Đông Nam Á nỗ lực duy trì tăng trưởng trong quý cuối năm 2017
Thủ đô Jakarta của Indonesia vào ban đêm. Nguồn: TIME/Getty Images. |
6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á tăng tốc trong quý III vừa qua nhờ tình hình xuất khẩu khả quan. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu đáng lo ngại, như tiêu dùng cá nhân sụt giảm tại Indonesia,...
Động lực tăng trưởng của nền kinh tế Thái Lan đang ở thời điểm sung sức nhất trong nhiều năm trở lại đây, thậm chí sẽ tốt hơn trong năm tới, ông Porametee Vimolsiri, Tổng thư ký Văn phòng Ủy ban Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia của Thái Lan, ngày 20/11 cho biết.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý III tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ quý I/2013. Xuất khẩu hàng hóa tăng 12,5%, trong đó xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp tăng 28,4%.
Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang phát triển (G20), trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu (EU), được dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng trong năm nay. Và Đông Nam Á đang hưởng lợi từ dự báo lạc quan này.
Tại Việt Nam, GDP quý III tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2016 và cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 6 năm qua. Samsung Electronics, công ty đóng góp 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, ghi nhận doanh số điện thoại thông minh và linh kiện tăng vọt 45,5% trong quý III so với con số 23,5% quý trước đó.
Xuất khẩu của Malaysia tăng hơn 20%, trong khi tiêu dùng cá nhân cũng ghi nhận tăng trưởng. Một trung tâm thương mại gần thủ đô Kuala Lumpur do công ty bất động sản Mitsui Fudosan (Nhật Bản) điều hành ghi nhận tăng trưởng doanh số hai con số trong năm nay. Thú vui mua sắm vẫn rất phổ biến trong giới trung lưu Malaysia. Xuất khẩu tăng giúp lợi nhuận doanh nghiệp, tỷ lệ người có việc làm và thu nhập đồng loạt tăng theo.
Hãng tư vấn Capital Economics của Anh cho biết tốc độ tăng trưởng sẽ duy trì “vừa phải” và nâng dự báo tăng trưởng của Malaysia trong năm tới từ 4,5% lên 5,5%. Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo áp lực lạm phát và nợ hộ gia đình ở mức cao có thể kìm hãm chi tiêu cá nhân.
Tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại?
Tại một số quốc gia, tiêu dùng cá nhân đang chững lại. Indonesia, nước đóng góp gần 2/5 tổng GDP của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ghi nhận doanh số bán lẻ trong tháng 9 chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng hai con số trong cả năm 2016. Trong khi đó, GDP của nước này trong quý III tăng 5,06% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng không đáng kể so với mức 5,01% trong hai quý đầu năm.
Kinh tế Philippines tăng trưởng 6,9% trong quý III dù tiêu dùng cá nhân tăng chậm lại. Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao khiến người tiêu dùng Philippines thắt chặt hầu bao, ông Ernesto Pernia, Thư ký Hoạch định Chính sách Kinh tế Xã hội nước này, cho biết.
“Chúng ta có thể thấy tiêu dùng cá nhân tăng lên khi mùa lễ hội cuối năm đang đến gần”, ông Pernia cho biết. Người dân Philippines thường mạnh tay chi tiêu vào dịp Giáng sinh do có nhiều chương trình giảm giá và khuyến mãi hấp dẫn.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 19/11 cho biết đà đi lên hiện nay là một phần của vòng tuần hoàn kinh tế và nhấn mạnh rằng một cuộc cải cách cơ cấu kinh tế là cần thiết để duy trì tăng trưởng.
Singapore đang xây dựng kế hoạch tăng trưởng cho từng ngành công nghiệp chủ lực để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bằng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo.
Các nền kinh tế trong khu vực đang đối mặt với một vấn đề chung – “nuôi dưỡng” tăng trưởng khi nền kinh tế vẫn đang vận hành ổn định.
Việt Nam, Indonesia, Philippines trong cuộc đua xây dựng tàu điện ngầm để giải quyết tắc nghẽn giao thông
Theo Nikkei Asia Review, Manila, Jakarta và TP HCM đầu tư rất lớn cho hệ thống giao thông mới. |