|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 7 - 11/3: Khối ngoại bán ròng đột biến hơn 5.000 tỷ đồng trên HOSE, tập trung xả loạt bluechips và cổ phiếu dầu khí

11:34 | 12/03/2022
Chia sẻ
Trước diễn biến không mấy tích cực của thị trường chứng khoán, NĐT nước ngoài chốt lời tại hầu hết các nhóm ngành với tổng quy mô tới gần 5.000 tỷ đồng. Khối này đẩy mạnh xả nhiều bluechip trên sàn HOSE và nhóm cổ phiếu cảng biển, dầu khí.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua một tuần giao dịch đầy biến động trước căng thẳng địa chính trị thế giới. Mở cửa tuần, VN-Index đã giảm điểm hai phiên liên tiếp, lần lượt ở mức 0,42% và 1,69%. 

Sau đó, đà giảm được xen kẽ bới hai phiên tăng nhưng mức tăng không đáng kể để giúp VN-Index phục hồi. Trong phiên cuối tuần 11/3, VN-Index quay lại với sắc đỏ và đánh mất thêm gần 13 điểm nữa, tạm dừng chân ở mức 1,466.54 điểm.

Tính chung cả tuần, VN-Index giảm mạnh tổng cộng 38,79 điểm (tương đương 2,58%) trong khi HNX-Index giảm tổng cộng 8,39 điểm (1,86%) xuống 442,2 điểm. Đà giảm này bị ảnh hưởng phần lớn bởi tâm lý lo ngại rằng quá trình phục hồi kinh tế sẽ bị tác động tiêu cực khi giá dầu liên tục tăng cao do căng thẳng địa chính trị tại châu Âu.

NĐT trong nước và nước ngoài tỏ ra thận trọng và gia tăng tỷ trọng tiền mặt trước diễn biến không mấy tích cực của thị trường chứng khoán. Trong đó, khối ngoại có tuần bán ròng đột biến gần 4.943 tỷ đồng, trong đó xả 5.015 tỷ đồng trên sàn HOSE trong suốt tuần. 

Dòng tiền NĐT nước ngoài chốt lời tại hầu hết các nhóm ngành, điển hình nhất là bất động sản (1.544 tỷ đồng). Lực bán của khối này còn hướng đến các nhóm khác như chứng khoán (720,5 tỷ đồng), quỹ đầu tư (600 tỷ đồng), kim loại (576 tỷ đồng)...

Tập trung xả bluechip trên sàn HOSE

Khối ngoại có tuần bán ròng trọn vẹn trên sàn HOSE khi chỉ mua vào 6.106 tỷ đồng và bán ra tới 11.122 tỷ đồng, qua đó bán ròng hơn 5.015 tỷ đồng. 

Xét giao dịch theo từng mã, tâm điểm bán ròng thuộc về cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát dẫn đầu với giá trị gần 657 tỷ đồng, tương đương 13,2 triệu đơn vị. Theo ghi nhận, mã này đứng đầu danh sách mã bị bán ròng tới 4/5 phiên tuần qua và cũng mất tới gần 5% sau nhịp tăng mạnh từ đầu tháng 2.

Chứng chỉ quỹ FUEVFVND cũng bị chốt lời mạnh tay trong tuần này với quy mô 464 tỷ đồng, trong đó giao dịch tập trung chủ yếu vào phiên đầu tuần 7/3. 

Kế đến, NĐT nước ngoài cũng rút ròng mạnh khỏi nhiều cổ phiếu khác trên sàn HOSE như VHM (403 tỷ đồng), MSN (367 tỷ đồng), NVL (283 tỷ đồng), VIC (277 tỷ đồng) và VNM (228 tỷ đồng). 

Những cổ phiếu này đều là các bluechip đầu ngành trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên lại không thể hiện vai trò trụ đỡ trong tuần qua. Điển hình như hai mã họ Vingroup là VHM và VIC vẫn miệt mài tìm đáy và giảm lần lượt 13% và 25% từ đầu năm đến nay.

"Ông lớn" ngành sữa VNM cũng làm NĐT nản lòng khi đang chạm đáy gần 2 năm, hiện thị giá chỉ dừng ở mức 78.000 đồng/cp. MSN cũng ghi nhận tuần giảm sâu và là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index. 

Dòng vốn ngoại có động thái rút ròng nhẹ hơn khỏi cổ phiếu GAS (225 tỷ đồng), HDB (218 tỷ đồng) và GMD (203 tỷ đồng). Đối với GAS và GMD, đây là hai cổ phiếu thuộc nhóm ngành hưởng lợi từ chiến tranh Nga - Ukraine và có đà tăng mạnh mẽ trước khi quay đầu điều chỉnh trong tuần này. 

Khối ngoại có tuần bán ròng mạnh nhất từ đầu năm, xả nghìn tỷ đồng nhiều bluechip - Ảnh 1.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Chiều ngược lại, giao dịch mua ròng của khối ngoại tuần qua diễn ra khá ảm đạm khi mã FPT đứng đầu danh mục nhưng cũng chỉ hút được 202 tỷ đồng. 

Theo sau, dòng tiền NĐT nước ngoài có dấu hiệu quay trở lại cổ phiếu ngân hàng với hai đại diện quen thuộc là STB (103,5 tỷ đồng) và MBB (62 tỷ đồng).

Trong thông báo mới đây, Dragon Capital đã thông qua quỹ thành viên Vener Group Limited mua vào 1,25 triệu cổ phiếu STB, nâng tổng số lượng nắm giữ từ hơn 93,9 triệu đơn vị lên hơn 95,2 triệu đơn vị. Theo đó, tỷ lệ sở hữu của nhóm quỹ này tăng từ 4,98% lên 5,05%, qua đó chính thức trở thành cổ đông lớn của Sacombank kể từ ngày 10/3.

Không chỉ Sacombank, Dragon Capital mới đây cũng đã trở thành cổ đông lớn của MBBank sau khi mua tổng cộng 916.800 cổ phiếu MBB, tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ tăng lên gần 189,3 triệu đơn vị, tương đương hơn 5% vốn cổ phần.

Mặc dù có động thái chốt lời ở nhóm cảng biển và thép, nhưng NKG hay HAH lại được NĐT nước ngoài gom mua tương ứng 100 tỷ đồng và 20 tỷ đồng. NKG vượt trội hơn hẳn so với cổ phiếu cùng ngành khi đang trên đường tìm về đỉnh cũ trong khi HAH liên tiếp thiết lập đỉnh mới thời gian qua. 

Chốt lời PVS trên sàn HNX

Tuần qua, giao dịch của khối ngoại trên sàn HNX nghiêng về bên bán với quy mô xả hơn 45 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, khối này tập trung chốt lời cổ phiếu PVS hơn 38 tỷ đồng. Tương tự diễn biến cổ phiếu ngành dầu khí, mã này cũng tăng mạnh nhờ giá dầu neo cao và quay đầu điều chỉnh, rời khỏi vùng đỉnh lịch sử 40.000 đồng/cp trong tuần này. 

Theo sau, dòng tiền ngoại chỉ rút khỏi một số mã quen thuộc với quy mô không quá 20 tỷ đồng, có thể kể đến THD (16 tỷ đồng), SCI (14,5 tỷ đồng), VCS (6,5 tỷ đồng) và BVS (4 tỷ đồng).

Khối ngoại có tuần bán ròng mạnh nhất từ đầu năm, xả nghìn tỷ đồng nhiều bluechip - Ảnh 2.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Trong khi đó, cổ phiếu IDC là mã đóng góp phần lớn giá trị mua ròng với gần 38 tỷ đồng và tập trung giao dịch trong hai phiên đầu tuần. Nối tiếp, dòng tiền ngoại còn tìm đến các mã PVI (5,3 tỷ đồng), TVD (1,9 tỷ đồng), TA9 (1,7 tỷ đồng) và PSD (1,6 tỷ đồng).

Đẩy mạnh mua ròng trên thị trường UPCoM

Tiếp nối xu hướng mua ròng từ đầu năm, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng trên thị trường UPCoM với quy mô đáng kể 117,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi tiếp tục thu hút lượng lớn dòng vốn ngoại khi được mua ròng 38,4 tỷ đồng. Lực cầu theo sau cũng tìm đến một số cổ phiếu như BSR (34 tỷ đồng), QTP (19 tỷ đồng), theo sau là ACV (9,6 tỷ đồng) và VEA (7 tỷ đồng).

Chiều bán giao dịch khá ảm đạm khi mã HPP của Sơn Hải Phòng bị bán ròng mạnh nhất chỉ với 9 tỷ đồng. 

Kế đến, một số mã với lực xả khiêm tốn hơn, ví dụ như VNA (2 tỷ đồng), NTC (2 tỷ đồng), AMS (0,9 tỷ đồng) và NNG (0,8 tỷ đồng).

Khối ngoại có tuần bán ròng mạnh nhất từ đầu năm, xả nghìn tỷ đồng nhiều bluechip - Ảnh 3.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Bảo Ngọc

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.