|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 7/6: Cá nhân trong nước vẫn mua ròng hơn 720 tỷ đồng nhưng đã chùn tay với cổ phiếu ngân hàng

22:41 | 07/06/2021
Chia sẻ
Trong phiên thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh sâu nhất kể từ đầu tháng 5, NĐT cá nhân trong nước mua ròng phiên thứ 7 liên tiếp với 723 tỷ đồng. Hoạt động mua ròng tập trung vào nhóm tài nguyên cơ bản, dầu khí.

NĐT cá nhân trong nước mua ròng 723 tỷ đồng phiên điều chỉnh

Thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh mạnh phiên hôm nay (7/6). Kết phiên, VN-Index giảm 15,27 điểm (1,11%) về 1.358,78 điểm, HNX-Index giảm 3,38% còn 318,63 điểm, UPCoM-Index giảm 1,69% xuống 89,06 điểm. 

Ghi nhận có thời điểm trong phiên, VN-Index giảm hơn 26 điểm. Lực xả tại nhóm ngân hàng, chứng khoán là tác nhân chính khiến thị trường giảm sâu. Phiêm giảm điểm chặn đứng chuỗi tăng 6 phiên liêp tiếp của chứng khoán Việt Nam. Theo quan sát, đây cũng là phiên điều chỉnh đáng kể nhất của thị trường kể từ ngày 27/4.

Phiên 7/6: Cá nhân trong nước vẫn mua ròng hơn 720 tỷ đồng nhưng đã chùn tay với cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 1.

Giao dịch theo từng nhóm nhà đầu tư. Nguồn: FiinPro.

Mặc dù thị trường điều chỉnh sâu, nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực khi khối nội tiếp tục mua ròng hôm nay bất chấp động thái tiếp tục rút ròng từ khối ngoại.

Cụ thể, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán mua ròng gần 241 tỷ đồng trên sàn HOSE qua kênh khớp lệnh và thỏa thuận. Cùng chiều, cá nhân trong nước mua ròng 723 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng thứ 7 liên tiếp, nhưng thấp nhất trong 4 phiên trở lại đây. Trong ba phiên trước đó, cá nhân trong nước mua ròng hàng nghìn tỷ đồng trong mỗi phiên.

'Chùn tay' với cổ phiếu ngân hàng, ngừng xả nhóm chứng khoán

Phiên 7/6: Cá nhân trong nước vẫn mua ròng hơn 720 tỷ đồng nhưng đã chùn tay với cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của NĐT cá nhân trong nước theo từng nhóm ngành. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Diễn biến theo từng nhóm ngành, dòng tiền từ NĐT cá nhân trong nước tiếp tục tìm đến nhóm cổ phiếu tài nguyên cơ bản với giá trị mua ròng gần 482 tỷ đồng, cao hơn so với mức 383,4 tỷ đồng phiên cuối tuần trước. Theo sau đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng được mua ròng 121,9 tỷ đồng, vượt trội so với mức 65,4 tỷ đồng phiên (4/6). Đây là hai nhóm duy nhất ghi nhận giá trị vào ròng trên 100 tỷ đồng từ các cá nhân trong nước.

Trong phiên điều chỉnh sâu, tín hiệu dòng tiền cho thấy cá nhân trong nước đã "chùn tay" với cổ phiếu ngân hàng khi giảm giá trị mua ròng xuống còn 20,5 tỷ đồng. Cuối tuần trước, nhóm này mua vào mạnh nhất cổ phiếu ngân hàng với giá trị hơn 600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dấu hiệu lại cho thấy các NĐT cá nhân trong nước giảm bán ròng cổ phiếu chứng khoán phiên điều chỉnh sâu. Giá trị rút ròng nhóm dịch vụ tài chính (chứng khoán) giảm từ 116,5 tỷ đồng xuống còn 13,4 tỷ đồng. 

Với nhóm bất động sản, cá nhân trong nước đảo chiều mua ròng 27,4 tỷ đồng hôm nay. Chiều ngược lại, cổ phiếu thực phẩm & đồ uống bị bán ròng mạnh nhất 92,7 tỷ đồng, trong khi mua ròng gần 107 tỷ đồng cuối tuần trước.

Tâm điểm mua ròng HPG và VIC

Phiên 7/6: Cá nhân trong nước vẫn mua ròng hơn 720 tỷ đồng nhưng đã chùn tay với cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 3.

Top10 cổ phiếu được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất phiên 7/6. Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp.

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, mã HPG của Hòa Phát dẫn đầu về giá trị mua ròng từ NĐT cá nhân trong nước hôm nay với 466,5 tỷ đồng. Theo sau đó, hai mã VIC và PLX được mua ròng 200,1 tỷ đồng và 118,7 tỷ đồng. Đây là ba cổ phiếu duy nhất ghi nhận giá trị vào ròng trên 100 tỷ đồng hôm nay.

Đối lập với việc mua vào VIC, cá nhân trong nước "xả" VRE và VHM với giá trị lần lượt 177,2 tỷ đồng và 41 tỷ đồng. VRE là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất hôm nay.

Tại nhóm ngân hàng, hoạt động mua ròng diễn ra tại một số mã như STB (86,5 tỷ đồng), VPB (76,7 tỷ đồng), ACB (56,5 tỷ đồng) và MBB (42,3 tỷ đồng). Trong khi đó, OCB bị bán ròng mạnh nhất với 123,4 tỷ đồng, theo sau là VCB (48,2 tỷ đồng), TCB (40,2 tỷ đồng).

Theo quan sát, nhóm cổ phiếu được NĐT cá nhân trong nước mua bán nhiều nhất phiên hôm nay còn có GEX (+ 67,9 tỷ đồng), DCM (+63,5 tỷ đồng), BVH (+42,5 tỷ đồng), NVL (-56,1 tỷ đồng), GVR (-52,6 tỷ đồng), HCM (-41 tỷ đồng), DGC (-40,6 tỷ đồng) và VNM (-39,5 tỷ đồng). 

Lợi Hoàng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.