|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đông Âu: Thị trường chục tỉ USD còn nhiều dư địa, nhưng không ít rào cản cho xuất khẩu Việt Nam

11:29 | 10/05/2019
Chia sẻ
Doanh nghiệp Việt Nam tìm cơ hội, đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như hàng dệt may, da giày, nông sản, sang khu vực Đông Âu.

Đông Âu, thị trường giao thương chục tỉ USD còn rất nhiều dư địa

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Đông Âu: Thúc đẩy xuất khẩu nông sản, dệt may và da giày Việt Nam vào các nước Đông Âu trong tình hình mới do Bộ Công Thương tổ chức ở TP HCM ngày 8/5.

Đánh giá dung lượng thị trường Đông Âu, bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, cho biết, thị trường các nước khu vực Đông Âu còn rất nhiều tiềm năng. Chẳng hạn, với thị trường Liên bang Nga, trong 3 tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Liên bang Nga đạt 1,13 tỉ USD, tăng 10,65% so với cùng kì năm 2018. 

Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga đạt 680,9 triệu USD, tăng 25,3% so với cùng kì năm 2018; riêng với dệt may, xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 136 triệu USD, tăng trưởng ở mức 13%/năm.

Còn theo số liệu của Hải quan Việt Nam năm 2018, tổng kim ngạch thương mại hai giữa Việt Nam với các nước khu vực Đông Âu đạt 10,1 tỉ USD (tăng 30,53% so với năm 2017), trong đó xuất khẩu đạt 6,5 tỉ USD (tăng 28,67%) và nhập khẩu đạt 3,6 tỉ USD (tăng gần 33,97%).

Đông Âu: Thị trường chục tỉ USD còn nhiều dư địa, nhưng không ít rào cản cho xuất khẩu Việt Nam - Ảnh 1.

Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Đông Âu: Thúc đẩy xuất khẩu nông sản, dệt may và da giày Việt Nam vào các nước Đông Âu trong tình hình mới do Bộ Công Thương tổ chức ở TP HCM ngày 8/5. Ảnh: Như Huỳnh

Khu vực Đông Âu gồm 25 nước từ lâu vốn là thị trường xuất khẩu truyền thống của hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt, các mặt hàng như dệt may và da giày, nông sản luôn được coi là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Đông Âu. 

Đặc biệt, trong khu vực này, Việt Nam đã có Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á – Âu gồm 5 nước: Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. 

Trong khi đó, Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do EVFTA và đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để tiến tới kí kết và phê chuẩn. 

8 nước trong khu vực Đông Âu đã gia nhập Liên minh Châu Âu gồm Ba Lan, Séc, Rumani, Bungary, Hungary, Slovakia, Slovenia và Croatia sẽ là những thị trường tiềm năng, tiếp tục góp phần quan trọng trong tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với khối EU.

Có thể nói, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Liên minh châu Âu và Liên minh kinh tế Á - Âu được kì vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc gỡ bỏ các hàng rào thương mại giữa Việt Nam với các nước trong các quốc gia châu Âu nói chung, khu vực Đông Âu nói riêng và tăng cường hơn nữa cơ hội xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ giữa Việt Nam và các nước khu vực Đông Âu.

Đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sảnrau củ quảnông sản chế biến, hàng điện tử và linh kiện điện tử, dệt may và da giày…

Doanh nghiệp gặp nhiều rào cản khi tăng thị phần

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, mặc dù giữa Việt Nam và các nước khu vực Đông Âu đã hình thành cơ sở vững chắc để phát triển hợp tác song phương gồm 14 Ủy ban liên Chính phủ, 1 cơ chế Tham vấn hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam và Ba Lan và Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á – Âu.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với khối Đông Âu vẫn còn rất khiêm tốn, đạt khoảng 6,5 tỉ USD trong năm 2018, tức là mới chiếm khoảng gần 3% xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Đông Âu: Thị trường chục tỉ USD còn nhiều dư địa, nhưng không ít rào cản cho xuất khẩu Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Như Huỳnh.

Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cùng nhận định: "Thị trường khu vực Đông Âu là khu vực có GDP đang phát triển và thị hiếu tiêu dùng chưa quá khắt khe, là cơ hội để doanh nghiệp Việt nghiên cứu để thâm nhập thị trường. Nhưng chúng ta phải cải thiện nâng cao chất lượng hàng hóa vào thị trường này".

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, hàng hóa qua thị trường còn nhiều khó khăn, đó là chưa kể đến việc doanh nghiệp gặp nhiều rào cản về văn hóa kinh doanh, cách thức kinh doanh, am hiểu thị trường khi vào khu vực Đông Âu. 

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM cho hay hiện có khoảng 20 doanh nghiệp dệt may của TP HCM xuất khẩu sang Đông Âu nhưng số lượng xuất đi rất nhỏ do thủ tục thanh toán, doanh nghiệp khó mở L/C…

Còn với các doanh nghiệp da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, các chính sách và điều khoản xuất khẩu hàng hóa vào Đông Âu nói chung và Nga nói riêng còn khắt khe. 

Hệ thống logistics phục vụ giao thương với khu vực này chưa tốt, hệ thống phân phối hàng hóa chưa hiệu quả. Đặc biệt, kênh thanh toán còn phức tạp nên nhiều doanh nghiệp dù hoàn thành hết các thủ tục vẫn ngưng xuất khẩu vì thanh toán khó khăn, anh Xuân dẫn chứng.

Đông Âu: Thị trường chục tỉ USD còn nhiều dư địa, nhưng không ít rào cản cho xuất khẩu Việt Nam - Ảnh 3.

Dệt may là một trong những ngành hàng triển vọng để tăng thị thị phần tại khu vực Đông Âu. Ảnh: Như Huỳnh

Từ các khó khăn trên, doanh nghiệp đề xuất cần có những cuộc kết nối hai bên để doanh nghiệp Việt biết thị trường này cần những sản phẩm gì, cụ thể ra sao và qua đó đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp… Ngoài ra, Bộ Công Thương cần hỗ trợ xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm, theo từng nhóm lĩnh vực ngành hàng để doanh nghiệp tìm hiểu cụ thể.

Theo đó, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, Bộ Công Thương luôn mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các nước trong khu vực, tổ chức thường xuyên hơn nữa các hoạt động nhằm tăng cường sự kết nối giữa Việt Nam và khu vực Đông Âu.

Như Huỳnh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.