Dòng tiền thông minh 11/8: Tự doanh đảo chiều gom 276 tỉ đồng, VN-Index tiếp tục gặp khó trước mốc 845 điểm
VN-Index tăng 6 phiên liên tiếp nhưng chưa thể chinh phục mốc 850 điểm
VN-Index tiếp tục tăng mạnh ngay từ đầu phiên, và duy trì được sắc xanh trong suốt thời gian giao dịch. Mặc dù vậy, tại vùng kháng cự 850 điểm, áp lực bán gia tăng khá mạnh khiến đà tăng bị thu hẹp.
Theo đó, VN-Index đóng cửa tăng 1,74 điểm (0,21%) lên 843,2 điểm, HNX-Index tăng 0,76% lên 113,64 điểm, UPCoM-Index tăng 0,14% lên 56,3 điểm.
Thanh khoản của thị trường giữ ở mức cao trong phiên hôm nay. Tổng khối lượng giao dịch phiên hôm nay đạt hơn 381 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 5.696 tỉ đồng.
Dòng tiền đầu tư duy trì trạng thái tích cực khi có 13/19 nhóm ngành tăng điểm, dù đã giảm nhẹ so với phiên trước đó. Nhóm bất động sản và ngân hàng tiếp tục thu hút dòng vốn mạnh nhất.
Trong khi đó, giao dịch khối ngoại vẫn khá tiêu cực khi tiếp tục bán ròng trên cả hai sàn. Thanh khoản thị trường đã tăng nhẹ so với phiên hôm trước, độ rộng thị trường ở trạng thái tích cực cho thấy tâm lí nhà đầu tư vẫn đang tương đối lạc quan. T
Với việc VN-Index có phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp mà chưa thể chinh phục thành công cột mốc 850 điểm, khả năng cao thị trường xuất hiện một vài nhịp điều chỉnh, và có thể kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 825 trong những phiên tới.
Thị trường lình xình, khối tự doanh gom 276 tỉ đồng
Thống kê giao dịch phiên đầu tuần, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 276,3 tỉ đồng với khối lượng 8,3 triệu đơn vị.
Top10 mã được khối tự doanh mua vào, cổ phiếu VNM dẫn đầu với giá trị 34,04 tỉ đồng. Trái với động thái từ khối đầu tư trong nước, quĩ ngoại tỉ đô Arisaig mới đây đã loại cổ phiếu Vinamilk khỏi danh mục do đánh giá điểm bão hòa đang gần hơn.
Arisaig cho rằng Vinamilk đã dẫn đầu tăng trưởng trong ngành sữa tại Việt Nam suốt nhiều thập kỉ nhờ Chính phủ tăng lượng tiêu thụ sữa trong trường học. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại, xuống dưới mức trung bình.
Theo sau đó, khối tự doanh rót vốn vào cổ phiếu HPG (31,5 tỉ đồng), VIC (25,14 tỉ đồng) và TCB (23,53 tỉ đồng). Ngoài ra, các mã thu hút dòng vốn từ khối này còn có VPB (19,9 tỉ đồng), VHM (19,6 tỉ đồng) và FPT (17,5 tỉ đồng). Hai mã còn lại trong top mua vào gồm VCB và HSG lần lượt ghi nhận giá trị 16,7 tỉ đồng và 13,8 tỉ đồng.
Top10 chịu áp lực bán ra không có mã nào đạt giá trị đến 10 tỉ đồng. Theo đó, hai cổ phiếu HDG và VHM lần lượt ghi nhận giá trị cao nhất 9,02 tỉ đồng và 8,32 tỉ đồng. Cùng tại giao dịch cổ phiếu, khối tự doanh rút vốn khỏi VOB, MBB, HPG, DPM, REE và VNM.
Tại giao dịch chứng chỉ quĩ, hai mã E1VFVN30 và FUEVFVND lần lượt ghi nhận giá trị bán 7,7 tỉ đồng và 7,3 tỉ đồng.
NĐT ngoại tiếp tục bán ròng 214 tỉ đồng cổ phiếu, tâm điểm mã VHM
Về phía giao dịch khối ngoại, trên HOSE ghi nhận giá trị bán ròng gần 189 tỉ đồng với khối lượng 4 triệu đơn vị. Trong đó, NĐT nước ngoài tập trung bán ròng cổ phiếu VHM 54,3 tỉ đồng, theo sau là AGG (45,07 tỉ đồng) và VNM (33,71 tỉ đồng).
Cùng chiều, các mã ghi nhận giá trị bán ròng trên 10 tỉ đồng còn có cổ phiếu NLG (29,08 tỉ đồng), VIC (14,13 tỉ đồng) và HCM (11,47 tỉ đồng).
Ngược lại, khối ngoại tập trung rót vốn vào cổ phiếu HDB (9,15 tỉ đồng). Kế đến, khối này còn gom chứng chỉ quĩ FUEVFVND (7,3 tỉ đồng), cổ phiếu PHR (6,7 tỉ đồng), chứng chỉ quĩ E1VFVN30 (6,65 tỉ đồng) và cổ phiếu STB (5,47 tỉ đồng).
Trên HNX, dòng vốn ngoại rút ròng nhẹ 2,3 tỉ đồng với khối lượng 764.500 đơn vị. Tại phía bán ròng, cổ phiếu TNG dẫn đầu với giá trị gần 5,3 tỉ đồng. Cùng với đó, khối ngoại rút ròng khỏi mã BVS (2,2 tỉ đồng), HUT (1,2 tỉ đồng), theo sau là SHS, LAS, SHB...
Ở chiều mua ròng, khối ngoại rót hơn 6,7 tỉ đồng vào cổ phiếu PVS. Mặt khác, cổ phiếu VCS được khối ngoại mua ròng 348 triệu đồng, CVN (145 triệu đồng) và AMV (135 triệu đồng). Ngoài ra còn có cổ phiếu IDV, NET, TDN..
Giao dịch tại UPCoM, NĐT nước ngoài bán ròng 8,3 tỉ đồng và khối lượng 120.400 cổ phiếu. Về giá trị cụ thể, khối ngoại gom 362 triệu đồng cổ phiếu BCM. Bên cạnh đó, khối này mua ròng VGG (311 triệu đồng), MH3 (91 triệu đồng), SNZ (42 triệu đồng)...
Trong khi đó, cổ phiếu VTP ghi nhận áp lực bán ròng từ NĐT ngoại với giá trị 4,4 tỉ đồng. Ngoài ra, dòng vốn ngoại rút khỏi cổ phiếu KDF (2,2 tỉ đồng), MCH (1,4 tỉ đồng), ACV (1,05 tỉ đồng), C21 (106 triệu đồng)...