|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tận dụng FTA để duy trì tăng trưởng xuất khẩu

07:49 | 08/05/2019
Chia sẻ
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2019 đạt 78,76 tỷ USD, chỉ tăng 5,8% - đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. “Phải chăng xuất khẩu đang bước vào giai đoạn hụt hơi?” là câu hỏi được Báo Đầu tư đặt ra với ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê).
Tận dụng FTA để duy trì tăng trưởng xuất khẩu - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê).

Trong khi 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu tăng tới 19%, thì cùng kỳ năm 2019 chỉ tăng 5,8%. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thưa ông, phải chăng hoạt động xuất khẩu đã có sự hụt hơi?

Tăng trưởng xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2018 là do kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2018 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2013. Năm nay, tốc độ tăng trưởng thấp, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 78,76 tỷ USD, cao hơn gần 5 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018.

Ngoài ra, trong số 16 mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD, chiếm trên 81% tổng kim ngạch xuất khẩu, có nhiều mặt hàng có tốc độ tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ. Đặc biệt, mặt hàng điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất (16 tỷ USD), chiếm 20,4% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, nhưng giảm 0,2%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 36,8%.

Quy mô xuất khẩu của Việt Nam hiện tại đã khá cao (năm 2019 ước đạt 263-268 tỷ USD), chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch ngày càng lan rộng, nên đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao như những năm trước đây là rất khó.

Để duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu hợp lý, phải tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA); tăng cường đàm phán cấp Chính phủ trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại; tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp kháng kiện trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới. Ngoài ra, các cơ quan hữu quan phải tăng cường kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng hóa để chống gian lận thương mại; xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu nhằm phân tán rủi ro.

Xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2018 của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,4%, song năm nay chỉ tăng 4%. Vì sao vậy, thưa ông?

Nguyên nhân chính là tốc độ kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực mà khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao tăng trưởng thấp, thậm chí giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, mặt hàng điện thoại và linh kiện của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm khoảng 97% kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay) giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, nhu cầu chi tiêu giảm. Thưa ông, trong bối cảnh nhu cầu của thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 này giảm, liệu năm nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt tối thiểu 10% như nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ đặt ra?

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay giảm 5,8%, nhưng bù lại, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam 4 tháng đầu năm nay tăng tới 28,4% (cùng kỳ tăng 12,7%). Tại các thị trường chủ lực khác như EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm nay không bằng năm ngoái, nhưng vẫn giữ được đà tăng trưởng. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng 7-8% như mục tiêu Quốc hội đặt ra nhiều khả năng thực hiện được.

Bên cạnh đó, đã có nhiều yếu tố xuất hiệu báo hiệu xuất khẩu sẽ khả quan trong những tháng còn lại của năm 2019.

Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu) rất khả quan; các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác như dệt may, giày dép, gỗ và các sản phẩm gỗ… đang trên đà tăng trưởng mạnh. Hàng thủy sản có tín hiệu khả quan nhờ việc Việt Nam tích cực khắc phục sự cố “thẻ vàng” từ EU; xuất khẩu cá tra, tôm kỳ vọng tăng trưởng tốt nhờ việc nước nhập khẩu cắt giảm thuế quan.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu tối thiểu 10% như nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ đặt ra là rất khó. Theo tôi, cần có các giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, trong đó phải quan tâm hơn nữa thị trường ASEAN; tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất - nhập khẩu để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và những biện pháp bảo hộ không phù hợp với cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết trong các FTA.

Việt Nam đang thực thi 12 FTA. Theo ông, đây có phải là cơ hội để Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 7-8%/năm trong giai đoạn tới?

Xuất khẩu của Việt Nam vào các nước ký FTA vẫn duy trì xu hướng tăng, nhưng mức độ thâm hụt cán cân thương mại ngày càng gia tăng do nhập khẩu từ các nước ký kết FTA có xu hướng tăng cao hơn xuất khẩu. Điều này cho thấy, thực thi FTA vừa đem lại cơ hội là đẩy mạnh xuất khẩu, vừa đem lại thách thức là nhập khẩu tăng theo, khiến hàng hóa sản xuất trong nước phải cạnh tranh ngay trên sân nhà với hàng nhập khẩu từ thị trường FTA với giá cả, chất lượng, mẫu mã, dịch vụ hậu mãi phần nhiều là tốt hơn hàng sản xuất trong nước. Khái niệm “sân nhà” vốn là lợi thế của doanh nghiệp nội địa sẽ mờ dần và biến mất khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết FTA.

Nhưng Việt Nam có thể tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan nhờ FTA đem lại. Muốn vậy, trước hết, hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng tốt các điều kiện về xuất xứ, rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ từ thị trường nhập khẩu. Rất mừng là Việt Nam có rất nhiều mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu đã đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… và các điều kiện về sản xuất, xuất xứ, bảo vệ môi trường của các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Mạnh Bôn

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.