|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 26/4: NĐT cá nhân chuyển bán ròng 380 tỷ trong khi tự doanh mua trở lại phiên hồi phục cuối tuần

08:27 | 26/04/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index phục hồi, khối tự doanh cùng NĐT ngoại rót vốn trở lại thị trường. Trong khi đó, NĐT cá nhân và tổ chức trong nước đồng thời bán ròng. Giá trị giao dịch thỏa thuận trong phiên tăng mạnh vượt 2.100 tỷ đồng nhờ giao dịch MWG.

NĐT cá nhân chuyển bán ròng 380 tỷ đồng, giao dịch thỏa thuận tăng mạnh phiên cuối tuần

Phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index tăng 1,69% đóng cửa ở mức 1.248,53 điểm, mức cao nhất trong ngày do lực cầu ATC tăng. Giá trị giao dịch đạt 23.046 tỷ đồng, giảm 8% so với phiên liền trước.

Bên cạnh đó, độ rộng thị trường tăng mạnh so với phiên liền trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng/giảm là 305/115. Nhà đầu tư nước ngoài và tự doanh là bên mua ròng.

Trong các bên tham gia thị trường, nhà đầu tư (NĐT) cá nhân chuyển vị thế bán ròng 377 tỷ đồng, trong đó bán ròng khớp lệnh là 363 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ bán ròng 11/18 ngành, mạnh nhất bất động sản (VIC, KDH, KBC, VHM DXG, NLG), thực phẩm và đồ uống (VNM, MSN). Ngược lại, nhóm này mua ròng 7/18 ngành gồm ngân hàng (VPB, ACB, BID), tài nguyên cơ bản.

Thống kê giao dịch thỏa thuận trong phiên cuối tuần đạt tỷ 2.129 tỷ đồng toàn thị trường, tăng 46% so với phiên liền trước.

Trong đó, giao dịch đáng chú ý có NĐT ngoại trao tay nội khối MWG (1.236 tỷ đồng), E1VFVN30 (40 tỷ đồng), VNM (45 tỷ đồng), PNJ (31 tỷ đồng).

Ngoài ra, NĐT cá nhân mua/bán nội khối AGG (48 tỷ đồng), EIB (34 tỷ đồng), NAF (38 tỷ đồng), TCB (30 tỷ đồng). NĐT tổ chức mua/bán nội khối DBD (57 tỷ đồng) và bán HPG (24 tỷ đồng) cho tự doanh.

Khối tự doanh đảo chiều mua ròng, tập trung gom VPB và FPT

Ngược chiều với nhóm NĐT cá nhân, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán chuyển mua ròng 85 tỷ đồng, trong đó mua ròng 50 tỷ đồng qua khớp lệnh.

Dòng tiền thông minh 26/4: NĐT cá nhân chuyển bán ròng 380 tỷ trong khi tự doanh mua ròng trở lại, tâm điểm giao dịch nhóm ngân hàng - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ Fiinpro.

Top10 mã thu hút dòng vốn tự doanh, cổ phiếu VPB ghi nhận giá trị cao nhất gần 47 tỷ đồng, theo sau là FPT (33 tỷ đồng) và VIC (30 tỷ đồng). Mặt khác, khối tự doanh mua ròng PNJ và MBB lần lượt 29 tỷ đồng và 27 tỷ đồng.

Cùng chiều mua ròng, mã KDH ghi nhận giá trị 19 tỷ đồng, GMD (14,5 tỷ đồng), REE (13 tỷ đồng), TPB (11 tỷ đồng) và chứng chỉ quỹ FUESSVFL (10 tỷ đồng).

Top10 mã khối tự doanh bán ròng mạnh nhất, nổi bật có HPG của Hòa Phát với giá trị 47 tỷ đồng. Khối tự doanh cũng xả mạnh CTG (27 tỷ đồng), ACB (16 tỷ đồng), VNM (14 tỷ đồng), STB (11 tỷ đồng) và PLX (10,4 tỷ đồng).

Một số mã cùng chiều bán ròng trong phiên như E1VFVN30 MWG, VCB, VHM tuy nhiên giá trị ghi nhận dưới 10 tỷ đồng.

Các tổ chức trong nước tiếp tục bán ròng, trong khi khối ngoại mua ròng trở lại

NĐT nước ngoài chuyển vị thế mua ròng 340 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 371 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng ngay từ đầu phiên khi VN-Index giảm do đà giảm từ phiên trước vẫn ảnh hưởng tâm lý và hành vi của thị trường. Nhóm này tăng bán phiên chiều nhưng không mạnh, chỉ thu nhỏ quy mô mua ròng.

Top mua ròng của khối ngoại thông qua khớp lệnh gồm các mã VIC, VNM, VCB, STB, MSN, MBB, KBC. Phía bán ròng, NĐT nước ngoài bán ròng các mã VPB, VRE, VJC, PLX, NVL, HPG, DGW. Riêng mã VNM đã được nước ngoài mua ròng ngày thứ 2 liên tiếp sau chuỗi những phiên bán ròng mạnh trước đó.

Diễn biến trái chiều, NĐT tổ chức trong nước tiếp tục bán ròng 46 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 58 tỷ đồng.

Cụ thể hơn, họ bán ròng 8/18 nhóm ngành tập trung vào ngân hàng (VPB, MBB, VCB, TPB, HDB, EIB, TCB, ACB). Phía mua ròng của nhóm NĐT tổ chức có 9/18 ngành gồm bất động sản (VIC, VHM, NLG, DXG) và dịch vụ tài chính (SSI).

Thu Thảo