|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Evergrande sắp vỡ nợ nhưng báo cáo tài chính không một lời cảnh báo: Kiểm toán đã ngủ quên?

09:06 | 15/10/2021
Chia sẻ
Các dấu hiệu tài chính khả nghi tại Evergrande đã xuất hiện từ nhiều năm trước nhưng kiểm toán PricewaterhouseCoopers chưa một lần lên tiếng. Các nhà phân tích đã phải đặt ra câu hỏi: Phải chăng kiểm toán viên đã ngủ gật khi xem sổ sách của Evergrande?
Evergrande sắp vỡ nợ nhưng báo cáo tài chính không một lời cảnh báo: Kiểm toán đã ngủ quên? - Ảnh 1.

Văn phòng công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) ở More London Riverside. (Ảnh: Getty Images).

Nguy cơ vỡ nợ của Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc – khiến nhà đầu tư toàn cầu đặc biệt lo lắng trong khoảng một tháng gần đây.

Vào các ngày 23/9, 29/9 và 11/10, khoảng 279 triệu USD lãi trái phiếu quốc tế của Evergrande đã đến hạn nhưng tập đoàn này không thể thanh toán.

Nếu không trả trong vòng 30 ngày, Evergrande sẽ bị tuyên bố vỡ nợ. Từ nay đến cuối năm, "bom nợ" này sẽ có thêm 474 triệu USD tiền lãi trái phiếu ngoại tệ khác đến hạn.

Đó là còn chưa kể đến các khoản vay trong nước và nợ nhà cung cấp, đối tác làm ăn. Tổng khối nợ phải trả của Evergrande tại ngày 30/6 năm nay lên tới hơn 300 tỷ USD, trong đó khoảng 86 tỷ USD là nợ vay có tính lãi. Số nợ vay đến hạn trả trong vòng một năm là khoảng 36 tỷ USD.

Tính đến cuối tháng 9 năm nay, Evergrande đã chậm thanh toán hơn 6 tỷ USD tiền của các nhà đầu tư mua sản phẩm quản lý tài sản (WMP).

Khối nợ khổng lồ này không thể xuất hiện chỉ sau một đêm mà là được tích tụ trong suốt một thời gian dài. Các dấu hiệu về vấn đề tài chính của Evergrande cũng không phải chỉ gần đây mới lộ diện mà đã được nhắc đến nhiều lần trong quá khứ, giống như những "vụn bánh mỳ" dẫn dắt những người biết để ý thoát khỏi mê cung rừng rậm.

"Vụn bánh mỳ" rải rác theo năm tháng

Tháng 6/2012, Citron Research – công ty chuyên tìm kiếm các cơ hội bán khống - đã công bố một nghiên cứu cáo buộc Evergrande gian lận kế toán và khẳng định vốn chủ sở hữu của công ty đã âm.

Theo Citron, Evergrande khi đó đã phóng đại giá trị tiền mặt khoảng 17 tỷ nhân dân tệ, thổi phồng danh mục đầu tư bất động sản 10 tỷ NDT, thổi phồng giá trị dự án đầu tư ngoài ngành của Chủ tịch Hứa Gia Ấn 12 tỷ NDT, phóng đại giá gốc mua đất 6 tỷ NDT, che dấu các khoản nợ trị giá 23 tỷ NDT …

Citron Research còn cho rằng Evergrande hối lộ quan chức chính quyền để chiếm quỹ đất khủng với giá rẻ, nhận đất rồi bỏ không trong nhiều năm, …

Chính quyền Hong Kong khi đó đã đứng về phía Evergrande, cho rằng Citron tung tin giả để trục lợi. Citron thua kiện cả ở tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm, bị cấm giao dịch 5 năm trên thị trường Hong Kong.

Tai ương xảy đến với Citron không làm cho GMT Research – một công ty nghiên cứu khác – nhụt chí. Tháng 11/2016, GMT công khai khẳng định các báo cáo tài chính đã không phản ảnh một cách trung thực và hợp lý tình hình tài chính của Evergrande.

GMT đã đến thăm 40 dự án xây dựng của Evergrande và nhận thấy nhiều công trình dang dở bị bỏ hoang, nhiều tòa nhà trống rỗng không có ai ở, … 

Khoảng 1/4 số bất động sản mà Evergrande từng xây dựng đều chưa bán được và vẫn nằm trên bảng cân đối kế toán, GMT ước tính vào năm 2016.

Những dự án ế ẩm và xuống cấp lẽ ra phải được trích lập dự phòng, ghi nhận giảm giá trị và hạch toán thành một khoản lỗ. Tuy nhiên trong thực tế, Evergrande vẫn ghi nhận với giá gốc, đôi khi định giá lại và điều chỉnh tăng nhưng không bao giờ ghi giảm.

"Chúng tôi cho rằng nếu đánh giá một cách thực tế, các tài sản của Evergrande sẽ phải điều chỉnh giảm 150 tỷ nhân dân tệ (tương đương 23 tỷ USD), tức là đủ để xóa sạch ba lần vốn chủ sở hữu", GMT viết trong báo cáo năm 2016.

"Evergrande đã mất khả năng thanh toán", GMT rút ra kết luận giống với Citron 4 năm trước đó.

Evergrande sắp vỡ nợ nhưng báo cáo tài chính không một lời cảnh báo: Kiểm toán đã ngủ quên? - Ảnh 3.

Một khách sạn do Evergrande xây dang dở và bỏ hoang, năm 2016. (Ảnh: GMT Research).

Cả Citron và GMT đều đưa ra nhận định chính xác mặc dù phải tự tìm hiểu thông tin về Evergrande, không hề được tập đoàn bất động sản này cung cấp bất kỳ tài liệu nào.

Trong khi đó, công ty kiểm toán là PricewaterhouseCoopers (PwC) được tiếp cận toàn bộ sổ sách kế toán của Evergrande nhưng không phát hiện ra điểm bất thường nào.

Cuối tháng 8/2020, Evergrande gửi thư cầu cứu tới chính quyền tỉnh Quảng Đông sau khi chính sách "ba lằn ranh đỏ" bắt đầu có hiệu lực. Theo quy định mới, Evergrande bị xếp vào nhóm vi phạm cả ba tiêu chí về tài chính nên không được phép tăng vay nợ.

Tập đoàn này phải lách luật bằng cách huy động tiền thông qua các sản phẩm đầu tư với cam kết lợi suất cao, đồng thời bán bớt tài sản để trả nợ.

Tháng 9/2020, GMT công bố một báo cáo khác cho rằng Evergrande dùng các khoản nợ với lãi suất cao để tài trợ cho các dự án không bán được và các tài sản không sinh lời khác.

Tuy nhiên, trên báo cáo tài chính hợp nhất cả năm 2020 của Evergrande, kiểm toán PwC một lần nữa đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần.

"Phải chăng PwC – kiểm toán của Evergrande – đã ngủ quên?"

GMT Research, năm 2016.

"Ngủ quên" để nhận 42 triệu USD của Evergrande?

PwC kiểm toán báo cáo tài chính cho Evergrande liên tục trong 12 năm từ 2009 đến 2020, năm nào cũng đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần, thậm chí không có vấn đề cần nhấn mạnh.

Theo Financial Times, PwC đã nhận được tổng cộng 271 triệu nhân dân tệ (tương đương 42 triệu USD) phí kiểm toán từ Evergrande.

Nếu PwC phản đối chính sách kế toán của Evergrande hoặc đưa ra các ý kiến bất lợi về báo cáo tài chính, rất có thể đại gia bất động sản Trung Quốc này sẽ chọn một công ty kiểm toán khác, khiến PwC mất đi một khoản phí béo bở.

Không những vậy, các doanh nghiệp khác nhìn vào cũng sẽ đánh giá PwC là người "khó làm việc cùng" và ưu tiên chọn các đối thủ trong nhóm Big4.

Evergrande sắp vỡ nợ nhưng báo cáo tài chính không một lời cảnh báo: Kiểm toán đã ngủ quên? - Ảnh 5.

Các báo cáo tài chính đã kiểm toán khẳng định Evergrande có hàng chục tỷ USD vốn chủ sở hữu nhưng nhiều tổ chức nghiên cứu khẳng định Evergrande đã âm vốn từ lâu, số liệu đẹp đẽ là nhờ thủ thuật kế toán.

Mãi cho tới cuối tháng 8 vừa qua, báo cáo tài chính bán niên của Evergrande mới lần đầu tiên nêu lên nghi vấn về khả năng hoạt động liên tục và nguy cơ không trả được nợ của tập đoàn. Tuy nhiên, những nghi vấn này hoàn toàn do ban lãnh đạo của Evergrande đưa ra, báo cáo bán niên vẫn chưa qua kiểm toán.

Việc PwC liên tục tán thành các chính sách kế toán bơm thổi của Evergrande có thể giúp hãng có thêm doanh thu kiểm toán nhưng cũng đem đến không ít những rủi ro.

Giờ đây khi Evergrande không thể trả đúng hạn các khoản nợ khổng lồ, hàng ngàn người kéo đến trụ sở của tập đoàn để đòi tiền, PwC không thể tránh khỏi liên đới.

Câu hỏi trách nhiệm của đơn vị kiểm toán đang được đặt ra, tương tự như các vụ bê bối trước đây như Enron (Arthur Andersen kiểm toán), Carillion (KPMG) hay gần đây nhất là Luckin Coffee (Ernst & Young).

Bộ Tài chính Trung Quốc đã tuyên bố sẽ cải thiện chất lượng kiểm toán doanh nghiệp trong năm 2021 và đảm bảo "sự tuân thủ và giám sát nghiêm ngặt" các quy định.

Nếu cuộc khủng hoảng Evergrande xấu đi, PwC sẽ không những phải hứng chỉ trích từ các nhà đầu tư và khách hàng của đại gia địa ốc này mà có thể còn dính đòn từ chính quyền Bắc Kinh.

Đức Quyền - Song Ngọc