đến năm 2022 lại rớt thảm.

Đến năm 2022, công nghệ không còn sức hấp dẫn như trước. Các tên tuổi lớn như Apple, Microsoft, Amazon và Alphabet (công ty mẹ của Google) đều giảm sâu hơn S&P 500 và là nguyên nhân chính kéo tụt Nasdaq. Cổ phiếu Meta (công ty mẹ của Facebook) thậm chí còn rớt thảm hơn các Big Tech khác.

Trọng số theo vốn hóa và theo giá thị trường

Cả S&P 500 và Nasdaq đều được tính toán với trọng số là vốn hóa, tức là những doanh nghiệp có vốn hóa càng lớn thì sức ảnh hưởng tới chỉ số chung càng lớn.

4 tập đoàn dẫn đầu thị trường chứng khoán Mỹ đều thuộc ngành công nghệ, nên khi những cái tên này sa sút, tác động tới S&P và Nasdaq là rất ghê gớm.

4/10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất nước Mỹ thuộc nhóm công nghệ.

WSJ dẫn lời ông Andrew Slimmon, nhà quản lý danh mục cổ phiếu Mỹ tại Morgan Stanley Investment Management, nhận định: “Lấy vốn hóa làm trọng số là một vấn đề của S&P 500”.

Fed được dự báo sẽ nâng lãi suất sang cả năm 2023 và các nhà đầu tư cũng như nhà phân tích đều cho rằng Dow Jones sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường.

Các quan chức Fed đã ra tín hiệu tốc độ nâng lãi suất sẽ sớm chậm lại, nhưng báo cáo việc làm và báo cáo lĩnh vực dịch vụ tháng 11 cùng tích cực vượt mong đợi đã cho ngân hàng trung ương Mỹ thêm dư địa để thắt chặt tiền tệ trong cuộc chiến chống lạm phát.

Khác với S&P và Nasdaq, trọng số khi tính toán Dow Jones không phải là vốn hóa mà là giá trên mỗi cổ phiếu. Nói cách khác, cổ phiếu có giá thị trường càng cao sẽ càng tác động lớn tới Dow Jones, bất kể vốn hóa là bao nhiêu.

Cổ phiếu đi lên mạnh nhất Dow Jones kể từ đầu năm đến nay là đại gia dầu khí Chevron với mức tăng 54% trong bối cảnh giá dầu khởi sắc. Chevron cũng là cổ phiếu có tác động tích cực nhất tới Dow Jones, theo sau là các đại diện của ngành y tế như Amgen và UnitedHealth.

Tỷ trọng của Chevron, Amgen và UnitedHealth trong S&P 500 đều nhỏ hơn nhiều so với trong Dow Jones, nên tác động tích cực tới S&P 500 khá hạn chế.

Dow Jones không có những cổ phiếu công nghệ lớn như Amazon. Từ đầu năm đến nay, Amazon đã rớt gần 47% và là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất tới S&P 500.

Nhìn chung, tỷ trọng của nhóm công nghệ trong Dow Jones thấp hơn nhiều so với trong S&P và Nasdaq. Trái lại, Dow Jones có nhiều cổ phiếu tài chính và công nghệ, đây là những nhóm có hiệu suất tương đối tốt trong 11 tháng qua.

“Nếu lãi suất lên cao hơn và duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn thì nhiều khả năng cổ phiếu giá trị sẽ tiếp tục đánh bại cổ phiếu tăng trưởng”, ông Bob Doll, Giám đốc đầu tư tại Crossmark Global Investments, dự báo.

Song Ngọc