|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 9/8: Tự doanh cùng NĐT cá nhân đảo chiều mua ròng hơn 600 tỷ đồng phiên điều chỉnh

06:37 | 09/08/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index gặp khó trước ngưỡng 1.350 điểm, khối tự doanh công ty chứng khoán, NĐT cá nhân cùng khối ngoại đồng loạt xuống tiền nâng đỡ thị trường. Riêng tổ chức trong nước duy trì bán ròng với quy mô chốt lời tăng mạnh.

Sau nhịp giằng co trong phiên sáng, lực cung áp đảo trong phiên chiều đã khiến các chỉ số quay đầu giảm điểm sau chuỗi tăng kéo dài. VN-Index đóng cửa giảm 0,3% dừng tại 1,341.45 điểm. Độ rộng thị trường thu hẹp so với phiên trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng/giảm là 117/200.

Gây áp lực giảm lên thị trường nhiều nhất là nhóm bluechips. Lực bán tập trung tại các mã ngân hàng như VPB, VCB, TCB, STB, ACB với mức giảm từ 1 - 3%.  Ở chiều ngược lại, VHM dẫn dắt cho đà tăng của chỉ số với tỷ lệ tăng 2%, ngoài ra POW (1,9%), KDH (1%), PLX (1%) là những mã giữ được mức tăng tích cực.

Về thanh khoản, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 28.278 tỷ đồng, tăng 18,2% so với phiên liền trước. Trong đó, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 22.317 tỷ đồng.

Dòng tiền đầu tư thu hẹp vào một số nhóm ngành khi chỉ có 9/19 nhóm ngành tăng điểm. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng ở nhóm bất động sản, chứng khoán trong khi giảm ở ngành ngân hàng, thép.

Trong phiên VN-Index gặp khó trước ngưỡng 1.350 điểm, khối tự doanh công ty chứng khoán (CTCK), NĐT cá nhân cùng khối ngoại đồng loạt xuống tiền nâng đỡ thị trường. Riêng tổ chức trong nước duy trì bán ròng với quy mô chốt lời tăng mạnh.

Dòng tiền thông minh 9/8: - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch của các bên tham gia thị trường. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ Fiinpro).

Tự doanh đảo chiều rót gần 300 tỷ đồng, tập trung gom cổ phiếu VHM và FPT

Trong phiên thứ Sáu cuối tuần (6/8), khối tự doanh chuyển mua ròng 283 tỷ, tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 259 tỷ.

Tự doanh mua ròng 10/18 ngành, nhóm mua ròng mạnh nhất là công nghệ thông tin (CNTT). Top cổ phiếu được khối tự doanh rót tiền trong phiên gồm VHM, FPT, HPG, MWG, VPB, PNJ, MBB, VRE, GMD và AGG.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính chịu áp lực bán lớn nhất từ khối tự doanh. Top các mã bị nhóm này bán ròng gồm IJC, TCB, FUEVFVND, PLX, STB, PET, ACB, VCB, NVL và HDB.

Dòng tiền thông minh 9/8: - Ảnh 2.

Top10 mã khối tự doanh mua/bán ròng phiên 6/8. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ Fiinpro).

Tổ chức nội là bên duy nhất bán ròng

Giao dịch trái chiều với khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước duy trì bán ròng 637 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ rút ròng 590 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhà đầu tư tổ chức trong nước mua ròng 4/18 ngành với giá trị vào ròng lớn nhất là ô tô phụ tùng. Trong khi đó, họ bán ròng 14/18 ngành còn lại với lực xả mạnh nhất ở nhóm bất động sản.

Top cổ phiếu được tổ chức nội mua ròng có HPG, STB, DRC, DIG, MSB, VNM, KBC, FLC, FCN, IJC, VJC. Ngược lại, Top 10 mã bị khối này bán ròng gồm VHM, TCB, FPT, LPB, ACB, VPB, DPM, GIL, HSG, MSN, CTG.

NĐT cá nhân đảo chiều mua ròng, tập trung gom cổ phiếu BĐS

Thống kê giao dịch của NĐT cá nhân, họ mua ròng 318 tỷ đồng, trong đó gom ròng 296 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

Dòng tiền thông minh 9/8: Tự doanh cùng NĐT cá nhân đảo chiều mua ròng hơn 600 tỷ đồng phiên điều chỉnh - Ảnh 3.

Top10 mã NĐT cá nhân mua/bán ròng phiên 6/8. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ Fiinpro).

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 7/18 ngành, chủ yếu giải ngân vào nhóm bất động sản. Top mua ròng của NĐT cá nhân gồm VHM, VNM, GAS, TCB, VRE, CTG, VIC, VCB, DPM, NVL, ACB.

Trong khi đó, họ bán ròng 11/18 ngành còn lại, tập trung thoái vốn khỏi nhóm tài nguyên cơ bản, chứng khoán để đối ứng với nước ngoài. Top bán ròng có HPG, SSI, STB, FPT, MBB, MWG, DXG, HDB, DRC, HDG, VJC.

Có thể thấy giao dịch của nhà đầu tư cá nhân chủ yếu là đối ứng với nước ngoài. Tuy nhiên họ cũng bán đối ứng FPT, MWG cho tự doanh và  DRC, VJC cho tổ chức trong nước.

Khối ngoại giảm quy mô mua ròng phiên VN-Index điều chỉnh

Về phía NĐT nước ngoài, nhóm này tiếp tục xu hướng mua ròng ngắn hạn phiên thứ 5 liên tiếp, tuy nhiên giá trị mua ròng giảm mạnh từ 1.134 tỷ phiên trước còn 55 tỷ đồng phiên này.

Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài tiếp tục là nhóm chứng khoán, ngân hàng, thép. Top mua ròng khớp lệnh của NĐT ngoại gồm các mã SSI, STB, HPG, DXG, MBB, HDB, HSG, LPB, BVH, PLX.

Trong đó, đây là phiên thứ 8 liên tiếp nước ngoài mua ròng SSI, đưa tổng mua ròng từ đầu tháng lên 639 tỷ đồng và tính từ đầu năm là 830 tỷ đồng. Thị trường nói đến việc quỹ ngoại liên tục mua cổ phiếu SSI.

Tương tự, STB, MBB tiếp tục được mua ròng mạnh, đây là phiên mua ròng STB thứ 6 liên tiếp và MBB thứ 8 của nước ngoài. Điểm đáng chú ý về hành vi của nhà đầu tư nước ngoài là họ bán ròng cổ phiếu có vốn hóa nhà nước lớn như VCB, CTG và mua cổ phiếu của các ngân hàng thương mại.

Bên phía bán ròng khớp lệnh, họ vẫn bán nhiều nhất là nhóm bất động sản, thực phẩm đồ uống. Top bán ròng theo thứ tự các mã VNM, GAS, VRE, VIC, DIG, VCB, CTG, NVL, VCI, KBC.

Nước ngoài bán ròng cả ba cổ phiếu họ Vingroup trong phiên cuối tuần. Tính từ đầu năm, nước ngoài đã chuyển sang bán ròng VRE 79 tỷ đồng, bán ròng VIC 1.978 tỷ đồng, ngược lại họ mua ròng VHM 5.133 tỷ đồng.

Ngoài ra, VNM, CTG tiếp tục nằm trong danh mục các mã bị bán ròng, tính từ đầu năm, khối ngoại rút ròng 5.914 tỷ đồng VNM và 6.975 tỷ đồng CTG.

Thu Thảo

Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược và ra Tuyên bố chung Việt Nam – Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.