|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Dòng tiền tiềm năng chờ quay lại với bất động sản?

07:50 | 28/11/2023
Chia sẻ
Tiền nhàn rỗi trong dân cư và doanh nghiệp vẫn chảy mạnh vào ngân hàng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động giảm sâu. Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn chưa hấp thụ được vốn.

(Ảnh minh họa: VietnamNet).

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây cho thấy, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9, lên mức kỷ lục hơn 6,44 triệu tỷ đồng, cao gấp 11 lần cùng kỳ năm 2022 nhưng là tháng tăng thấp thứ hai trong 9 tháng đầu năm (chỉ cao hơn tháng 7 - tăng 6.707 tỷ đồng).

So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng 9,95%, tương đương tăng thêm 583.494 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018.

Trong khi tăng trưởng tiền gửi của dân cư chậm lại trong tháng 9 thì tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại tăng mạnh 217.353 tỷ đồng, lên gần 6,23 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của khối doanh nghiệp đã tăng 276.856 tỷ đồng, tương đương 4,65%, cao gấp đôi tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.

Tính đến hết quý III, lượng tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.

Tiền gửi ngân hàng vẫn trong xu hướng tăng dù lãi suất huy động liên tục giảm sâu, điều này có phần trái ngược với diễn biến thông thường.

Theo dữ liệu từ WiChart, vào cuối tháng 9, lãi suất huy động kỳ hạn tại nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước đều được hạ xuống còn 5,5%/năm. Lãi suất tại các NHTM lớn là 5,53%/năm, trong khi tại các NHTM nhỏ là 5,85%. Mức lãi suất trên rất gần với đáy từng được ghi nhận trong giai đoạn đại dịch COVID.

Cho tới nay (ngày 27/11), lãi suất ngân hàng đã tiếp tục giảm thêm từ 0,27 điểm % tới 0,52 điểm % tại từng nhóm ngân hàng. Tính đến ngày 27/11, lãi suất huy động của NHTM nhà nước kỳ hạn 12 tháng đang là 5,23%/năm, trong khi tại các NHTM lớn là 5,05%, còn nhóm NHTM nhỏ ghi nhận lãi suất tiền gửi 5,33%. 

Tổng tiền gửi trong nền kinh tế. (Nguồn: Wichart).

Tiền nhàn rỗi trong dân vẫn được coi là một nguồn tiền tiềm năng cho thị trường bất động sản. Còn nhớ giai đoạn 2020 – 2021, dòng tiền rẻ (kết quả của chính sách mở rộng tín dụng, giảm lãi suất) đã đổ mạnh vào bất động sản khiến thị trường nóng sốt khắp nơi.

Dòng tiền từ kênh gửi tiết kiệm vẫn chưa dịch chuyển sang kênh đầu tư dài hạn là bất động sản một phần do thanh khoản, niềm tin của các nhà đầu tư vẫn chưa thực sự hồi phục, trong khi đó lãi suất cho vay mua nhà hiện vẫn đang ở mức cao.

Một vị chuyên gia trong ngành từng nhận định, cuối năm 2023 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Và đây cũng sẽ là thời điểm quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không.

Theo đó, có hai kịch bản xảy ra. Với kịch bản thứ nhất, nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư chưa được khôi phục thì có thể nguồn tiền này vẫn tiếp tục ở lại hệ thống ngân hàng, chấp nhận một mức lãi suất thấp hơn. Ở kịch bản thứ hai, lãi suất huy động giảm xuống mức 6 - 7% vào thời điểm cuối năm nay, nguồn tiền rẻ này có thể quay trở lại thị trường.

“Khi dòng tiền quay trở lại thị trường, nhiều người sẽ tìm đến các kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn so với kênh gửi tiết kiệm. Trong bối cảnh này, nếu nhìn lại quá khứ, thông thường thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng trước, sau đó sẽ đến thị trường bất động sản”, chuyên gia cho hay.

Còn theo đánh giá của một chuyên gia lâu năm, trong điều kiện bình thường, nền kinh tế hoạt động ổn định, tất cả các thị trường cũng đều hoạt động ổn định và khi lãi suất đang thấp thì nhiều người có xu hướng vay tiền để đầu tư, đầu cơ. Nhưng khi giá bán đã bị đẩy lên quá cao thì cho dù lãi suất giảm đến 50% cũng chưa chắc đã có nhiều người dám vay tiền để mua bất động sản.

“Lãi suất giảm chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ để kích thích dòng tiền vào bất động sản. Điều kiện đủ ở đây là thị trường có đủ hấp dẫn để người ta đầu tư hay không. Cần nhớ trong kinh tế học, khi lượng đổi thì chất đổi, cái gì tăng mãi thì cũng đến một lúc phải giảm và trả lại giá trị thật”, chuyên gia nói.

Vị này phân tích thêm, trong suốt một thập kỷ qua, giá bất động sản đã nhiều lần lập đỉnh. Vào năm 2013, giá bất động sản vẫn ở mức vừa phải để mua đầu tư hay khai thác cho thuê thì đến giai đoạn 2016 - 2018 tăng tương đối mạnh, năm 2019 tăng chậm lại tưởng như sắp sửa đảo chiều giảm giá thì giai đoạn 2020 - 2021 lại tăng mạnh. Theo đó, giá bất động sản đã tăng liên tục trong suốt những năm vừa qua.

Hà Lê