|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 8/6: Giao dịch thỏa thuận giảm mạnh, NĐT cá nhân cùng khối tự doanh gom tiếp 850 tỷ đồng

07:55 | 08/06/2021
Chia sẻ
Phiên VN-Index đứt chuỗi tăng điểm, giao dịch thỏa thuận trên toàn thị trường giảm mạnh so với phiên trước. NĐT cá nhân và khối tự doanh tiếp tục mua ròng 850 tỷ đồng bất chấp đà bán ròng của các tổ chức trong nước và khối ngoại.

Giao dịch thỏa thuận giảm mạnh phiên điều chỉnh, dòng tiền đổ về nhóm bảo hiểm

Kết thúc chuỗi phiên tăng điểm liên tiếp vừa qua, VN-Index ghi nhận phiên 7/6 điều chỉnh mạnh, giảm 1,11% về mức 1.358,78 điểm. Có thời điểm trong phiên, VN-Index giảm hơn 26 điểm. Lực xả tại nhóm ngân hàng, chứng khoán là tác nhân chính khiến thị trường giảm sâu.

Độ rộng thị trường thu hẹp so với phiên trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng/giảm là 157/265. Giá trị giao dịch trên HOSE đạt 28.620 tỷ đồng trong khi giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 36.628 tỷ đồng, giảm 4% so với phiên liền trước.

Dòng tiền vào nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm tăng mạnh. Cụ thể, giá trị giao dịch của nhóm bảo hiểm tăng lên 244,28 tỷ đồng so với trung bình năm ở mức 91 tỷ đồng và trung bình 5 tuần qua ở mức 100 tỷ đồng. Riêng cổ phiếu MIG ghi nhận dòng tiền tăng 10 lần so với 5 phiên giao dịch trước đó; cổ phiếu BVH tăng 3 lần so với 5 phiên giao dịch trước đó.

Thống kê giao dịch thỏa thuận trong phiên hôm qua đạt 1.384 tỷ đồng, giảm mạnh so với phiên trước đó.

Top giao dịch đáng chú ý gồm NĐT cá nhân mua bán nội khối AGG (58 tỷ đồng), KDC (54 tỷ đồng), SHI (52 tỷ đồng), DBD (49 tỷ đồng), LPB (44 tỷ đồng), VCG (45 tỷ đồng), VIB (35 tỷ đồng). Ngoài ra, NĐT nước ngoài mua bán nội khối TCB (64 tỷ đồng), FPT (51 tỷ đồng).

Tự doanh mua GEX (120 tỷ đồng) từ NĐT cá nhân trong nước và tổ chức khác. Trong khi đó, tổ chức trong nước mua/bán nội khối EIB (55 tỷ đồng).

NĐT cá nhân gom tiếp 609 tỷ phiên VN-Index đứt chuỗi tăng điểm

Trong các bên tham gia thị trường phiên hôm qua, nhà đầu tư cá nhân trong nước và khối tự doanh mua ròng trong khi nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức trong nước bán ròng.

Riêng NĐT cá nhân tiếp tục mua ròng 609 tỷ đồng, trong đó mua ròng khớp lệnh là 684 tỷ đồng bất chấp đà chỉnh mạnh của VN-Index. Nhóm này mua ròng trên HOSE gàn 724 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 11/18 ngành, tập trung tài nguyên cơ bản. dầu khí; trong khi đó, các ngành bị bán ròng có 7/18 ngành, có nhóm thực phẩm đồ uống.

Dòng tiền thông minh 8/6: Giao dịch thỏa thuận giảm mạnh, NĐT cá nhân cùng khối tự doanh gom tiếp 850 tỷ đồng - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Đáng chú ý tại phía mua ròng, NĐT cá nhân trở lại rót vốn mạnh nhất cho HPG (467 tỷ đồng), theo sau là VIC (200 tỷ đồng) và PLX (119 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, các NĐT cá nhân mua ròng loạt mã ngân hàng như STB (87 tỷ đồng), VPB (77 tỷ đồng), ACB (57 tỷ đồng), MBB (42 tỷ đồng). Một số mã khác cùng chiều mua ròng như GEX, DCM, BVH…

Diễn biến trái chiều, hai mã chịu áp lực bán ròng chủ yếu từ NĐT cá nhân là VRE và OCB với giá trị lần lượt là 177 tỷ đồng và 123 tỷ đồng. Mặt khác, nhóm này bán ròng NVL (56 tỷ đồng), GVR (53 tỷ đồng), ngoài ra còn có VCB, VHM, HCM…

Khối tự doanh mua ròng 240 tỷ, tập trung rót tiền vào cổ phiếu ngân hàng

Cùng chiều NĐT cá nhân, khối tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục mua ròng 241 tỷ, trong đó mua ròng 161 tỷ qua khớp lệnh.

Dòng tiền thông minh 8/6: Giao dịch thỏa thuận giảm mạnh, NĐT cá nhân cùng khối tự doanh gom tiếp 850 tỷ đồng - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Top10 các mã thu hút dòng vốn tự doanh có tới 7 mã thuộc nhóm ngân hàng, dẫn đầu là VCB (54 tỷ đồng), theo sau là LPB (47 tỷ đồng), STB, OCB, TCB, ACB, BID. Ngoài ra còn có các mã như VRE, VIC, HPG trong top mua ròng.

Ngược lại, Top10 mã bị khối tự doanh bán ròng có PLX (62 tỷ đồng), KBC (31 tỷ đồng), KDH (22 tỷ đồng) cùng một số mã khác như FPT, FUEVFVND, SAB, REE…

Các tổ chức trong nước chuyển bán ròng gần 200 tỷ, xả mạnh mã PLX

NĐT tổ chức trong nước chuyển vị thế bán ròng 199 tỷ đồng, giá trị bán ròng khớp lệnh đạt 201 tỷ đồng.

Dòng tiền thông minh 8/6: Giao dịch thỏa thuận giảm mạnh, NĐT cá nhân cùng khối tự doanh gom tiếp 850 tỷ đồng - Ảnh 3.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, các tổ chức trong nước mua ròng 7/18 nhóm ngành trong đó có thực phẩm đồ uống, hóa chất. Theo mã, nhóm này mua ròng khớp lệnh HPG (48 tỷ đồng), GVR (45 tỷ đồng), VPB (41 tỷ đồng), HCM, VNM, TCB, OCB, MSN, KDC, HDB.

Phía bán ròng, tổ chức trong nước bán 10/18 ngành chủ yếu là dầu khí, bất động sản. Theo mã, họ bán ròng khớp lệnh PLX (131 tỷ đồng), ACB (67 tỷ đồng), STB (62 tỷ đồng), NVL, FIT, MIG, GEX, PVT, FLC, LPB.

Khối ngoại xả trăm tỷ đồng các mã HPG, VIC và VPB

Trong phiên VN-Index chỉnh sâu, hoạt động bán ròng gần 640 tỷ đồng cua khối ngoại là yếu tố tăng thêm áp lực giảm điểm cho chỉ số. Riêng hai sàn HOSE và HNX ghi nhận giá trị bán ròng 688 tỷ đồng từ khối ngoại.

Đà bán ròng của nước ngoài tập trung vào ngành tài nguyên cơ bản, ngân hàng. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã HPG (527 tỷ đồng), VIC (225 tỷ đồng), VPB (123 tỷ đồng), DCM, MBB, STB, BVH, GEX, SSI, DXG.

Riêng cổ phiếu HPG tiếp tục được bán ròng mạnh, ghi nhận phiên bán ròng HPG liên tiếp thứ 12 của nước ngoài, đưa tổng mức bán ròng mã này trong chuỗi 12 ngày lên 5.159 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cổ phiếu VIC cũng là cổ phiếu được bán ròng liên tiếp trong 7 ngày gần đây, tổng mức bán ròng là 875 tỷ đồng.

Phía mua ròng khớp lệnh, NĐT nước ngoài mua ròng mạnh nhất ngành dầu khí và bất động sản. Top mua ròng theo thứ tự các mã VRE (157 tỷ đồng), NVL (95 tỷ đồng), OCB, PLX, VHM, DGC, VIX, GMD, FUEVFVND, GAS.

Thu Thảo