Dòng tiền thông minh (22/4): Khối ngoại đảo chiều bán ròng, tự doanh tiếp tục 'gom' trong phiên cuối tuần
Dòng tiền trong tuần tập trung vào ngành công nghệ thông tin và du lịch giải trí, 90% công ty công bố KQKD quý I báo lãi
Thị trường chứng khoán tuần qua (16 - 19/4) nhanh chóng mất vùng tích luỹ đỉnh ngay những phiên đầu tuần dù đã có phiên hồi phục nhẹ sau đó. Nguyên nhân chủ yếu do áp lực bán lên nhóm cổ phiếu Bluechips, trong đó một nửa đến từ VHM, VIC và VNM.
Kết phiên 19/4, VN-Index tăng 3,91 điểm (0,41%) lên 966,21 điểm; HNX-Index tăng 0,12% lên 105,88 điểm; UPCoM-Index tăng 0,07% lên 56,05 điểm.
Theo chứng khoán BSC, tâm lý cẩn trọng vẫn đang chủ đạo thị trường khi chưa có các thông tin vĩ mô tích cực. Mùa công bố KQKD diễn ra trong các tuần tới sẽ là một yếu tố để hỗ trợ thị trường tại vùng điểm này.
Cổ phiếu ngành công nghệ thông tin tăng 1,88% và du lịch giải trí tăng 0,1% là trụ đỡ chính cho thị trường với những mã tăng điểm nổi bật như FPT (3,3%), VJC (1,8%)... Trong khi đó ba ngành giảm điểm mạnh nhất gồm bất động sản giảm 4,22%, ô tô - phụ tùng giảm 3,95% và dịch vụ tài chính giảm 0,91%.
Tính đến ngày 19/4, 107 công ty đã công bố KQKD quý I/2019, chiếm 14% số lượng công ty niêm yết trên HOSE và HNX. Trong đó, 90% công ty báo lãi, 57 công ty ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kì.
Trong tuần giao dịch 22 – 26/4, nhà đầu tư lưu ý các thông tin vĩ mô tháng 4 trong nước như XNK, CPI, FDI…Về phía thông tin quốc tế, Canada và Nhật công bố chính sách tiền tệ trong khi Mỹ công bố GDP quý lần một.
Khối tự doanh duy trì mua ròng 48,8 tỉ đồng phiên giao dịch cuối tuần
Thống kê giao dịch của bộ phận tự doanh công ty chứng khoán phiên 19/4, giá trị mua ròng 48,8 tỉ đồng với khối lượng mua 1,4 triệu đơn vị.
Thống kê giao dịch bộ phận tự doanh CTCK phiên 19/4. Nguồn: Thu Thủy tổng hợp từ FiinGroup
Dẫn đần chiều mua vào là cổ phiếu PLX với 28,95 tỉ đồng, kế đến là ROS với 24 tỉ đồng. Bên cạnh đó, một số mã có giá trị mua vào dưới 10 tỉ đồng như MBB (9,12 tỉ đồng), POW (5,11 tỉ đồng), MWG (3,86 tỉ đồng)…
Diễn biến trái chiều, khối tự doanh tập trung bán ra VIC (10,98 tỉ đồng), không ngoại lệ với MSN (7,36 tỉ đồng). Các mã chịu áp lực bán mạnh từ khối này có HSG (3,41 tỉ đồng), TCB (3,23 tỉ đồng), DPM (1,22 tỉ đồng)… Riêng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 ghi nhận giá trị bán 4,88 tỉ đồng.
Ngược chiều tự doanh, khối ngoại quay lại bán ròng 63 tỉ đồng
Thống kê giao dịch khối ngoại phiên 19/4, giá trị bán ròng toàn thị trường đạt 63 tỉ đồng với khối lượng 2,9 triệu đơn vị. Được biết, đây là phiên bán ròng duy nhất của khối này trong tuần qua.
Trên HOSE, khối ngoại bán ròng hơn 27 tỉ đồng với khối lượng 1,1 triệu đơn vị. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu bán ròng PLX (23,3 tỉ đồng), POW (16,2 tỉ đồng), SSI (12 tỉ đồng), BMP (6 tỉ đồng), DHG (5,5 tỉ đồng). Ngược lại, VHM dẫn đầu chiều mua ròng (9,3 tỉ đồng), theo sau là GAS (8,6 tỉ đồng), VRE (6,2 tỉ đồng), MSN (4,5 tỉ đồng), E1VFVN30 (2,8 tỉ đồng).
Diễn biến ngược chiều trên HNX, khối ngoại mua ròng 3,7 tỉ đồng với khối lượng 73.276 đơn vị. Cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất là VGC (2,2 tỉ đồng), kế đến là PVS (341 triệu đồng), TTT (250 triệu đồng). Tuy nhiên, các cổ phiếu bị tập trung bán ròng có WCS (311 triệu đồng), VDL (271 triệu đồng), PVC (110 triệu đồng).
Thị trường UPCoM ghi nhận giá trị bán ròng 39,8 tỉ đồng với khối lượng hơn 1,9 triệu đơn vị. Dòng tiền rút ròng nhiều nhất khỏi GEG (26,8 tỉ đồng) trong khi đổ mạnhnvề VTP (3 tỉ đồng).
Vợ Tổng Giám đốc Chứng khoán Bản Việt muốn trở thành cổ đông lớn
Thống kê đăng ký giao dịch trên HOSE và HNX phiên cuối tuần, lãnh đạo và người có liên quan đăng ký mua vào các cổ phiếu VCI, TTZ, S55, DTD nhưng đăng ký bán ra DNY.
Thống kê đăng kí giao dịch của cổ đông nội bộ và người có liên quan phiên 19/4. Nguồn: Thu Thủy tổng hợp
Về thông báo giao dịch đáng chú ý, bà Trương Nguyễn Thiên Kim, vợ ông Tô Hải – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Bản Việt (Mã: VCI) đăng ký mua 2 triệu cổ phần công ty.
Nếu giao dịch thành công, bà Kim dự kiến nâng tỉ lê sở hữu tại Chứng khoán Bản Việt từ 4,16% lên 5,391% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn thứ hai chỉ sau ông Tô Hải. Hiện, ông Hải nắm giữ 31,5 triệu cổ phiếu VCI, tương đương 19,34% vốn cổ phần. Thời gian mua vào dự kiến của bà Kim từ ngày 23/4 đến 22/5 theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận.