|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 16/3: NĐT cá nhân đổ tiền vào nhóm vốn hóa nhỏ cao nhất lịch sử, khối tự doanh tập trung gom cổ phiếu ngân hàng

07:52 | 16/03/2021
Chia sẻ
Chuyển động dòng tiền phiên đầu tuần, NĐT cá nhân và tự doanh CTCK là bên mua ròng đối ứng với lực bán ra của khối tổ chức trong nước và NĐT nước ngoài. Đáng chú ý, NĐT nhỏ lẻ đổ tiền vào nhóm vốn hóa nhỏ cao nhất lịch sử trong thời gian giao dịch tái cơ cấu của ETFs.

Dòng vốn của NĐT cá nhân đổ vào nhóm vốn hóa nhỏ cao nhất lịch sử

Phiên 15/3, tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HOSE tiếp tục diễn ra khiến lực cầu không thể đẩy mạnh vào thị trường về cuối phiên. Kết phiên, VN-Index tăng 3 điểm (0,25%) lên 1.184,56 điểm, HNX-Index tăng 0,47% lên 275,19 điểm, UPCoM-Index tăng 0,61% lên 80,82 điểm.

Thanh khoản phiên hôm qua ở mức cao, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 634,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 18.245 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt 13.820 tỷ đồng.

Trong các bên tham gia thị trường, NĐT cá nhân tiếp tục là bên mua ròng với giá trị 410 tỷ đồng, trong đó 385 tỷ đồng là mua ròng qua khớp lệnh. Trong 17 ngày mua ròng liên tiếp, nhóm này đã mua ròng 12.587 tỷ đồng qua khớp lệnh trên HOSE.

Top mua ròng của nhà đầu tư cá nhân vẫn tiếp tục đối ứng với nhà đầu tư tổ chức cả trong và ngoài nước.

Hai cổ phiếu STB, PLX phiên ngày hôm nay nổi lên dẫn đầu chiều mua ròng của nhà đầu tư cá nhân với giá trị mua ròng tương ứng 174 tỷ đồng và 153 tỷ đồng, bên bán chính là tổ chức trong nước.

Top mua ròng khác gồm HPG, NVL, BID, VRE, VHM là để đối ứng với nhà đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân đang trú ẩn tại VNSML (nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ) do tuần này có giao dịch tái cơ cấu của của ETFs và đáo hạn phái sinh dẫn đến việc e ngại các cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ biến động khó lường. Giá trị giao dịch và chỉ số VNSML cùng đạt mức cao lịch sử.

Dòng tiền chỉ vào chủ yếu một số mã thay vì phân bổ toàn bộ cổ phiếu của VNSML. Top 30 cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất ngày hôm nay đã chiếm 72% giá trị giao dịch của toàn rổ.

Phiên vừa qua, nhóm này biến động giá khá mạnh trong ngày và 25/30 cổ phiếu trong nhóm có mức giá tăng trên 10% trong vòng 1 tháng gần đây.

Khối tự doanh mua ròng 113 tỷ đồng phiên đầu tuần

Trong phiên đầu tuần, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán mua vào tổng 321 tỷ đồng, áp đảo hoạt động bán ra với 209 tỷ đồng. Theo đó, khối tự doanh ghi nhận phiên mua ròng 113 tỷ đồng, ngược chiều với phiên giao dịch trước đó.

Dòng tiền thông minh 16/3: NĐT cá nhân đổ tiền vào nhóm vốn hóa nhỏ cao nhất lịch sử, khối tự doanh tập trung gom cổ phiếu ngân hàng - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Tại chiều mua ròng, khối tự doanh tập trung vào các cổ phiếu MWG (28 tỷ đồng) hay FPT (25,5 tỷ đồng). Nhóm ngân hàng cũng thu hút dòng vốn từ khối tự doanh với các mã như TCB (26,4 ỷ đồng), VPB (22,5 tỷ đồng), MBB (19,4 tỷ đồng), ngoài ra còn có CTG (10,5 tỷ đồng) và TPB (9 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, ghi nhận giá trị mua ròng trong phiên còn có cổ phiếu PNJ (17,8 tỷ đồng), KDH (13,4 tỷ đồng) và GMD (12,2 tỷ đồng).

Diễn biến trái chiều, khối tự doanh bán ròng chủ yếu chứng chỉ quỹ FUEVFVND (42,8 tỷ đồng). Tại giao dịch cổ phiếu, khối này bán ròng IJC (28,4 tỷ đồng), VND (17,5 tỷ đồng), HDG (11,9 tỷ đồng).

Cùng chiều, các mã đạt giá trị bán ròng đưới 10 tỷ đồng có HPG, DXG, DGC, STB, E1VFVN30, TDC.

NĐT tổ chức trong nước và khối ngoại tiếp tục bán ròng

Thống kê giao dịch NĐT tổ chức trong nước, hoạt động bán ròng tiếp diễn với giá trị 113 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 86 tỷ đồng.

Tổ chức trong nước bán ròng chính nhóm dầu khí (PLX), bất động sản (IJC, VIC, NLG, NVL). Trong khi đó họ mua ròng hai ngành bán lẻ (MWG) và ngân hàng (ACB, VPB, TCB, MBB, VCB, CTG, MSB, LPB).

Cùng chiều, NĐT nước ngoài ghi nhận phiên bán ròng liên tiếp phiên thứ 17. Ngày hôm qua, khối ngoại bán ròng 473 tỷ đồng, trong đó 451 tỷ đồng bán ròng qua khớp lệnh. Trong chuỗi bán ròng 17 phiên liên tiếp, nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 9.919 tỷ đồng qua khớp lệnh trên HOSE.

Nhà đầu tư nước ngoài đã ngớt bán hai mã VNM và POW, họ chuyển sang bán ròng mạnh nhất NVL và ACB. Nhóm này cũng tiếp tục bán ròng HPG nhưng cường độ giảm mạnh. Ngoài ra, khối ngoại còn xả nhiều cổ phiếu ngân hàng như MBB, CTG, BID, VCB, STB.

Phía mua ròng, họ mua vào nhiều nhất cổ phiếu VIC (71 tỷ đồng), ngoài ra còn có các mã như FCN, PDR, SCR và PNJ tuy nhiên giá trị mua hạn chế.

Thu Thảo

Dragon Capital: Thị trường tài chính biến động sau bầu cử tổng thống Mỹ, chứng khoán Việt Nam khó giảm điểm thêm
Dragon Capital nhận định việc ông Donald Trump đắc cử lần thứ hai đã khiến cho thị trường tài chính toàn cầu biến động, giống như lần thứ nhất, thể hiện qua việc DXY tăng lên. Một số thị trường mới nổi gặp áp lực gia tăng khi dòng vốn rút về Mỹ. Điều này diễn ra trên nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.