|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền cá nhân bán ròng khớp lệnh hơn 3.100 tỷ đồng trên HOSE trong tháng 6, tập trung xả nhóm ngân hàng, hóa chất

11:30 | 01/07/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh thị trường diễn biến tiêu cực, dòng tiền nước ngoài trở lại với vai trò nâng đỡ khi mua ròng gần 2.170 tỷ đồng trên HOSE. Trái ngược với động thái giải ngân của khối ngoại, NĐT cá nhân tiếp tục “tháo chạy” 1.297 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng 3.114 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 6 bằng một phiên giảm sâu và tiếp tục lỡ hẹn với mốc 1.200. Tính chung cả tháng, VN-Index giảm 95,08 điểm, tương đương 7,36% và đóng cửa ở mức 1.197,6 điểm.

Thanh khoản tháng tăng 6% so với tháng trước đó nhưng vẫn giảm 29% so với trung bình 5 tháng gần đây. Theo quan sát, dòng tiền vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa tiếp tục tăng và giữ vị trí dẫn đầu.

Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm dầu khí, điện nước xăng dầu khí đốt, bán lẻ, trong khi giảm ở nhóm bất động sản, ngân hàng và thép.

Diễn biến theo nhóm ngành, ngiảm điểm mạnh nhất trong tháng vừa qua là chứng khoán với tỷ lệ mất giá là 20,4%, tiếp theo là thép giảm 16,8%. Chiều tăng duy nhất ghi nhận cổ phiếu điện, nước & xăng dầu khí đốt.

Trong bối cảnh thị trường diễn biến tiêu cực, dòng tiền nước ngoài trở lại với vai trò nâng đỡ khi mua ròng gần 2.170 tỷ đồng trên HOSE. Trái ngược với động thái giải ngân của khối ngoại, NĐT cá nhân tiếp tục “tháo chạy” 1.297 tỷ đồng trên HOSE, trong đó họ bán ròng khớp lệnh 3.114 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng và hóa chất là tâm điểm bán ròng của cá nhân trong nước

Xét giao dịch theo từng nhóm ngành, xu hướng bán ròng chiếm ưu thế khi nhà đầu tư cá nhân bán ròng tại 12/18 nhóm ngành. Trong đó, NĐT cá nhân chuyển hướng bán ròng đột biến 1.378 tỷ đồng cổ phiếu ngành ngân hàng.

Nối tiếp, lực xả với quy mô hàng trăm tỷ đồng của các cá nhân nội còn tìm đến ngành hóa chất (684 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (683 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (630 tỷ đồng).

Thống kê cho thấy, điện nước xăng dầu khí đốt là nhóm duy nhất tăng điểm trong tháng 6. Trong nhóm này dòng tiền tập trung vào POW, GAS, GEG, NT2, TDM. Cả 5 cổ phiếu này đều tăng trong tháng 6 trong đó GEG tăng mạnh nhất 12%, TMD tăng 10,5%. Toàn bộ 5 cổ phiếu này cũng vẫn tăng trong vòng 1 năm.

Mặt khác, dòng tiền của các cá nhân trong nước còn rút khỏi nhiều nhóm ngành khác như xây dựng & vật liệu (542 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (362 tỷ đồng), bảo hiểm (263 tỷ đồng), công nghệ thông tin (254 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (217 tỷ đồng), dầu khí (184 tỷ đồng),…

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của các doanh nghiệp tài nguyên cơ bản trở thành nhóm thu hút phần lớn lực cầu trong tháng 6 với giá trị hơn 600 tỷ đồng, gần như giảm một nửa so với quy mô rót vốn trong tháng 5. Trong đó, nhóm tài nguyên cơ bản với đại diện là cổ phiếu thép nhìn chung diễn biến kém sắc với chỉ số giá ngành giảm 16,64%. Kế tiếp, lực cầu cá nhân cũng xuất hiện ở nhóm bán lẻ với giá trị 527 tỷ đồng.

Từ nhóm được gom ròng mạnh nhất trong tháng 5, quy mô giải ngân giảm mạnh ở nhóm bất động sản với hơn 475 tỷ đồng. Lực mua cũng phân bổ tại một số ngành khác như dịch vụ tài chính (446 tỷ đồng), du lịch & giải trí (64 tỷ đồng), ô tô & phụ tùng (60 tỷ đồng).

NĐT cá nhân giao dịch nhiều nhất những cổ phiếu nào?

Nổi bật tại chiều mua ròng là giao dịch tại cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Mã này được mua ròng 591,1 tỷ đồng, trái ngược với lực xả gần 550 tỷ đồng từ khối ngoại.

Tháng cuối cùng của quý II tiếp tục là một giai đoạn đáng quên của các cổ đông Hòa Phát khi thị giá HPG về vùng giá thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Cụ thể, mã này có nhịp giảm hơn 15% trong tháng 6, hiện dừng ở mốc 22.300 đồng/cp.

Vừa qua, ông lớn Hòa Phát vừa thông báo đã hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 30%, tức là nhà đầu tư nắm giữ 100 cổ phiếu HPG vào ngày chốt quyền đã được nhận 30 cổ phiếu mới. Ngày kết thúc đợt phát hành là 20/6, ngày dự kiến chuyển giao cổ phiếu là 20/7.

Hòa Phát đã phân phối tổng cộng 1.341.862.994 cổ phiếu HPG cho 167.897 cổ đông. Tập đoàn đã hủy bỏ 13.817 cổ phiếu lẻ theo phương án đã được Đại hội cổ đông và Hội đồng quản trị thông qua trước đó. Sau đợt phát hành, tổng số cổ phiếu HPG đang lưu hành là hơn 5,81 tỷ đơn vị.

Nối tiếp, cổ phiếu NVL của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va được mua ròng 565,4 tỷ đồng. Cũng tại chiều mua, lực cầu được ghi nhận tại loạt bluechips như MWG (540,9 tỷ đồng), VIC (528,5 tỷ đồng), SSI (184,2 tỷ đồng).

Hoạt động giải ngân vào các chứng chỉ quỹ cũng diễn ra sôi động khi FUEVFVND và E1VFVN30 được mua ròng với giá trị lần lượt là 228,7 tỷ và 145,4 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Chiều giao dịch ngược lại, DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP dẫn đầu danh mục bán ròng với 729 tỷ đồng. Giao dịch ngược chiều với các cá nhân, đây là cổ phiếu được bộ phận tự doanh công ty chứng khoán và NĐT nước ngoài tích cực gom mua.

Nửa đầu năm 2022, DPM ước tính tiêu thụ 400 nghìn tấn ure với 160 nghìn tấn cho xuất khẩu. Theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt, sản lượng nội địa đã giảm mạnh và nhiều khả năng đến từ giá ure ở mức cao. Trong khi đó, mảng NPK ghi nhận tiêu thụ 85 nghìn tấn, tăng so với cùng kỳ.

VDSC cho rằng lợi nhuận trong nửa cuối năm 2022 của DPM sẽ giảm dần với nhu cầu tiêu thụ nội địa yếu và giá bán thấp hơn đầu năm. Điểm tích cực của DPM là khả năng chi trả cổ tưc tiền mặt cao với 5.000 đồng/cp cho 2021 và 5.000 đồng/cp cho 2022. Hiện công ty đã ứng trước 1.000 đồng/cp.

Trở lại với giao dịch của các NĐT cá nhân, cổ phiếu GAS của PV Gas cũng được gom ròng 612,7 tỷ đồng.

Phía mua ròng còn có sự góp mặt của các đại diện ngành bán lẻ , ngân hàng như MSN (542,8 tỷ đồng), CTG (532,5 tỷ đồng), STB (411,6 tỷ đồng), HDB (273 tỷ đồng). Cùng chiều, lực mua với giá trị dưới 300 tỷ đồng phân bổ tại các mã VGC, NLG, DCM và FPT.

Thu Thảo

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.