|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền ngoại hơn 10.700 tỉ đồng chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam, bất ngờ vốn từ Thái Lan

17:45 | 04/10/2019
Chia sẻ
Với diễn biến tích cực của TTCK Việt Nam, khối ngoại 'rót' hơn 10.700 tỉ đồng vào thị trường, hoạt động mua ròng diễn ra mạnh mẽ trên HOSE và UPCoM, trong khi bán ròng trên HNX. Đáng chú ý, dòng vốn ngoại chảy vào thị trường qua cả kênh cổ phiếu và chứng chỉ quĩ ETF nội?

Khối ngoại mua ròng 10.708 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay

Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, VN-Index tăng 11,75% so với thời điểm đầu năm, đóng cửa ở 996,56 điểm, là chỉ số thị trường tăng mạnh nhất. Theo sau đó, VN30 - Index tăng 7,86% lên 922,89 điểm.

HNX - Index có tỉ lệ tăng thấp nhất với 2,32%, đóng cửa tháng 9 ở 105,05 điểm. UPCoM - Index tăng 7,58% so với đầu năm nay, ở 56,78 điểm. 

VNI2

Thống kê các chỉ số thị trường trong 9 tháng đầu năm 2019. Nguồn: VNDirect

Với diễn biến khả quan của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 10.708 tỉ đồng (tương đương hơn 460 triệu USD). 

Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng tổng cộng hơn 10.215 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm  với khối lượng hơn 26,06 triêu đơn vị. Hoạt động mua ròng diễn ra liên tục trong 7 tháng đầu năm. Tuy nhiên trong 2 tháng cuối quí III, khối ngày trở lại bán ròng.

Tại giao dịch cổ phiếu, NĐT nước ngoài mua ròng 8.405 tỉ đồng nhưng bán ra hơn 91,52 triệu đơn vị.  Bên cạnh đó, chứng chỉ quĩ ETF nội cũng được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 1.948 tỉ đồng với khối lượng 131,88 triệu đơn vị.

Với sản phẩm chứng quyền có đảm bảo được ra mắt vào cuối tháng 6, khối ngoại bán ra với giá trị 13,5 tỉ đồng, tương đương hơn 13 triệu đơn vị.

KN1

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 729,3 tỉ đồng với khối lượng gần 48,2 triệu đơn vị. Hoạt động bán ròng diễn ra liên tục từ tháng 5 đến tháng 9. Trong quí I, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng duy nhất trong tháng 2.

Diễn biến trái chiều sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 1.222 tỉ đồng trên thị trường UPCoM, nhưng bán ròng hơn 3,3 triệu đơn vị. Hoạt động mua ròng diễn ra liên tục từ tháng 3 đến tháng 9. Trên 3/4 chặng đường năm 2019, nhà đầu tư nước ngoài chỉ bán ròng duy nhất trong tháng 2 với giá trị gần 555 tỉ đồng.

Dòng tiền ngoại vào Việt Nam tích cực hơn Thái Lan và Malaysia

Những số liệu thống kê cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục là điểm đến của dòng vốn ngoại trong 3 quí đầu năm nay. So với các thị trường khác trong khu vực, khối ngoại gia tăng bán ròng tại Malaysia, Thái Lan. Số liệu tổng hợp từ Bloomberg, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng 173 triệu USD tại Thái Lan và gần 1,9 tỉ đồng tại Malaysia.

Tuy nhiên, dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam có giá trị thấp hơn so với một số thị trường khác tại châu Á như Indonesia (mua ròng gần 3,7 tỉ USD), Hàn Quốc (3,13 tỉ USD), Đài Loan (2,5 tỉ USD), Ấn Độ (8,2 tỉ USD). 

KN3

Nguồn: Tổng hợp từ Bloomberg

Liệu thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá cao hơn so với các thị trường trên? Minh chứng bằng số liệu tổng hợp từ Bloomberg, giá trị mua ròng của khối ngoại và chỉ số P/E của các thị trường châu Á đang có sự khác biệt. 

Cụ thể, mức P/E của VN-Index khoảng 16,9 lần, thấp hơn so với những thị trường được mua ròng mạnh hơn như Indonesia (P/E của Jakarta Composite Index - JCI là19,1 lần), Đài Loan (P/E là 17,3 lần), Ấn Độ (P/E là 26,4 lần). Tuy nhiên, P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam cao hơn đáng kể tại Hàn Quốc (P/E là 13,2 lần).

A4

Ông Đào Phúc Tường. Ảnh: Mai Linh

Đánh giá về diễn biến dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam, tại sự kiện được Chứng khoán Vietinbank tổ chức vào tháng 5, ông Đào Phúc Tường, Giám đốc Đầu tư Công ty quản lý quĩ APS (Singapore) từng đánh giá dòng vốn ngoại Việt Nam chia làm ba giai đoạn. Vốn nước ngoài vào Việt Nam dồn dập trong giai đoạn đầu tiên là 2006 – 2007, giai đoạn hai là cuối quí IV/2017 và đầu quí I/2018. Đợt thứ ba là đầu năm 2019, tuy nhiên dòng vốn nhỏ hơn rất nhiều so với cùng đợt năm ngoái. 

Giai đoạn một và hai là dòng vốn theo 'câu chuyện'. Năm 2006 -2007, dòng vốn dồn dập vào TTCK Việt Nam vì WTO, năm 2017-2018 cũng dồn dập như thế. Tại châu Âu, nhiều NĐT cho rằng nền kình tế Mỹ và thị trường Mỹ đã ở vùng đỉnh. NĐT đi tìm những cơ hội mới, lúc đó họ chuyển sang các thị trường mới nổi nói chung và Việt Nam là thị trường cận biên được hưởng lợi một phần nào, ông Đào Phúc Tường chia sẻ.

Nhà đầu tư Thái Lan 'rót' nghìn tỉ đồng vào TTCK Việt Nam?

Đánh giá về dòng vốn của từng quốc gia nào 'đổ' vào TTCK Việt Nam, ông Đào Phúc Tường chia sẻ, từ cuối năm 2017 - 2018 đến đầu năm nay, đa phần là dòng vốn Hàn Quốc và một số ít người Nhật, một số quĩ Hàn Quốc. Phân bổ tài sản từ nhóm châu Âu và Mỹ vào Việt Nam không quá nhiều. Dòng vốn đa phần vào nhóm VN30 từ Hàn Quốc và Thái Lan.

"Dòng vốn từ Hàn Quốc và Thái Lan vào Việt Nam là dòng vốn theo câu chuyện chứ không phải theo phân bổ tài sản. Khi đã vào theo câu chuyện, khi câu chuyện qua đi, dòng vốn sẽ không vào nữa. Ví dụ như cuối năm 2017 – đầu năm 2018, dòng vốn vào vì câu chuyện IPO", ông Tường chia sẻ.

Được biết, ngày 23/11/2018, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan, CTCP Quản lý quĩ đầu tư Việt Nam và Công ty Chứng khoán Bualuang Securities ra mắt cho nhà đầu tư sản phẩm chứng chỉ lưu kí (Depositary Receipt - DR). Đây là một loại chứng khoán mới niêm yết trên thị trường Thái Lan với tài sản cơ sở là chứng chỉ quĩ ETF VFMVN30 do Công ty Cổ phần Quản lý quĩ đầu tư Việt Nam (VFM) vận hành và quản lý.

Sau đó, chứng chỉ quĩ ETF nội E1VFVN30 liên tục được nhà đầu tư nước ngoài mua vào. Thống kê trong 9 tháng đầu năm nay, mã E1VFVN30 thu hút dòng vốn ngoại tương đối tốt khi được mua ròng với giá trị 1.883 tỉ đồng (tương đương 81,3 triệu USD). Như vậy, dòng vốn từ Thái Lan cũng trở thành một trong những nhân tố thúc đẩy thị trường tích cực trong 9 tháng đầu năm nay.

Phan Quân