|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền tăng mạnh vào nhóm có câu chuyện phục hồi, liệu sóng có đến?

08:30 | 14/02/2022
Chia sẻ
Trong tuần đầu tiên của năm âm lịch Nhâm Dần, nhóm cổ phiếu điều chỉnh mạnh trước đó như tài nguyên cơ bản, du lịch & giải trí, hàng cá nhân & gia dụng đồng loạt hồi phục mạnh mẽ.

Dòng tiền đang tìm kiếm các cổ phiếu có câu chuyện phục hồi

VN-Index đã có tuần giao dịch khai xuân Nhâm Dần khá thuận lợi khi vượt qua ngưỡng tâm lý 1.500 điểm với 4/5 phiên tăng điểm trong tuần. Tính chung cả tuần, chỉ số chính sàn HOSE đã tăng 22,75 điểm, tương ứng tăng 1,54% so với tuần trước và chốt tuần tại 1.501,71 điểm.

Sắc xanh lan tỏa khá đều tại các mã bluechips và nhóm cổ phiếu điều chỉnh mạnh trước đó như tài nguyên cơ bản, du lịch & giải trí, hàng cá nhân & gia dụng. Điều này cho thấy dòng tiền hiện tại không sẵn sàng “mua theo” nhóm cổ phiếu nóng, tăng nhanh, mà lựa chọn nhóm chưa tăng giá và có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận.

Cụ thể, nhóm tài nguyên cơ bản có sự cải thiện dòng tiền mạnh với tỷ trọng giá trị giao dịch đã tăng lên 8,94% dưới tác động chủ yếu là nhóm thép được hỗ trợ bởi giá thép thế giới tăng trở lại.

Top các cổ phiếu có giá trị giao dịch cao nhất trong tuần là HPG, HSG, NKG, KSB, PAS, TTF, tất cả đều tăng giá trong đó NKG ghi nhận mức tăng ấn tượng lên tới 24,8%. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đây vẫn là một trong những nhóm điều chỉnh mạnh với tỷ lệ số cổ phiếu tăng/giảm là 35/70.

Chỉ số dòng tiền của FiinTrade cho thấy dòng tiền vào nhóm tài nguyên cơ bản sau khi về mức thấp nhất tại ngày 7/2 thì đã quay đầu đi lên. Tuy nhiên, chỉ số dòng tiền trong mối tương quan với thanh khoản toàn thị trường đã phản ứng trước, đạt mức thấp nhất vào 17/1 và hồi phục.

Điều này cho thấy xu hướng dòng tiền vào ngành tài nguyên cơ bản nói chung mạnh hơn thị trường và là lực đỡ giá của ngành. Về mặt định giá, chỉ số P/E của nhóm này sau khi chạm mức thấp nhất trong 3 năm vào phiên 7/2 thì đã đi lên do giá tăng, tuy nhiên vẫn còn nằm ngoài -2 lần độ lệch chuẩn.

Dòng tiền tăng mạnh vào nhóm có câu chuyện phục hồi, nhà đầu tư có thể làm gì để đón sóng? - Ảnh 1.

Biến động giá và định giá ngành Tài nguyên cơ bản trong vòng 3 năm. (Nguồn: FiinTrade).

Tương tự, nhóm cổ phiếu du lịch và giải trí có tuần giao dịch khởi sắc với chỉ số giá ngành tăng 7,8%. Theo quan sát, nhiều cổ phiếu hàng không đã "cất cánh" ngay trong phiên đầu năm mới, điển hình như VJC, HVN, AST tăng kịch trần, ACV tăng 7,36% trong khi NCS cũng tăng tới 6,93%.

Tuy dòng tiền vào nhóm tăng nhưng vẫn yếu hơn mức tăng thanh khoản chung của toàn thị trường, do đó nếu dòng tiền tiếp tục đổ vào nhóm này sẽ là cơ hội để cổ phiếu ngành tăng điểm.

Cổ phiếu du lịch & giải trí chịu ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh trong 2 năm qua và nhà đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi của nhóm này khi Việt Nam dần mở cửa trở lại và dự kiến mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trước tháng 5/2022.

Dòng tiền tăng mạnh vào nhóm có câu chuyện phục hồi, nhà đầu tư có thể làm gì để đón sóng? - Ảnh 2.

Tỷ trọng giá trị giao dịch ngành cấp 2 trong 10 tuần gần nhất. (Nguồn: FiinTrade).

Thị trường sẽ chuyến kỳ vọng sang triển vọng KQKD quý I và năm 2022 

Thống kê của FiinTrade dựa trên số liệu của 702/1726 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết (chiếm 75,1% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và thị trường UPCoM) đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 cho thấy lợi nhuận lõi của khối phi tài chính hồi phục mạnh mẽ với lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) tăng 40,1% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này phần lớn ghi nhận ở ngành bất động sản (VHM, PDR và NLG); thực phẩm và đồ uống (MSN, KDC, VHC) và các nhóm ngành phụ thuộc vào chu kỳ giá hàng hóa.

25/27 ngân hàng (chiếm 96,1% vốn hóa ngành) ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 14,9% trong quý IV, đây là mức tăng trưởng khá tích cực đối với khối ngân hàng và hồi phục mạnh từ mức giảm 14,6% trong quý III.

Mùa công bố thông tin cơ bản đã hoàn thành, thị trường sẽ chuyến kỳ vọng sang triển vọng kết quả kinh doanh quý I và năm 2022 tại mùa đại hội đồng cổ đông thường niên.

Nhận định về thị trường chứng khoán tuần này, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng biến động tiêu cực của thế giới trước tình hình lạm phát gia tăng và hợp đồng tương lai tháng 2 đáo hạn tuần tới khiến cho diễn biến thị trường khó lường. VN-Index được dự báo sẽ vận động tích lũy lại từ 1.475 – 1.500 điểm trước khi lấy lại đà tăng kiểm tra đỉnh tại 1.530 điểm.

Nhóm phân tích cho rằng với diễn biến của thị trường đang đi ngang như hiện tại, nhà đầu tư nên hạn chế chiến lược lướt sóng, các phiên điều chỉnh vẫn là cơ hội để cơ cấu danh mục và tăng tỷ trọng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ câu chuyện phục hồi.

Thu Thảo