|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dòng vốn vào startup tại Đông Nam Á trong năm 2019 giảm 30%

13:47 | 28/02/2020
Chia sẻ
Mặc dù đã có đà tăng trưởng rất tốt trong nửa đầu năm 2019, dòng vốn đổ vào startup tại Đông Nam Á đã hụt hơi trong giai đoạn cuối năm.

Dòng tiền đầu tư vào các startup tại Đông Nam Á đang có xu hướng chững lại. Nguyên nhân chính đến từ việc các nhà đầu tư quốc tế đang đánh giá khắt khe hơn đối với các công ty khởi nghiệp trong khu vực.

Theo dữ liệu từ DealStreetAsia, số tiền mà các nhà đầu tư mạo hiểm rót vào các startup tại Đông Nam Á trong năm 2019 chỉ đạt 9,5 tỉ USD, thấp hơn 30% so với cùng kì trước đó. Số công ty huy động trên 1 tỉ USD cũng đã giảm từ 5 xuống còn 2.

Khả năng sinh lời của các kì lân đang được đánh giá một cách chặt chẽ hơn so với thời gian trước đó.

Năm 2019, Grab đã huy động 2,1 tỉ USD, chủ yếu từ Quĩ Vision của SoftBank. Đây cũng là con số lớn nhất ở thị trường Đông Nam Á. Doanh nghiệp xếp sau Grab là đối thủ cạnh tranh Go-jek với 1,6 tỉ USD mà họ huy động từ Google và các nhà đầu tư khác.

Riêng hai công ty gọi xe này đã hút 3,7 tỉ USD vốn cho thị trường Đông Nam Á, chiếm gần 40%. Tuy nhiên đây lại là con số thấp hơn so với năm 2018, khi Lazada và Tokopedia đã nhận gần 9 tỉ USD đầu tư.

Dòng vốn đổ vào startup tại Đông Nam Á trong năm 2019 giảm 30% - Ảnh 1.

Số vốn mà các startup huy động trong năm 2019 của các startup tại Đông Nam Á. Nguồn: Dealstreetasia.

Điều đáng nói là dòng tiền đầu tư vào các startup tại Đông Nam Á vẫn giữ đà tăng trưởng trong nửa đầu năm 2019. Nhưng, từ nửa sau năm 2019, dòng vốn mất đà sau khi nhiều startup IPO thất bại như WeWork hoặc giá cổ phiếu giảm sâu sau IPO như Uber.

Mặc dù số vốn đầu tư giảm, số lượng startup nhận vốn tại thị trường Đông Nam Á trong năm 2019 lại có xu hướng tăng lên, từ 381 lên 503. Indonesia là thị trường duy nhất đi ngược lại xu thế chung, với tổng số vốn đầu tư tăng 10% nhưng số startup nhận đầu tư lại giảm 68%.

Tại Việt Nam, những doanh nghiệp thanh toán điện tử đang là những công ty tích cực nhất trong việc gọi vốn. VNPay nhận 300 triệu USD trong khi công ty chủ quản của Momo cũng thu về 120 triệu USD đầu tư trong năm 2019. Đây là những con số kỉ lục trong khu vực trong năm vừa qua.

Theo báo cáo của Google, nền kinh tế kĩ thuật số tại Đông Nam Á sẽ đạt mốc 300 tỉ USD vào năm 2025. Theo dự kiến, Indonesia và Việt Nam sẽ là 2 nước dẫn đầu về mảng này.

Dòng vốn đổ vào startup tại Đông Nam Á trong năm 2019 giảm 30% - Ảnh 2.

Grab là startup Đông Nam Á gọi được nhiều vốn nhất trong năm 2019. Ảnh: Nikkei.

2019 cũng đánh dấu việc thị trường Đông Nam Á đón nhận nhiều nhà đầu tư mới hơn là những cái tên quen thuộc như SoftBank và Alibaba.

Mặc dù vậy, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra vô cùng khắt khe khi đánh giá một startup. Khả năng sinh lời trong tương lai vẫn sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để định giá một công ty khởi nghiệp.

Với tình hình phức tạp từ dịch Covid-19, việc gọi vốn tại Đông Nam Á sẽ có phần gặp khó khăn trong khâu tìm nguồn vốn. Các nhà đầu tư đang xem xét một cách kĩ lưỡng liệu các startup có thể tiếp tục dựa vào thế mạnh của khu vực để phát triển một cách bùng nổ hay không.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Tiểu Phượng