Trái ngược VIC và VHM, một cổ phiếu công ty con Vingroup tăng giá 60.000 đồng sau ít phiên
Cổ phiếu VEF tăng mạnh hơn 26% trong 2 phiên gần đây
Trái ngược với mức tăng không mấy khởi sắc của 2 cổ phiếu quyền lực nhất Vingroup, đồng thời cũng nằm trong rổ VN30 là VIC và VHM, cổ phiếu VEF của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) lại được giới đầu tư chú ý với mức tăng ấn tượng hơn 26% tương đương 60.000 đồng chỉ trong vòng vài phiên gần đây.
Trong phiên sáng ngày 11/3, VEF tăng 13,8% và giao dịch quanh mức giá 270.000 đồng/cp. Khối lượng cổ phiếu VEF được giao dịch là 56.200 cổ phiếu. Ghi nhận vào phiên 10/3, VEF đã tăng kịch trần với tỷ lệ 15% nâng mức giá lên 246.900 đồng/cp.
Phiên giao dịch 10/3 cũng ghi nhận mức thanh khoản tăng đột biến trên 100.000 cổ phiếu. Trong khoảng thời gian trước đó, thanh khoản của mã này chỉ ở mức dưới 25.000 cổ phiếu, thậm chí nhiều phiên dưới 5.000 cổ phiếu.
Trước diễn biến trên, không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi VEF có xu hướng tăng khá trái ngược với 2 cổ phiếu hàng đầu trong tập đoàn này là VIC và VHM đều rơi xuống vùng giá 7x.
Tập đoàn Vingroup – CTCP (VIC) sở hữu 83,32% vốn điều lệ VEF
Theo tìm hiểu, cơ cấu cổ đông của công ty khá cô đặc. Với quy mô vốn điều lệ khoảng 1.666 tỷ đồng, cổ đông lớn của Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam là Tập đoàn Vingroup (VIC) với tỷ lệ sở hữu lên tới 83,32% vốn. Ngoài ra một cổ đông lớn khác của VEFAC là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tỷ lệ sở hữu 10% vốn điều lệ.
Thông tin về lịch sử hoạt động, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam tiền thân là Khu Triển lãm Giảng Võ, thành lập năm 1974 với nhiệm vụ là tổ chức triển lãm thành tựu kinh tế – kỹ thuật của đất nước, các sự kiện văn hóa, xã hội của thủ đô Hà Nội và các Bộ, ngành Trung ương, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển, với các tên gọi: Khu Triển lãm Giảng Võ (1974- 1978), Khu Triển lãm Trung ương (1979 – 1982), Trung tâm Triển lãm thành tựu Kinh tế Kỹ thuật Việt Nam (1982 – 1985), Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (1985 – 1989), và từ ngày 18/01/1989 mang tên Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC).
Ngành nghề kinh doanh chính của công ty bao gồm: Tổ chức hội chợ, triển lãm, sự kiện, hội nghị trong và ngoài nước; kinh doanh các loại hình dịch vụ, quảng cáo, thông tin, thương mại trong và ngoài nước; Hoạt động sáng tác, nghệ thuậ và giải trí; …
Theo dõi diễn biến cổ phiếu của công ty mẹ của VEFAC, mã VIC của Tập đoàn Vingroup giảm khá mạnh sau khi tập đoàn công bố báo cáo tài chính quý 4/2021 ghi nhận khoản lỗ hơn 5.964 tỷ đồng. Hiện giá của cổ phiếu VIC đang ở mức 78.400 đồng/cp, giảm khoảng 34,6% so với vùng đỉnh vào đầu năm nay.
Không chỉ riêng VIC, hai mã được cho là cùng nằm trong bộ ba cổ phiếu 'họ Vinroup" cũng có mức giảm đáng kể. Đơn cử, giá cổ phiếu VRE của CTCP Vincom Retail sụt giảm 14,2% so với đầu năm 2022.
Tình hình hoạt động kinh doanh của VEFAC
Điểm lại tình hình kết quả kinh doanh của công ty giai đoạn 2012 - 2016 cho thấy bức tranh khá khởi sắc khi lợi nhuận cũng như tỷ suất sinh lời trên doanh thu liên tục tăng. Năm 2016, công ty đạt lợi nhuận 44,42 tỷ đồng, tỷ suất sinh lời trên doanh thu đạt gần 40%.
Hai năm 2017 và 2018, doanh thu công ty có sự sụt giảm nhưng tỷ suất sinh lời trên doanh thu đạt mức ấn tượng 49,12% vào năm 2017 và 46,56% vào năm 2018.
Từ năm 2019 đến nay, kết quả kinh doanh công ty vô cùng thuận lợi khi doanh thu cùng với lợi nhuận tăng trưởng rất tốt. Doanh thu năm 2020 tăng trưởng hơn 106%, lợi nhuận tăng hơn 285% so với năm 2019.
Tình hình kinh doanh của VEFAC khởi sắc nhất là vào năm 2021. Công ty lãi ròng hơn 328,18 tỷ đồng tăng hơn 112% so với năm 2020, tỷ suất sinh lời trên doanh thu là 80,22%.
Sự tăng giá của cổ phiếu VEF trong thời gian gần đây cho thấy phản ứng tích cực của các nhà đầu tư sau khi VEFAC ra báo cáo tài chính quý IV/2021. Tính từ thời điểm đó, giá cổ phiếu VEF tăng khoảng 50% bất chấp các biến động trên thị trường trong thời gian qua.