Dòng tiền thông minh 28/6: NĐT cá nhân xả 770 tỷ đồng phiên cuối tuần, áp lực dồn về nhóm bất động sản
Nhóm cổ phiếu chứng khoán trỗi dậy dẫn dắt thị trường lập đỉnh mới
Thị trường chứng khoán trong nước thiết lập đỉnh mới trong phiên cuối tuần trước dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu chứng khoán. Kết phiên, VN-Index tăng 0,75% đóng cửa ở mức 1.390,12 điểm, đây là mức cao kỷ lục mới của chỉ số. Độ rộng thị trường cải thiện so với phiên trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng- giảm là 223-147.
Giá trị giao dịch trên HSX đạt 18.847 tỷ đồng trong khi giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 23.249 tỷ đồng, tăng 7,1% so với phiên liền trước.
Trong đó, dòng chứng khoán bật tăng với thanh khoản cao dẫn dắt VN-Index vượt đỉnh, tỉ trọng phân bổ dòng tiền tiếp vẫn tiếp tục giảm ở nhóm Ngân hàng.
Cụ thể hơn, tỷ trọng phân bổ dòng tiền vào nhóm chứng khoán tăng mạnh 7,54% so với trung bình một tháng trước, chỉ số giá ngành tăng 4,33%, tăng mạnh nhất thị trường.
Sự hưng phấn của dòng chứng khoán phiên trước đó có thể liên quan đến tâm lý nhà đầu tư đánh giá tích cực việc hệ thống mới được đưa vào thử nghiệm tuần này và kỳ vọng thông sàn.
Theo FiinTrade, sự hấp dẫn của nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn được duy trì hoặc cải thiện hơn nữa nếu các công ty chứng khoán thực hiện thành công các đợt phát hành huy động vốn cổ phần và qua đó tăng quy mô vốn cho vay margin cũng như tiếp tục hưởng lợi từ quy mô thanh khoản của thị trường hiện nay.
Đáng chú ý, các CTCK lớn lập kế hoạch năm 2021 trên giả định thanh khoản bình quân ngày ở mức thấp hơn 33% so với mức bình quân 22.450 tỷ đồng/ phiên từ đầu năm đến nay. Ví dụ HSC lập kế hoạch 2021 dựa trên giả định thanh khoản bình quân 15 ngàn tỷ/ phiên.
NĐT cá nhân xả 770 tỷ đồng, nhóm bất động sản chịu áp lực bán mạnh nhất
Trong các bên tham gia thị trường, NĐT cá nhân bán ròng 772 tỷ đồng, trong đó bán ròng khớp lệnh là 252 tỷ đồng.
Nhóm này mua ròng 8/18 ngành, tập trung ngân hàng. Top 1 mua ròng của NĐT cá nhân là cổ phiếu như HPG (159 tỷ đồng). Theo sau là các mã ghi nhận giá trị mua ròng dưới trăm tỷ như MBB (59 tỷ đồng), VPB (55,5 tỷ đồng), GEX (50,4 tỷ đồng), HDC (22 tỷ đồng), NVL (21,7 tỷ đồng), ngoài ra còn có DHC, HSG, VHC, VIB.
Ngược lại, họ bán ròng 10/18, chủ yếu là ngành bất động sản. Chiều bán ròng có một số mã nổi bật như VHM (86 tỷ đồng), VIC (80 tỷ đồng), GAS (59 tỷ đồng), VCB (59 tỷ đồng), VNM (45 tỷ đồng), SSI (38 tỷ đồng), mặt khác còn PDR, HDB, KDH, DXG.
Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.
Khối tự doanh mua ròng nhẹ phiên cuối tuần, chủ yếu gom VCB
Bộ phận tự doanh CTCK mua ròng nhẹ 50 tỷ, trong đó nhóm này mua ròng 53 tỷ qua khớp lệnh.
Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày 25/6 gồm VCB (32 tỷ đồng), VHM (9 tỷ đồng), SSI (8 tỷ đồng), STB, HPG, BWE, TCB, NKG, PNJ, VPB. Trong khi đó, khối tự doanh bán ròng NVL (7 tỷ đồng), FUEVFVND (6,6 tỷ đồng), MWG, KDH, DGC, DPM, E1VFVN30, NBB, VCI, DIG.
Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.
Tổ chức trong nước rót hơn 640 tỷ đồng vào thị trường
Cùng chiều tự doanh, NĐT tổ chức trong nước gom 641 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ mua ròng 117 tỷ đồng. Xét giao dịch khớp lệnh, việc mua bán ròng của nhà đầu tư tổ chức trong nước khá nhỏ, chủ yếu là ngành ngân hàng và bất động sản.
Top mua ròng có FLC (28 tỷ đồng), SSB (22 tỷ đồng), E1VFVN30 (18 tỷ đồng), NLG (14 tỷ đồng), HPG (12 tỷ đồng), DBD, FPT, VNM, FCN, PLX. Top bán ròng có GEX (14 tỷ đồng), SCR (12 tỷ đồng), NVL, VHM, VIX, AGG, LPB, HBC, TCB, DLG.
Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng 90 tỷ, tập trung ngành bất động sản
NĐT nước ngoài tiếp tục mua ròng 90 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 82 tỷ đồng.
Mua ròng khớp lệnh của NĐT nước ngoài tiếp tục tập trung vào ngành Bất động sản. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã VHM, VIC, GAS, VNM, KDH, PDR, SSI, HDB, VCB, CTG.
Phía bán ròng khớp lệnh, họ bán chính nhóm tài nguyên cơ bản. Top bán ròng theo thứ tự các mã HPG, MBB, VPB, GEX, HDC, DHC, VHC, HSG, VIB, CII.
Như vậy HPG tiếp tục nằm trong top đầu bán ròng của khối ngoại sau khi được nhóm Dragon Capital mua ròng đúng một ngày. Từ đầu năm, NĐT nước ngoài bán ròng tổng cộng 12.819 tỷ đồng HPG, chiếm hơn 1/3 tổng lượng bán ròng của nước ngoài trên HOSE (31.277 tỷ).
Ngược lại, cổ phiếu VNM đã được khối ngoại quay lại mua ròng trong ngày 25/6 dù tính từ đầu năm, nước ngoài đã bán ròng 6.326 tỷ đồng mã VNM, chiếm gần 1/5 tổng lượng bán ròng trên HOSE.