|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 28/4: NĐT cá nhân và tổ chức trong nước đảo chiều bán ròng, gia tăng áp lực lên thị trường

08:01 | 28/04/2021
Chia sẻ
Trong phiên khởi sắc, NĐT cá nhân và các tổ chức trong nước chuyển vị thế, cùng khối tự doanh đồng loạt rút vốn khỏi thị trường; ngược lại chỉ có khối ngoại tiếp tục mua ròng. Giao dịch thỏa thuận tiếp tục sôi động trong phiên với giá trị 2.400 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận sôi động phiên khởi sắc, tổng giá trị gần 2.400 tỷ đồng

VN-Index tăng nhẹ 0,33% trong phiên hôm qua, đóng cửa ở mức 1.219,75 điểm, mức gần cao nhất phiên. Giá trị giao dịch đạt 16.538 tỷ đồng, giảm mạnh 26% so với phiên liền trước. Độ rộng thị trường cải thiện so với phiên liền trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng-giảm là 190-221.

Thống kê trong phiên, giao dịch thỏa thuận tiếp tục sôi động với tổng giá trị giao dịch thỏa thuận đạt tỷ 2.394 tỷ đồng, tương đương mức thỏa thuận phiên trước.

Top giao dịch đáng chú ý gồm NĐT nước ngoài trao tay nội khối HPG (92 tỷ đồng), VNM (236 tỷ đồng), HDB (69 tỷ đồng), FUEVFVND (55 tỷ đồng), E1VFVN30 (34 tỷ đồng) và FPT (45) tỷ.

Bên cạnh đó, NĐT cá nhân mua/bán nội khối trên trăm tỷ các mã MSB (297 tỷ đồng), LPB (277 tỷ đồng), VIB (200 tỷ đồng). Một số cổ phiếu khác cũng được nhóm này thỏa thuận nội khối như NVL (40 tỷ đồng), HPG (30 tỷ đồng), SAM (68 tỷ đồng), AGG (54 tỷ đồng), VCG (50 tỷ đồng), NVT (39 tỷ đồng), HPX (38 tỷ đồng) và TCB (30 tỷ đồng).

Khối tự doanh mua VIC (127 tỷ đồng) và bán NVL (127 tỷ đồng) cho các tổ chức trong nước. NĐT tổ chức thỏa thuận nội khối GAB (66 tỷ đồng).

Trong các bên tham gia thị trường, NĐT cá nhân đảo chiều bán ròng nhẹ 24 tỷ đồng, trong đó bán ròng khớp lệnh là 11 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ bán ròng 9/18 ngành, mạnh nhất thực phẩm đồ uống (MSN), bán lẻ (MWG). Phía mua ròng, nhóm này mua 9/18 ngành gồm ngân hàng (VPB, MBB, CTG, BID MSB), dầu khí (PLX).

Tự doanh tiếp tục bán ròng, xả mạnh NVL trong khi gom trăm tỷ đồng mã VIC

Về phía khối tự doanh, hoạt động bán ròng tiếp diễn trong phiên với giá trị 102 tỷ đồng, trong đó bán ròng 105 tỷ đồng qua khớp lệnh. Khối lượng bán ròng của nhóm này đạt 875.300 đơn vị.

Nhóm tự doanh bán ròng chủ yếu các mã trụ lớn của thị trường trong khi tập trung mua ròng cổ phiếu vốn hóa trung bình. Hai ngành được khối này giao dịch mạnh nhất là ngân hàng và bất động sản.

Dòng tiền thông minh 28/4: NĐT cá nhân và tổ chức trong nước chuyển bán ròng, cùng tự doanh tăng áp lực rút vốn lên thị trường - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ Fiinpro.

Top10 mã bị bán ròng, khối tự doanh xả chủ yếu cổ phiếu NVL (108 tỷ đồng), theo sau là HPG (94 tỷ đồng). Hai mã bất động sản khác là VRE và VHM lần lượt ghi nhận giá trị bán ròng 28 tỷ đồng và 21 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khối này bán ròng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 (13 tỷ đồng), VPB (11 tỷ đồng), TCB (11 tỷ đồng), FPT, POW, MWG.

Top10 cổ phiếu thu hút dòng vốn tự doanh, mã VIC dẫn đầu với giá trị 124 tỷ đồng. Ngoài ra, khối tự doanh rót vốn cho LPB (41 tỷ đồng), STB (26 tỷ đồng). Một số cổ phiếu cùng chiều mua ròng như GMD, KDH, PLX, POM, MBB… tuy nhiên giá trị mua ròng dưới 10 tỷ đồng.

Tổ chức trong nước chuyển bán ròng 277 tỷ đồng, tập trung nhóm ngân hàng và bất động sản

Về phía các NĐT tổ chức trong nước, nhóm này chuyển vị thế bán ròng 277 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ mua ròng 164 tỷ đồng.

Chi tiết hơn về các mã được giao dịch, các tổ chức trong nước bán ròng 12/18 nhóm ngành, tập trung vào ngân hàng (VPB, MBB, HDB, STB, ACB, VCB, TPB), bất động sản (VIC, KDH, DIG, NVL).

Diễn biến trái chiều, 5/18 ngành gồm bán lẻ (MWG), xây dựng và vật liệu (CII, ROS) thu hút dòng vốn từ các tổ chức trên.

Trong khi đó, NĐT nước ngoài tiếp tục mua ròng 420 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 279 tỷ đồng.

Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã HPG, MSN, STB, VHM, VIC, HDB, VCB, SSI, DXG, GMD. Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất các mã VPB, CTG, MBB, PLX, BID, PDR, MSB, NVL, VRE, DBC. Như vậy có tới 5/10 top các mã bán ròng của nước ngoài là cổ phiếu ngành ngân hàng.

Thu Thảo