Dòng tiền lớn tiếp tục rút ròng hàng trăm tỉ đồng tuần qua: Khối ngoại nghỉ Tết dương lịch sớm?
Trong tuần qua, sự tích cực của các thị trường chứng khoán chủ chốt trong khu vực chưa thể lan tỏa đến VN-Index. Chỉ số vận động giằng co trong kênh giá hẹp 950 - 960 điểm và có lúc đã quay trở lại cận dưới của vùng giá này. Cùng với đó, áp lực bán ròng từ khối ngoại và bộ phận tự doanh CTCK tiếp tục hiện diện và tác động tiêu cực lên thị trường.
Khối tự doanh xả 205 tỉ đồng tuần qua, bán ròng trăm tỉ CCQ E1VFVN
Thống kê cụ thể, khối tự doanh của công ty chứng khoán bán ròng gần 205 tỉ đồng với khối lượng 11,4 triệu đơn vị. Trong tuần, khối tự doanh bán ròng trăm tỉ vào phiên thứ Tư và thứ Năm trong khi mua ròng tại các phiên còn lại.
Tại phía bán ra, khối tự doanh bán duy nhất chứng chỉ quĩ E1VFVN30 trên trăm tỉ, giá trị cụ thể 106,35 tỉ đồng. Bên cạnh đó, khối này tạo áp lực bán lên cổ phiếu MBB (97,12 tỉ đồng) và GEX (82,29 tỉ đồng).
Thông tin liên quan, MBBank mới đây cho biết đã đăng kí bán tối đa 23 triệu cổ phiếu quĩ theo phương thức khớp lệnh trên sàn hoặc thỏa thuận từ ngày 30/12/2019 đến 29/1/2020. Theo đó, lượng cổ phiếu quĩ mà ngân hàng nắm giữ dự kiến giảm xuống còn 24 triệu cổ phiếu.
Về phía cổ phiếu GEX, nhóm MB Capital vừa công bố thông tin cho biết đã giảm lượng cổ phần Gelex sở hữu từ hơn 21,488 triệu đơn vị (4,4%) xuống còn hơn 13,611 triệu đơn vị (2,8%).
Cùng chiều, khối tự doanh bán ra cổ phiếu MWG (45,6 tỉ đồng), theo sau là FPT (42,2 tỉ đồng), VNM (36,6 tỉ đồng), HPG (33,2 tỉ đồng). Ngoài ra, cổ phiếu VIC ghi nhận giá trị bán 28,1 tỉ đồng, MSN (27,8 tỉ đồng) và TCB (27,4 tỉ đồng).
Diễn biến trái chiều, mã TCB dẫn đầu phía mua vào với giá trị 88 tỉ đồng. Liên tiếp ba phiên cuối tuần, thị trường xuất hiện giao dịch thỏa thuận "khủng" cổ phiếu Techcombank. Tổng giá trị giao dịch thỏa thuận trong ba phiên của mã này là 679 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, cổ phiếu HPG ghi nhận giá trị mua vào 61,8 tỉ đồng sau khi Tập đoàn Hòa Phát thông tin đặt mục tiêu bán trên 3,5 triệu tấn thép xây dựng năm 2020, tăng trưởng 30% trong Chương trình gặp mặt nhà đầu tư quí IV/2019 tại Khu liên hợp gang thép Dung Quất ngày 18/12 vừa qua.
Khối tự doanh mua vào MSN (56,1 tỉ đồng), VPB (54,1 tỉ đồng). Những cổ phiếu được khối tự doanh mua với giá trị trên 30 tỉ đồng như TPB (37,7 tỉ đồng), FPT (35,5 tỉ đồng), VHM (34,6 tỉ đồng) và MWG (32,3 tỉ đồng). Hai mã còn lại trong top mua vào là VNM và VIC.
Trên HOSE, NĐT nước ngoài bán ròng hơn 108 tỉ đồng, tập trung mã VIC
Thống kê giao dịch khối ngoại, NĐT nước ngoài bán ròng hơn 100 tỉ đồng với khối lượng 2,4 triệu đơn vị. Tính riêng trên HOSE, khối ngoại xả 108 tỉ đồng, tuy nhiên khối lượng mua ròng đạt 773.610 đơn vị.
Tại giao dịch cổ phiếu, khối ngoại bán ròng gần 197 tỉ đồng, trong khi đó, khối này mua ròng 102,4 tỉ đồng chứng chỉ quĩ ETF nội.
Top10 mã có giá trị mua ròng cao nhất tuần qua, đáng chú ý có cổ phiếu VNM và MBB lần lượt được khối ngoại gom 194,3 tỉ đồng và 184,3 tỉ đồng.
Liên quan đến mã VNM, ngày 16/12 vừa qua, ĐHĐCĐ bất thường GTNfoods đã chính thức thông qua việc cho phép Vinamilk nâng tỉ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này lên 75% mà không cần phải chào mua công khai.
Đồng thời, đại hội cũng thông qua phương án tái cấu trúc doanh nghiệp với việc sửa đổi điều lệ và thoái vốn tại công ty con.
Đây có thể coi là dấu mốc quan trọng để Vinamilk nhanh chóng kiểm soát quyền điều hành GTNfoods để thực hiện các bước tái cấu trúc tiếp theo trong thương vụ M&A giữa hai doanh nghiệp sở hữu hai thương hiệu sữa nổi tiếng là Vinamilk và Mộc Châu Milk (Sữa Mộc Châu).
Ngoài ra, khối ngoại tìm đến chứng chỉ quĩ E1VFVN30 (82,45 tỉ đồng), cổ phieeus BID (57,6 tỉ đồng), VCB (47,9 tỉ đồng), VRE (34,3 tỉ đồng). Một số mã cũng được khối ngoại gom vào tuần qua như BVH (21 tỉ đồng), ROS (15,2 tỉ đồng), DXG (10,4 tỉ đồng) và PVD (8,6 tỉ đồng).
Ngược lại, Top10 cổ phiếu chịu áp lực xả mạnh nhất, khối ngoại chủ yếu bán ròng mã VIC (90,1 tỉ đồng) mặc dù đón nhận thông tin tích cực về khả năng công ty quĩ hưu trí The National Pension Service (NPS) của Chính phủ Hàn Quốc hợp tác với SK Group ra mắt quĩ đầu tư giá trị 1.000 tỉ Won (tương đương 860 triệu USD) có thể tăng cường đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Vingroup và Masan.
Cùng với đó, NĐT nước ngoài xả cổ phiếu HPG (78,2 tỉ đồng), SGN (58,5 tỉ đồng), VHM (42 tỉ đồng). Dòng vốn ngoại rút ròng khỏi MSN (27,6 tỉ đồng), STB (24,9 tỉ đông) và HDB (23 tỉ đồng). Lọt Top10 bán ròng còn có VJC, SSI và DBC với giá trị bán ròng nhỏ hơn.
Sàn HNX ghi nhận giá trị bán ròng 16 tỉ đồng, chủ yếu cổ phiếu SHB
Tương tự sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 15,6 tỉ đồng trên HNX với khối lượng 2,5 triệu đơn vị. Trong đó, dòng vốn ngoại rút ròng tại toàn bộ phiên trong tuần, nhiều nhất là thứ Tư.
Dẫn đầu chiều bán ròng tuần qua là cổ phiếu SHB với giá trị 11,8 tỉ đồng. Mặt khác, khối ngoại bán ròng PVS (4,5 tỉ đồng), VNR (1,9 tỉ đồng), HUT (1,7 tỉ đồng) và PLC (1,5 tỉ đồng). Những mã chịu áp lực bán ròng từ NĐT nước ngoài còn có HDA, AMV, LHC, PMC và IDC.
Diễn biến trái chiều, khối ngoại tập trung mua ròng cổ phiếu VCS (4,4 tỉ đồng) trên HNX. Kế đến, hai mã IDV và TIG lần lượt ghi nhận giá trị mua ròng 1,5 tỉ đồng và 1,05 tỉ đồng. Cùng chiều, NĐT nước ngoài gom dưới 1 tỉ đồng cổ phiếu PVI, TA9, BII, SLS, SHS, HHC và NRC.
Duy nhất tại UPCoM, khối ngoại mua ròng gần 24 tỉ đồng, tâm điểm mã ACV
Trái với diễn biến trên hai sàn, khối ngoại mua ròng 23,6 tỉ đồng tại UPCoM, tuy nhiên bán ròng khối lượng 675.676 cổ phiếu. Ngoại trừ phiên cuối tuần ghi nhận giá trị bán ròng, hoạt động bán ròng của khối ngoại áp đảo tại các phiên còn lại.
Cụ thể, NĐT nước ngoài gom cổ phiếu ACV nhiều nhất thị trường này là 28,3 tỉ đồng. Cùng chiều, khối ngoại mua ròng VTP (7,9 tỉ đồng), QNS (4,2 tỉ đồng), BCM (3,5 tỉ đồng) và SIP (1 tỉ đồng). Khối ngoại cũng tìm đến các mã khác như MCH, OIL, HEJ, TTD và FOX.
Trái xu hướng với các cổ phiếu trên, NĐT ngoại xả SDI (7,9 tỉ đồng), BSR (6,1 tỉ đồng), VEA (3,9 tỉ đồng) và LPB (3,7 tỉ đồng). Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại thoái ròng khỏi WSB, MPC, STT, NCS, VGI và ABR giá trị dưới 1 tỉ đồng.