Dòng tiền 'băn khoăn'
Thị trường chứng khoán cũng có không ít những giai đoạn vàng son, khiến người người, nhà nhà lên sàn vì đơn giản “cứ mua là thắng”! Ảnh minh họa Thành Hoa.
Với người Việt Nam, giai đoạn trước năm 2000 thì tiền nhàn rỗi của người dân chủ yếu cất trữ vào kênh vàng và nhà đất. Nhưng kể từ sau năm 2000 trở đi, với việc hệ thống tài chính ngày càng phát triển, các ngân hàng thương mại cổ phần được thành lập ồ ạt, đua nhau “khoe sắc” thì người dân đã có nhiều sự lựa chọn hơn, qua việc bỏ tiền nhàn rỗi vào kênh tiết kiệm ngân hàng, vừa an toàn vừa đạt được mức sinh lời nhất định hàng năm.
Tất nhiên, kênh tiền gửi ngân hàng cũng có giai đoạn trải qua thử thách khi sức mua của tiền đồng sụt giảm mạnh do lạm phát tăng nhanh như những năm 2008-2011 nhưng về cơ bản, lãi suất tiền đồng lúc đó đã tăng đủ mức bù trừ cho lạm phát nên dòng tiền vẫn ở lại trong hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh kênh tiết kiệm, sự ra đời và phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) cũng mang đến một lựa chọn mới cho người có tiền nhàn rỗi. Đó là kênh cổ phiếu với bảng điện xanh đỏ hàng ngày. Nhớ lại thì dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng TTCK cũng có không ít những giai đoạn vàng son, khiến người người, nhà nhà lên sàn vì đơn giản “cứ mua là thắng”!
Thời gian trôi qua, mỗi kênh đầu tư đều đã có lúc thịnh lúc suy, thậm chí ngày càng phải cạnh tranh với các kênh đầu tư mới ra đời. Có thể hình dung tổng nguồn vốn tiết kiệm trong nền kinh tế như một chiếc bánh.
Chiếc bánh này liên tục “nở” ra song hành cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và thu nhập của các hộ gia đình nói riêng. Việc tổng tiết kiệm được phân bổ vào kênh trung gian tài chính nào cũng giống như việc “chia bánh”.
Ở thời điểm hiện tại, “bánh” chủ yếu được chia thành các “phần” như: bất động sản, gửi tiết kiệm ngân hàng, vàng, ngoại tệ, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp với tỷ trọng mỗi phần liên tục thay đổi, tùy theo định hướng chính sách và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư trong từng thời kỳ.
Xác định “độ lớn” của mỗi phần bánh nhằm tối ưu hóa lợi ích cho người có tiền nhàn rỗi đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về kinh tế vĩ mô cũng như đặc thù từng lĩnh vực đầu tư cụ thể.
Đơn cử như từ đầu năm 2019 đến nay, chỉ số VN-Index vẫn có mức tăng trưởng gần 10% so với cuối năm 2018 nhưng mức độ phân hóa là rất lớn. Khả năng chọn đúng cổ phiếu để đạt được mức tăng bằng thị trường nói chung là rất khó, ngay cả không ít các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, sừng sỏ trên TTCK Việt Nam hàng chục năm nay cũng vẫn “underperform” VN-Index, tức có mức tăng thấp hơn chỉ số chung.
Một số cổ phiếu có mức tăng tính bằng lần nhưng số này chỉ tính trên đầu ngón tay đi kèm thanh khoản thấp nên không phải ai cũng mua được. Chưa kể đầu tư vào cổ phiếu lúc nào cũng lo ngay ngáy rủi ro, hết kinh tế toàn cầu suy giảm lại đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Kênh bất động sản thì lúc “nóng” lúc “lạnh”, nhất là phân khúc đất nền ở các địa phương có thông tin thành lập “đặc khu hành chính”. Mới tháng trước có khi còn được môi giới hứa hẹn mức lãi hàng chục phần trăm, đến tháng sau có khi muốn bán cũng không được vì thị trường mất thanh khoản.
Chưa kể định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là siết cho vay các lĩnh vực không ưu tiên, trong đó có bất động sản và cho vay tiêu dùng, khiến tâm lý sốt đất sốt nhà cũng hạ nhiệt nhanh chóng.
Với vàng và ngoại tệ thì mức độ quan tâm của dòng tiền ngày càng nguội lạnh. Phải nói là NHNN đã khá thành công trong việc khiến người dân “chán” cả vàng lẫn ngoại tệ. Mặc cho giá vàng thế giới tăng phi mã, thị trường vàng trong nước vẫn trong bầu không khí ảm đạm, cung vượt cầu, thậm chí nhiều người tích trữ vàng từ trước còn tranh thủ lúc giá tăng để bán ra.
Đã rất lâu rồi không còn thấy phố vàng Trần Nhân Tông ở Hà Nội nườm nượp người mua như các đợt sốt vàng trước năm 2010. Tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ lại gần như đi ngang. Giới đầu cơ từng mong ngóng nhân dân tệ lao dốc trên thị trường thế giới thì giá đô la Mỹ trong nước sẽ nổi sóng. Nhưng không, tiền đồng không những không giảm giá theo nhân dân tệ mà thậm chí đôi lúc còn tăng giá nhẹ so với đô la Mỹ.
Nguồn cung ngoại tệ dồi dào nhờ cán cân thanh toán thặng dư cùng sự thận trọng của NHNN trong việc không để tiền đồng mất giá mạnh nhằm tránh rủi ro Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ đã giúp tiền đồng trụ vững trước đà lao dốc của nhân dân tệ.
Với kênh tiết kiệm, lãi suất huy động tiền đồng dường như đang đi ngược với xu hướng cắt giảm lãi suất chung trên toàn cầu khi liên tục tăng từ đầu năm 2019 đến nay. Sự phân hóa trong thanh khoản hệ thống và những vấn đề liên quan đến cấu trúc vốn nhằm đáp ứng các quy định về tỷ lệ an toàn vốn đã khiến cho mặt bằng lãi suất tại Việt Nam chưa thể giảm.
Chưa kể sự nổi lên của kênh trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất cao trong thời gian gần đây đã khiến cho sức hấp dẫn của kênh tiết kiệm ngân hàng có phần giảm bớt. Tất nhiên, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Trái phiếu doanh nghiệp đang tiềm ẩn nhiều rủi ro mà các nhà đầu tư cá nhân có thể chưa lường hết được khi rót vốn vào đây.
Quay trở lại với câu hỏi ở phần đầu, trong bối cảnh không có kênh đầu tư nào có sức hấp dẫn vượt trội như hiện nay, tôi vẫn thường khuyên những người tham vấn ý kiến của mình là nên “bỏ trứng” vào nhiều “giỏ”.
Nhưng dù là “giỏ” nào thì cũng phải ý thức được mức độ rủi ro cũng như phải thật am hiểu cái “giỏ” mình bỏ trứng vào. Đừng nhắm mắt đưa chân theo tâm lý bầy đàn, để rồi có ngày rơi vào tình thế “tham bát bỏ mâm”.