|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 22/6: Tự doanh và tổ chức trong nước mua bán trái chiều, ngân hàng và bất động sản vẫn là tâm điểm

08:06 | 22/06/2021
Chia sẻ
Cùng với đà bán ròng nghìn tỷ của khối ngoại, tự doanh CTCK đảo chiều xả 233 tỷ đồng ngày hôm qua. Ngược lại, NĐT cá nhân rót 1.150 tỷ vào thị trường, bên cạnh đó các tổ chức trong nước cũng có động thái mua ròng phiên điều chỉnh.

Kết thúc phiên 21/6, VN-Index giảm 0,37% đóng cửa ở mức 1.372,63 điểm. Độ rộng thị trường thu hẹp so với phiên trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng- giảm là 173-232. Giá trị giao dịch trên HOSE đạt 22.385 tỷ đồng trong khi giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 27.254 tỷ đồng, giảm 5,7% so với phiên liền trước.

Dòng tiền tiếp tục vào nhóm thực phẩm đồ uống và bất động sản, giảm ở nhóm ngân hàng

Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tiếp tục có sự dịch chuyển từ ngân hàng sang thực phẩm và đồ uống, bất động sản.

Trong đó, cổ phiếu đáng chú ý nhất nhóm là HNG. Sau khi được ETF mua ròng tuần trước, HNG có phiên đột phá ngày hôm qua với gần 44,7 triệu cổ phiếu trao tay, giá trị giao dịch tăng 309% so với phiên liền trước. Cổ phiếu HNG đóng cửa tăng kịch trần.

Cổ phiếu "anh em" với HNG là HAG cũng tăng 2,5% với 12,3 triệu cổ phiếu trao tay, tăng 218% về giá trị giao dịch. Theo FiinTrade, giới đầu tư kỳ vọng kết quả kinh doanh của HAG sẽ tốt đẹp hơn và HAG sẽ ghi lợi nhuận từ việc bán HNG gần đây trong quý II/2021.

Một cổ phiếu đáng chú ý khác là DBC, có giá trị giao dịch tăng 128%, giá tăng 2,3%.

Dòng tiền vào nhóm bất động sản tăng 2,1% so với 1 tháng trước, chỉ số giá của nhóm này cũng tăng 0,22%. Diễn biến trái chiều, tỷ trọng giao dịch vào nhóm ngân hàng vẫn tiếp tục giảm đáng kể, giảm 11,3% so với 1 tháng trước.

Tự doanh đảo chiều bán ròng 233 tỷ đồng

Khối tự doanh công ty chứng khoán đảo chiều bán ròng 233 tỷ đồng, tuy nhiên xét giao dịch khớp lệnh thì khối này đã mua ròng nhẹ 17 tỷ đồng.

Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày hôm qua gồm VCB (42 tỷ đồng), E1VFVN30 (16 tỷ đồng), MWG (14 tỷ đồng), PVD (12 tỷ đồng), ngoài ra còn BWE, PNJ, ACB, DGC, GMD, PET.

Ngược lại, họ bán ròng TPB (23 tỷ đồng), FUEVFVND (16 tỷ đồng), HPG (15 tỷ đồng), PVT (11,5 tỷ đồng), OCB (10,5 tỷ đồng), theo sau còn có VNM, VRE, VIC, HDG, NVL, VHM.

Dòng tiền thông minh 22/6: Tự doanh và các tổ chức trong nước mua bán trái chiều, nhóm ngân hàng và bất động sản vẫn là tâm điểm giao dịch - Ảnh 1.

Top10 mã được mua/bán ròng qua khớp lệnh. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Trái chiều, các tổ chức trong nước mua ròng trăm tỷ

Trong khi đó, NĐT tổ chức trong nước mua ròng 179 tỷ đồng, nhưng nếu tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 212 tỷ đồng. Các tổ chức này mua ròng chủ yếu ngành du lịch và giải trí, ngược lại bán ròng chủ yếu ngành bất động sản và ngân hàng.

Cụ thể, một số mã nổi bật tại phía mua ròng như VJC (32 tỷ đồng), TCB (11,6 tỷ đồng) và GMD (11 tỷ đồng), kế đến là các mã dưới 10 tỷ đồng như VPB, KBC, TDH…

Trái lại, khối tổ chức chủ yếu bán ròng FLC (81 tỷ đồng), VHM (41 tỷ đồng) và CTG (40 tỷ đồng) trong phiên vừa qua. Cùng chiều, SSB ghi nhận giá trị bán ròng 20 tỷ đồng, VNM (19 tỷ đồng), DPR (15 tỷ đồng), ACB (13 tỷ đồng)…

Dòng tiền thông minh 22/6: Tự doanh và các tổ chức trong nước mua bán trái chiều, nhóm ngân hàng và bất động sản vẫn là tâm điểm giao dịch - Ảnh 2.

Top10 mã được mua/bán ròng qua khớp lệnh. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

NĐT cá nhân mua ròng 1.150 tỷ đồng, rót trăm tỷ cho NVL, HPG, VNM và CTG

Về phía NĐT cá nhân, hoạt động mua ròng áp đảo với giá trị lên đến 1.151 tỷ đồng. Tuy nhiên tại giao dịch khớp lệnh, khối cá nhân bán ròng 1.363 tỷ đồng.

Thống kê cụ thể, NĐT cá nhân mua ròng 14/18 ngành qua khớp lệnh, tập trung bất động sản, tài nguyên cơ bản. Top mua ròng của NĐT cá nhân chủ yếu là NVL (365 tỷ đồng), HPG (362 tỷ đồng), VNM (121 tỷ đồng), CTG (110 tỷ đồng), chủ yếu là đối ứng bán ra của NĐT nước ngoài.

Họ bán ròng 4/18 ngành, nổi bật ở chiều bán ròng có cổ phiếu VHM (79 tỷ đồng), đối ứng mua của khối ngoại; bán ròng VCB (69 tỷ đồng), đối ứng mua của tự doanh.

NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng, chủ yếu qua giao dịch khớp lệnh

NĐT nước ngoài ghi nhận giá trị bán ròng tăng mạnh trong phiên 21/6 lên 1.112 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 1.168 tỷ đồng.

Áp lực bán ròng khớp lệnh của NĐT nước ngoài tập trung vào ngành bất động sản, tài nguyên cơ bản. Top bán ròng khớp lệnh của khối ngoại gồm các mã NVL, HPG, VNM, GEX, SSI, CTG, VPB, SBT, VJC, DXG.

Phía mua ròng khớp lệnh, các mã ghi nhận giá trị đáng kể có VHM, MSN, STB, HSG, KDH, VCB, FUEVFVND, HNG, DGC, IJC.

Các cổ phiếu được giao dịch mua/bán ròng mạnh nhất là những cổ phiếu trong danh mục của ETFs và đa phần là cổ phiếu vốn hóa.

Thu Thảo