|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 20/8: Tự doanh, tổ chức nội cùng khối ngoại rút ròng gần 1.300 tỷ phiên đáo hạn phái sinh

07:05 | 20/08/2021
Chia sẻ
Trong phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 8, khối ngoại tiếp đà bán ròng phiên thứ 8 liên tiếp, với tổ chức trong nước là phiên rút ròng thứ 16 liên tục. Tương tự, khối tự doanh cũng đảo chiều bán ròng, duy nhất NĐT cá nhân là bên chủ động xuống tiền nâng đỡ thị trường.

VN-Index bất ngờ tăng mạnh vào phiên ATC, nhờ lực cầu lớn dồn vào các mã trụ cột. Đây là điều thường thấy khi tại những phiên đáo hạn phái sinh thường xuất hiện lực cung/cầu đột biến và có thể làm thay đổi xu hướng thị trường. Đóng cửa, VN-Index tăng 13,91 điểm lên 1.374,85 điểm, bên cạnh đó chỉ số VN30 cũng tiến 15,47 điểm đạt 1.505,01 điểm. 

Dòng tiền đầu tư chảy vào thị trường khi có 14/19 nhóm ngành tăng điểm với mũi nhọn đến từ nhóm cổ phiếu bất động sản và hoá chất. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền có sự đảo chiều, tăng vào nhóm ngân hàng, thép trong khi giảm ở nhóm chứng khoán, bất động sản.

Độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tích cực với thanh khoản tăng nhẹ so với phiên trước. Giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 25.347 tỷ đồng, giá trị giao dịch toàn thị trường lên tới 31.662,8 tỷ đồng, tăng 5,4% so với phiên hôm qua.

Trong phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 8, khối ngoại tiếp đà bán ròng phiên thứ 8 liên tiếp, với tổ chức trong nước là phiên rút ròng thứ 16 liên tục. Tương tự, khối tự doanh cũng đảo chiều bán ròng, duy nhất NĐT cá nhân là bên chủ động xuống tiền nâng đỡ thị trường.

Dòng tiền thông minh 20/8: Tự doanh, tổ chức nội cùng khối ngoại rút ròng gần 1.300 tỷ phiên đáo hạn phái sinh - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch của các bên tham gia thị trường. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ Fiinpro).

Tự doanh đổi vị thế bán ròng

Thống kê giao dịch của các bên tham gia, khối tự doanh công ty chứng khoán chuyển bán ròng 368 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 393 tỷ đồng. Đây là phiên rút ròng mạnh nhất từ tự doanh đầu tuần. Theo ghi nhận, tự doanh bán ròng tại hầu hết các nhóm ngành với áp lực rút vốn mạnh đặt tại nhóm ngân hàng và bán lẻ.

Thống kê giao dịch theo từng mã, cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động bị xả mạnh nhất với giá trị 67,3 tỷ đồng. Theo sau đó, hai mã FPT và ACB lần lượt bị rút ròng 52,8 tỷ đồng và 28,6 tỷ đồng.

Nhóm bị bán ròng mạnh nhất trong phiên còn có các bluechip như PNJ (25,2 tỷ đồng), SSI (19,9 tỷ đồng), HPG (18,4 tỷ đồng) và VIC (17,5 tỷ đồng). Cùng chiều, dòng vốn tự doanh cũng rút khỏi các cổ phiếu REE, GMD và NLG với giá trị thấp hơn.

Mặc dù thuộc một trong những nhóm bị xả ròng mạnh nhất, cổ phiếu VPB dẫn đầu chiều mua ròng với giá trị 10,6 tỷ đồng. Theo dõi giao dịch trong phiên, nhóm tự doanh cũng mua ròng nhẹ hai đại diện khác từ nhóm ngân hàng là MBB (7,5 tỷ đồng) và STB (2,6 tỷ đồng). Bên cạnh đó, lực mua khiêm tốn dưới 10 tỷ đồng cũng xuất hiện tại VNM, KDH, DCM, ITA...

Dòng tiền thông minh 20/8: Tự doanh, tổ chức nội cùng khối ngoại rút ròng gần 1.300 tỷ phiên đáo hạn phái sinh - Ảnh 2.

Top10 mã khối tự doanh mua/bán ròng phiên 19/8. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tổ chức nội nối dài chuỗi bán ròng với lực xả lớn nhất tiếp tục là nhóm BĐS

Giao dịch cùng chiều với khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước bán ròng 470,8 tỷ đồng. Trong đó nhóm này rút ròng 303,1 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức nội bán ròng 6/18 ngành với lực xả mạnh nhất tại nhóm bất động sản. Top cổ phiếu bị nhóm này bán ròng có VHM, DIG, LPB, ACB, SSB, STB, MSB, GMD, CII, DPM.

Trong khi đó, giá trị mua ròng lớn nhất là nhóm ngân hàng. Top10 mã được tổ chức trong nước mua ròng gồm VPB, TCB, FPT, VIC, HPG, VNM, VCB, SSI, MWG, MSN.

Cá nhân trong nước rót hơn 1.500 tỷ đồng vào thị trường phiên đáo hạn phái sinh

NĐT cá nhân tiếp tục là bên mua ròng đối ứng với tất cả các nhóm nhà đầu tư còn lại. Về giá trị cụ thể, họ mua ròng 1.507,7 tỷ đồng trong đó mua ròng khớp lệnh 545,7 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 9/18 ngành, tập trung gom cổ phiếu ngành bất động sản. Top mua ròng của các cá nhân trong nước gồm VHM, DIG, NVL, ACB, GMD, GAS, LPB, NLG, PVT, GEX.

Chiều ngược lại, họ bán ròng 9/18 ngành, chủ yếu là nhóm ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng. Top10 mã bán ròng có SSI, VPB, HPG, MBB, VCB, DGC, TCB, CTG, VJC.

Như vậy, top mua bán ròng của nhà đầu tư cá nhân chủ yếu là đối ứng với nhà đầu tư nước ngoài nhưng cũng có một số giao dịch đối ứng với tự doanh (ACB, GMD) và đối ứng với nhà đầu tư tổ chức trong nước (VHM, DIG, LPB, ACB).

Quy mô bán ròng của khối ngoại giảm mạnh, tập trung xả nhóm thực phẩm đồ uống.

Về phía NĐT nước ngoài, họ bán ròng 452,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 150,4 tỷ đồng.

Dẫn đầu phía bán ròng khớp lệnh của NĐT ngoại là nhóm thực phẩm và đồ uống, thay vì cổ phiếu bất động sản như những phiên giao dịch trước. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm NVL, VIC, GAS, VNM, GMD, MSN, GEX, SAB, VRE.

Tại nhóm cổ phiếu 'họ nhà Vin', bộ đôi VIC, VRE tiếp tục bị khối ngoại bán ròng. Trong đó, VIC bị bán ròng 23 phiên liên tiếp, đưa tổng giá trị bán ròng theo tháng lên 1.282 tỷ đồng, và trong năm lên 2.885 tỷ đồng, VRE bị bán ròng phiên thứ 8 liên tiếp, đưa tổng giá trị bán ròng trong tháng 8 lên 446 tỷ đồng và từ đầu năm là 370 tỷ đồng.

Riêng VHM được mua ròng mạnh chấm dứt chuỗi bán ròng 5 phiên liên tiếp gần đây, từ đầu năm nước ngoài mua ròng 4.949 tỷ đồng cổ phiếu của Vinhomes.

Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm dịch vụ tài chính, ngân hàng. Top mua ròng của nước ngoài đã xuất hiện các cổ phiếu bluechips và là các cổ phiếu trong các giỏ chỉ số quỹ ETFs, bao gồm VHM, SSI, STB, DGC, MBB, HPG, VCI, VCB, HSG, PTB.

Theo quan sát, SSI là cổ phiếu được giao dịch sôi động với sự tham gia tích cực của nhà đầu tư nước ngoài, đa phần thông qua qua thỏa thuận. Tính theo khớp lệnh, SSI được mua ròng nhưng tính cả thỏa thuận thì nước ngoài bán ròng 625 tỷ đồng, đây có khả năng bao gồm 15,3 triệu cổ phiếu cổ đông Daiwa Securities đăng ký bán ra.

HPG cũng là cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài chuyển vị thế sang mua ròng ngày hôm qua chấm dứt chuỗi bán ròng 4 phiên trước đó.

Thu Thảo

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.