|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền của tổ chức trong nước xoay quanh cổ phiếu ngân hàng trong tuần VN-Index hồi phục

17:30 | 25/07/2022
Chia sẻ
Trong tuần hồi phục của thị trường (18 – 22/7), tổ chức trong mua ròng 92 tỷ đồng, tuy nhiên tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 14 tỷ đồng. Dòng tiền của các tổ chức nội xoay quanh ngành ngân hàng với SHB bị xả ròng nhiều nhất trong khi VPB, ACB, VIB là tâm điểm hút tiền.

Diễn biến tích cực từ thị trường thế giới và sự hồi phục của nhóm cổ phiếu lớn trong mùa công bố kết quả kinh doanh giúp VN-Index tăng 1,32% dù chưa thể vượt ngưỡng tâm lý 1.200.

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 11.915 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tuần trước đó nhưng vẫn giảm 7,2% so với trung bình 5 tuần và 35% so với trung bình 20 tuần trước.

Số ngành tăng điểm chiếm áp đảo với 17/19 ngành và có 254 cổ phiếu tăng so với 131 cổ phiếu giảm. Các ngành giảm đã giảm sâu trước đó và có kết quả kinh doanh quý II tích cực như dịch vụ tài chính, xây dựng và vật liệu, ngân hàng có mức tăng trên 5%.

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý II vẫn là tâm điểm thị trường trong tuần tới trong khi nhà đầu tư vẫn phải lưu ý diễn biến thị trường chứng khoán thế giới phản ứng trước thông tin Fed tăng lãi suất và công bố GDP Hoa Kỳ.

Trong tuần hồi phục của thị trường, tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh) mua ròng 3/5 phiên với tổng giá trị mua ròng đạt 92 tỷ đồng, tuy nhiên tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 14 tỷ đồng.

Dòng tiền tổ chức nội tìm đến nhóm công nghệ thông tin trong khi bán ròng ngân hàng, BĐS

Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều mua ròng của các tổ chức trong nước áp đảo khi diễn ra ở 11/18 nhóm ngành. Tuy nhiên lực cầu tương đối dàn trải vì không nhóm nào được rót ròng trên 100 tỷ đồng.

Cổ phiếu công nghệ thông tin vươn lên thành nhóm được mua ròng mạnh nhất, dù vậy quy mô rót vốn cũng chỉ quanh 66 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân của tổ chức nội cũng được chứng kiến ở nhóm thực phẩm & đồ uống (37 tỷ đồng).

Dòng tiền của tổ chức trong nước cũng được duy trì ở các một số nhóm cổ phiếu lớn gồm tài nguyên cơ bản (28 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (10,4 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (10,1 tỷ đồng),…

Nhóm cổ phiếu xây dựng & vật liệu tiếp tục có tuần giao dịch sôi động hơn với tỷ trọng giá trị giao dịch đã được cải thiện lên 8,11% toàn thị trường, mức cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, chỉ số giá ngành tăng 3,85%.

Nhóm này vẫn tăng nhẹ và là một trong những nhóm tăng trong 2 tuần liên tiếp và tăng trong 1 tháng. Trong vòng 1 tháng qua cổ phiếu xây dựng & vật liệu đã tăng 8,18%, chỉ đứng sau nhóm chứng khoán. Theo nghiên cứu của FiinTrade, với lợi thế dòng tiền đang ở mức thấp, nhóm này còn nhiều dư địa để có thể thu hút được thêm dòng tiền.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Chiều ngược lại, bộ ba ngân hàng, bất động sản, hàng và dịch vụ công nghiệp bị khối ngoại tập trung bán ròng với giá trị 57 tỷ đồng. Tuần giao dịch vưa qua (18/7 - 22/7), sắc xanh chiếm chủ đạo trong nhóm cổ phiếu ngân hàng với 22/27 mã tăng giá và 5 mã giảm giá.

Trong đó, cổ phiếu PGB là điểm nhấn khi tăng vọt 33,1%, kết tuần tại mức 22.700 đồng/cp, trong khi không còn một mã nào khác tăng hơn 5,5%. Đà tăng mạnh của cổ phiếu này diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức phê duyệt việc Petrolimex thoái hơn 40% vốn cổ phần tại PG Bank.

3 mã xếp sau PGB là MSB, TPB và LPB với mức tăng lần lượt 5,5%, 5,2% và 5%. Phần lớn các mã tăng giá còn lại có mức tăng chưa tới 2%. Ở chiều ngược lại, NVB có mức điều chỉnh mạnh nhất (-3,9%), 4 mã còn lại là OCB, KLB, STB và EIB giảm chưa tới 2%.

Cùng chiều, tổ chức trong nước mạnh tay cũng bán ròng ở các ngành bán lẻ, bảo hiểm, y tế, hàng cá nhân & gia dụng với quy mô nhỏ hơn.

SHB là tâm điểm thu hút dòng tiền

Thống kê theo từng mã, Top5 bán ròng của tổ chức trong nước tập trung ở cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội với giá trị gần 200 tỷ đồng.

SHB có thêm một tuần giao dịch sôi động với khối lượng giao dịch đạt 96,7 triệu cổ phiếu, tăng 23% so với tuần trước và đứng đầu toàn ngành tuần này. Trái với áp lực rút vốn của các tổ chức nội, đây lại là mã được NĐT mua ròng mạnh nhất tuần qua với hơn 213 tỷ đồng.

Kế đến, các tổ chức nội cũng bán ròng 48,2 tỷ đồng cổ phiếu HAH của Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An. Cùng chiều, hai cổ phiếu bất động sản “họ Vingroup” là VIC và VHM bị rút ròng lần lượt 42 tỷ đồng và 41 tỷ đồng.

Mã còn lại trong Top5 bán ròng là PVT với quy mô 34 tỷ đồng. Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch tăng lên 4,54% sau khi chạm mức thấp nhất 10 tuần trong tuần trước đó, chỉ số ngành tăng 6,41%, là ngành tăng điểm mạnh nhất thị trường trong tuần.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp

Chiều ngược lại, cổ phiếu FPT được mua ròng nhiều nhất với giá trị 64,8 tỷ đồng. Vừa qua, Hội đồng quản trị FPT vừa thông qua việc tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền mặt tỷ lệ 10% (1.000 đồng/cp). Ngày đăng ký cuối cùng là 25/8. Tương ứng với ngày giao dịch không hưởng quyền là 24/8.

Với 1,097 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính FPT sẽ chi xấp xỉ 1.100 tỷ đồng để thanh toán cổ tức. Ngày dự kiến thực hiện là 12/9.

Với diễn biến phân hóa của cổ phiếu vua, mặc dù bán ròng các mã SHB, khối ngoại vẫn chi tiền gom các cổ phiếu ngân hàng khác như VPB (53,3 tỷ đồng), ACB (49,6 tỷ đồng) và VIB (30,7 tỷ đồng).

Ngoài nhóm công nghệ, ngân hàng, nhà đầu tư nước ngoài cũng gom ròng cổ phiếu của ông lớn ngành thép HPG với quy mô 27,5 tỷ đồng.

Thảo Bùi