Dòng tiền thông minh 13/3: NĐT cá nhân mua ròng gần 1.500 tỷ đồng, tập trung gom HPG bất chấp lực xả từ tổ chức nội
Tiếp nối diễn biến suy yếu của phiên trước, thị trường cuối tuần có khởi đầu không mấy thuận lợi. Áp lực bán ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã kéo thị trường giảm điểm khá sâu, có lúc giảm dưới mức giá thấp nhất của phiên thứ Tư.
Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy bất ngờ đổ vào cuối phiên và đã giúp kìm hãm đà giảm. Kết phiên, VN-Index còn giảm 12,54 điểm (0,85%) và chốt tại 1.466,54 điểm. Thanh khoản khớp lệnh có phần cải thiện so với phiên trước, với 855,6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên HOSE.
Đà giảm của thị trường đã đưa chỉ số VN30-Index quay về vùng đáy 5 tháng tại 1.467 - 1.477 điểm. Dòng tiền bắt đáy đã giúp nhóm này lấy lại gần 8 điểm sau phiên ATC. Những cổ phiếu có mức giảm mạnh nhất trong nhóm là PLX (-5,4%), MSN (-5%), GAS (-4,7%), PNJ (-3,5%), SSI (-3,4%)… Ngược lại, nhóm kìm hãm đà giảm tốt nhất ở nhóm VN30 là BID (+2,2%), STB (+1,6%), HDB (+1,3%), MBB (+1,3%), VNM (+1,2%)…
Áp lực chốt lời ở các nhóm cổ phiếu có nhịp tăng mạnh mẽ vừa qua ngày càng rõ hơn, cụ thể là nhóm than, dầu khí, thép có diễn biến kém sắc. Ở chiều ngược lại, nhóm phân bón vẫn duy trì được tâm lý tích cực. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có nhịp hồi phục và nâng đỡ thị trường trong phiên giao dịch cuối tuần
Tổ chức trong nước duy trì bán ròng gần 700 tỷ đồng
Trong phiên giao dịch cuối tuần, tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh công ty chứng khoán) duy trì bán ròng 695,1 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh thì họ rút ròng 629,2 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 9/18 ngành với giá trị lớn nhất là nhóm tài nguyên cơ bản. Top bán ròng có HPG, FLC, PVD, DXG, VIC, PTB, HDG, TCB, HCM, ACB.
Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu của các nhà băng. Top10 mã mua ròng của khối này gồm VPB, GAS, MBB, MWG, MSN, VNM, VGC, EIB, VND, NKG.
NĐT cá nhân mua ròng gần 1.500 tỷ đồng, tập trung mua ròng đối ứng HPG từ tổ chức nội
Trong phiên VN-Index mất mốc 1.470 điểm, NĐT cá nhân tiếp tục xuống tiền nâng đỡ thị trường với giá trị vào ròng là 1.239 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng khớp lệnh 1.147 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 10/18 ngành, trong đó họ tập trung gom cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành thép. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã HPG, MSN, VND, DXG, FLC, VIC, PVD, NVL, KDH, VJC.
Hoạt động giải ngân vào cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát bỏ xa các mã còn lại trong Top10 với gần 700 tỷ đồng. Theo quan sát, lực cầu của cá nhân trong nước chủ yếu đối ứng với áp lực xả từ tổ chức trong nước.
Phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 8/18 ngành còn lại với áp lực rút vốn chủ yếu đặt tại nhóm cổ phiếu của các nhà băng, doanh nghiệp hóa chất. Danh mục Top10 bán ròng bao gồm DGC, VCB, STB, VNM, VPB, VRE, MWG, MBB, TV2.
Nước ngoài có trọn vẹn tuần bán ròng, quy mô rút ròng gần 5.400 tỷ đồng
Về phía NĐT nước ngoài, đây là phiên thứ 5 liên tiếp khối này bán ròng với giá trị đạt hơn 544 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 518 tỷ đồng. Như vậy khối ngoại đã có tuần bán ròng trọn vẹn với tổng giá trị gần 5.400 tỷ đồng.
Chiều mua ròng tỏ ra yếu thế hơn hẳn với 7/18 nhóm ngành. Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm ngân hàng, hóa chất. Top mua ròng khớp lệnh của khối này gồm các mã DGC, VCB, STB, VNM, VRE, TV2, DPM, VCG, KBC, NKG.
Trong khi đó, áp lực rút vốn của NĐT ngoại chủ yếu ghi nhận tại nhóm cổ phiếu địa ốc. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: MSN, VND, DXG, HPG, NVL, KDH, VJC, VHM, GMD.