|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dow Jones chạm đỉnh mới, S&P 500 tăng phiên thứ 6 liên tiếp

06:43 | 21/10/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 20/10 khởi sắc trên diện rộng khi nhiều doanh nghiệp thông báo lợi nhuận khả quan và giá Bitcoin tăng mạnh lên đỉnh mới trên 66.000 USD.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc thiết lập đỉnh lịch sử trong phiên ở 35.669,69 điểm. Khi thị trường đóng cửa, chỉ số hạ nhiệt còn 35.609,34 điểm, tương ứng tăng 0,43% so với tham chiếu.

Tuy đã phá đỉnh trong phiên nhưng nếu so về giá đóng cửa, Dow Jones vẫn còn kém đỉnh cũ hồi tháng 8 khoảng 0,1%. S&P 500 tăng 0,37% lên 4.536,19 điểm, còn cách kỷ lục cũ gần 0,2%. Nasdaq Composite giảm nhẹ 0,05%.

Dow Jones chạm đỉnh mới, S&P 500 tăng phiên thứ 6 liên tiếp - Ảnh 1.

Dow Jones dần quay lại đỉnh lịch sử thiết lập hồi cuối tháng 8.

Theo CNBC, thị trường chứng khoán Mỹ đã phải vượt qua muôn vàn trở ngại trong hai tháng qua để Dow Jones có thể chạm đỉnh lịch sử trong phiên 20/10. Những lo lắng về biến thể Delta của COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thông báo giảm hỗ trợ, lạm phát lên cao, ... tất cả đều đã khiến cho nhà đầu tư bất an.

Ông Sam Stovall, Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty nghiên cứu CFRA, cho rằng thị trường vẫn đang kéo dài đà tăng từ tuần trước sau khi số liệu giá sản xuất được công bố thấp hơn dự tính và loạt ngân hàng lớn báo lãi khủng.

"Tôi nghĩ lợi nhuận ngân hàng khả quan đã châm ngòi cho đợt tăng này. Chỉ số giá sản xuất tăng chậm lại so với tháng trước cho thấy lạm phát có vẻ đang chạm đỉnh và tác động của đợt dịch COVID-19 mới đang suy yếu", ông Stovall nói.

Ông dự báo S&P 500 cũng có thể sớm phá đỉnh lịch sử và tạo ra tín hiệu giá tăng mạnh mẽ cho thị trường trong tương lai. 

"Lịch sử cho thấy, sau khi thị trường suy giảm rồi hồi phục, S&P 500 sẽ tăng trung bình 8,4% trong 98 ngày giao dịch tiếp theo. Sau đó, thị trường có thể lại giảm khoảng 5% hoặc hơn. Các yếu tố chu kỳ thuận lợi cũng có thể giúp S&P 500 chinh phục các đỉnh cao mới", ông Stovall của CFRA nói.

Verizon tăng 2,4% và là một trong những cổ phiếu đi lên mạnh nhất Dow Jones sau khi tập đoàn dịch vụ viễn thông này công bố lợi nhuận quý III vượt dự báo. Verizon còn nâng ước tính kết quả kinh doanh cả năm vì mạng 5G đang ngày càng được sử dụng rộng rãi.

Tổng cộng 80 doanh nghiệp thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý III và đến nay, tình hình có vẻ khá tươi sáng. Theo Earnings Scout, khoảng 84% trong số 80 công ty nói trên có lợi nhuận vượt kỳ vọng của giới phân tích, cao hơn trung bình khoảng 12,1%.

Tăng trưởng EPS trong quý III/2021 so với cùng kỳ năm ngoái là 29,2%. Khoảng 76% số doanh nghiệp có doanh thu cao hơn kỳ vọng, bình quân vượt 14,2%.

Sau khi thị trường đóng cửa ngày 20/10, loạt ông lớn gồm IBM, Tesla và Las Vegas Sands cũng thông báo kết quả hoạt động quý vừa qua.

Tập đoàn xe điện của tỷ phú Elon Musk công bố lợi nhuận ròng 1,62 tỷ USD, cao gấp gần 5 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần thứ 2 Tesla có lãi trên 1 tỷ USD trong một quý. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS điều chỉnh) đạt 1,86 USD, cao hơn ước tính 1,59 USD của Refinitiv. Doanh thu đạt 13,76 tỷ USD, trong khi dự báo là 13,63 tỷ.

Dow Jones chạm đỉnh mới, S&P 500 tăng phiên thứ 6 liên tiếp - Ảnh 3.

Đa số nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đi lên trong phiên 20/10.

Giá Bitcoin vọt lên đỉnh mới trên 66.000 USD sau khi tỷ phú đầu cơ Paul Tudor Jones gọi đồng tiền mã hóa này là công cụ phòng ngừa lạm phát ưa thích của ông, thậm chí còn tốt hơn cả vàng. 

Đà tăng của Bitcoin đã kéo dài trong 4 tuần qua giữa nhiều thông tin tích cực về quy định pháp lý. Quỹ ETF hợp đồng tương lai Bitcoin đã được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cho phép bắt đầu giao dịch từ ngày 19/10.

Ông Tom Lee, Giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn Fundstrat, cho rằng việc giá Bitcoin tăng vọt là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro. 

Ông dự báo thị trường chứng khoán Mỹ vẫn có thể tăng thêm khoảng 6% trong những tháng cuối năm và nâng mức mục tiêu của S&P 500 lên 4.800 điểm. Lý do mà ông đưa ra là số ca nhiễm COVID-19 giảm dần và sức chịu đựng dẻo dai của nền kinh tế.

Đức Quyền

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.