|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước bán ròng gần 1.200 tỷ đồng trong tuần đỏ lửa, tập trung xả HPG, DGC

16:36 | 13/03/2022
Chia sẻ
Trong tuần biến động của thị trường, giao dịch của tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh) tiếp tục nhuốm màu ảm đạm khi họ bán ròng 4/5 phiên với tổng giá trị rút ròng đạt 1.193 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 1.199 tỷ đồng.

Sau 3 tuần đi ngang trong bối cảnh thị trường thế giới chìm trong sắc đỏ, thị trường chứng khoán trong nước đã có tuần giảm điểm mạnh nhất từ sau kỳ nghỉ tết Âm lịch. VN-Index đã để mất 38,79 điểm, tương ứng giảm 2,58% so với tuần trước và dừng chân tại mốc 1.466,54 điểm.

Ngoài thông tin chiến sự giữa Nga và Ukraine, thông tin đáng chú ý khác trong tuần qua là việc giá xăng dầu lần đầu tiên trong nhiều năm đã tăng trên 10%, tiến sát ngưỡng 30.000 đồng/lít. Tâm lý lo ngại lạm phát có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến thị trường liên tục biến động mạnh trong tuần.

Về thanh khoản, giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 29.030 tỷ đồng, là mức cao nhất trong vòng 7 tuần, tăng 3,9% so với tuần trước đó và 21,43% so với trung bình 5 tuần gần đây.

Các nhóm cổ phiếu chính trên thị trường như thực phẩm đồ uống, bất động sản, vật liệu, dầu khí, ngân hàng giữ 5 vị trí ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index, bao gồm MSN (-5,7 điểm), VHM (-3,2 điểm), HPG (-2,5 điểm), GAS (-2,5 điểm) và VPB (-1,9 điểm).

Trong khi đó bên chiều tăng điểm, EIB, DCM, DPM ảnh hưởng tích cực lên VN-Index, đóng góp lần lượt 1,2, 0,8 và 0,6 điểm cho đà tăng của chỉ số.

Trong tuần biến động của thị trường, giao dịch của tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh) tiếp tục nhuốm màu ảm đạm khi họ bán ròng 4/5 phiên với tổng giá trị rút ròng đạt 1.193 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 1.199 tỷ đồng.

 - Ảnh 1.

Giá trị giao dịch của tổ chức trong nước trong tuần 7 - 11/3. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tổ chức trong nước chốt lời loạt cổ phiếu thép, hóa chất giữa nhịp điều chỉnh

Theo thống kê từ Fiintrade, hoạt động rút vốn của tổ chức trong nước trong nước chiếm ưu thế với 10/18 ngành bị bán ròng. Trong đó, cổ phiếu phân bón hóa chất tiếp tục là nhóm bị xả ròng nhiều nhất với giá trị lên tới 693 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 8% so với tuần trước.

Nhìn chung, hoạt động chốt lời mạnh mẽ diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu phân bón tiếp tục giao dịch khởi sắc do được hưởng lợi bởi cơn bão tăng giá cả hàng hóa. Thống kê cho thấy, ngay sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra giá phân bón thế giới đã tăng vọt hơn 40%. Đà tăng giá được cho là sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới do thị trường phân bón toàn cầu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về nguồn cung.

Cùng chiều, tổ chức trong nước cũng chốt lời 535 tỷ đồng cổ phiếu thép, dù tuần trước đó vẫn mua ròng 60 tỷ đồng.

Theo quan sát, xu hướng giao dịch của các tổ chức nội cũng đảo chiều ở nhóm bất động sản khi bán ròng 111 tỷ đồng sau khi mua gom gần 152 tỷ đồng trong tuần trước đó. Có phần trái ngược, đây lại là tâm điểm thu hút phần lớn lực cầu cá nhân trong nước khi được mua gom hơn 1.950 tỷ đồng.

Chưa dừng lại, lực xả của các tổ chức nội còn tìm đến nhóm hàng cá nhân & gia dụng (117 tỷ đồng), bán lẻ (111 tỷ đồng), công nghệ thông tin (29 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (25 tỷ đồng),...

 - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của tổ chức trong nước theo nhóm ngành trong 3 tuần gần đây. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Chiều ngược lại, quy mô mua ròng ở các cổ phiếu dịch vụ tài chính được đẩy mạnh lên mức 320 tỷ đồng, gấp 5 lần giá trị tuần trước và là nhóm thu hút phần lớn lực cầu trong tuần. Một số nhóm cũng ghi nhận giao dịch tương đối tích cực trong tuần qua còn có thực phẩm & đồ uống (141 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (103 tỷ đồng), ngân hàng (78 tỷ đồng),...

Tổ chức trong nước tập trung xả HPG và DGC, trong khi mua ròng nhiều nhất FUEVFVND

Thống kê theo từng mã, Top5 bán ròng của tổ chức trong nước tập trung ở hai đại diện ngành thép và hóa chất. Dẫn đầu danh mục bán ròng là cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với 576 tỷ đồng.

Lực bán tập trung trong phiên cuối tuần khi HPG giảm mạnh 3,25% giữa bối cảnh loạt bluechips bị xả mạnh. Tương tự, cổ phiếu của ông lớn ngành thép cũng là mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất tuần qua bất chấp nỗ lực nâng đỡ từ các cá nhân trong nước.

Bên cạnh HPG, cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cũng bị xả ròng trên 500 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng thứ 3 là DXG.

Mới đây, Chứng khoán SSI vừa có báo cáo cập nhật nâng giá mục tiêu của cổ phiếu DGC lên 214.000 đồng/cp từ mức 190.000 đồng/cp, tương đương tổng mức sinh lời là 30%. Theo quan điểm của nhóm phân tích, mặc dù giá phốt pho vàng có thể sẽ giảm so với mức đỉnh nhưng nhóm phân tích ước tính giá bán bình quân của phốt pho vàng năm 2022 vẫn có thể cao hơn 20% so với năm 2021, do nhu cầu từ các nhà sản xuất chip tăng mạnh.

Chứng khoán SSI nâng ước tính lợi nhuận của Hóa chất Đức Giang năm 2022 lên 33% ước đạt 3,71 nghìn tỷ đồng, tăng 47,6% so với cùng kỳ. Với ước tính như vậy, nhóm phân tích cho rằng năm 2022 sẽ đạt đỉnh cao mới về lợi nhuận.

Trở lại với giao dịch của khối tổ chức nội, hai mã còn lại trong Top5 bán ròng là SSI và PNJ với giá trị rút ròng lần lượt là 126,7 tỷ và 114,9 tỷ đồng.

 - Ảnh 1.

Top5 cổ phiếu NĐT tổ chức trong nước mua/bán ròng khớp lệnh trong tuần 7 - 11/3. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều mua vào, giao dịch mua ròng tập trung ở chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị lên tới 397 tỷ đồng.

Cùng chịu áp lực điều chỉnh trong hai phiên cuối tuần, nhưng trụ GAS lại nằm trong danh mục rót vốn của tổ chức trong nước với giá trị lên tới 149,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dòng vốn tổ chức nội còn rót ròng 118,7 tỷ đồng vào mã VPB của VPBank. Theo sau, lực cầu dưới 100 tỷ đồng cũng được ghi nhận tại APH và chứng chỉ quỹ E1VFVN30.

Thu Thảo