Chủ tịch Hiệp hội dệt may: Cần phát triển các khu công nghiệp để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm
Quy hoạch ngành dệt may hiện nay không còn phù hợp
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019, ông Vũ Đức Giang Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết ngành dệt may Việt Nam trong năm 2018 đạt được kim ngạch xuất khẩu 36,2 tỉ USD và phấn đấu trong năm 2019 đạt 40 tỉ USD.
Ông Giang cho biết động lực, đồng thời xương sống của ngành dệt may Việt Nam là các Hiệp định Thương mại tự do. Trong bối cảnh đó, dệt may Việt Nam thực hiện các giải pháp mang tính chiến lược.
Theo Chủ tịch Hiệp hội dệt may, vướng mắc đầu tiên mà ngành đang mắc phải là quy hoạch ngành đến năm 2020 đạt xuất khẩu 20 tỉ USD, nhưng đến nay kim ngạch xuất khẩu đã gấp đôi. Ông Giang cho rằng, quy hoạch này không còn phù hợp nữa và cần giải pháp để khác phục vấn đề thiếu hụt nguồn cung.
"Do đó, cần định hình giải pháp chiến lược giai đoạn 2035 - 2040; chính sách thuế VAT với các dự án đầu tư cần hợp lý hơn để khuyến khích đầu tư của các doanh nghiệp vào phần cung thiếu hụt. Ngoài ra, Việt Nam đang phải nhập khẩu cực lớn phần cung thiếu hụt", ông Giang cho biết.
Đại diện Hiệp hội Dệt may cho hay trong khối CPTPP, sản xuất phần cung cho doanh nghiệp không nhiều, điều này buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ các nước không nằm trong khối CPTPP. Trong ngắn hạn điều này có thể chấp nhận được nhưng về dài hạn cần phải chủ động.
"Chúng ta cần phát triển các khu công nghiệp để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm. Quốc hội nên xem xét lại luật hiệp hội bởi đây là doanh nghiệp chứ không phải tổ chức. Liên quan đến vai trò của Chính phủ trong chiến lược phát triển nguồn lực, cần đào tạo đội ngũ kỹ sư ngành hoá nhuộm vì chúng ta đang rất thiếu", ông Giang đề xuất.
Bộ Công Thương tháo gỡ điểm nghẽn về dệt nhuộm
Theo Bộ Công Thương, ngành dệt may, da giày trong quí I tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt.
Vào thời điểm cuối năm 2018, đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất cho 6 tháng đầu, thậm chí cả năm 2019.
Dòng vốn đầu tư đổ vào ngành dệt may trong những năm gần đây cũng đã và đang dần hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may trong nước, từ đó tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn.
Chỉ số sản xuất ngành dệt tính chung 3 tháng tăng 10,2% so với cùng kì năm 2018. Chỉ số sản xuất trang phục tăng 10,3% so với cùng kì năm 2018.
Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng như vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 136,1 triệu m2, tăng 8,8% so với cùng kì; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 265,8 triệu m2... Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 7,3 tỉ USD, tăng 13,3% so với cùng kì.
Bên cạnh đó, sản xuất và xuất khẩu của ngành da giày tiếp tục đạt tăng trưởng. Sản lượng giầy, dép da 3 tháng đầu năm ước đạt 62,9 triệu đôi, tăng 11,7%. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 3,97 tỉ USD, tăng 15,3%.
Định hướng phát triển ngành dệt may, da giày, Bộ Công Thương cho biết thời gian tới Bộ sẽ nhanh chóng hoàn thiện Chiến lược phát triển ngày dệt may Việt Nam phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế để tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, cũng như phù hợp với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Dự kiến, chiến lược này sẽ được ban hành trong năm 2019.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng các giải pháp xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm dệt may Việt Nam tại Mỹ và các thị trường quốc tế, chuẩn bị nguồn hàng hóa nhằm khai thác có hiệu quả các thị trường khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2019.
Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương tháo gỡ điểm nghẽn về dệt nhuộm, khuyến khích phát triển sản xuất vải, gia tăng giá trị sản xuất trong nước đối với các mặt hàng dệt may.
Bộ thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, liên kết các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may, tăng dần tỉ lệ nội địa hóa, đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan; đồng thời chú trọng khâu thiết kế mẫu mã, phát triển thương hiệu và hệ thống phân phối nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa, tăng trưởng xuất khẩu.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, nếu không cải thiện được chuỗi cung ứng trong dệt may, chúng ta sẽ thua thiệt vì CPTPP bao gồm ba công đoạn của dệt may.
"Nếu không có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) chúng ta sẽ thua thiệt. Sắp tới chúng ta sẽ gia tăng nội địa hóa, tăng giá trị gia tăng, chủ động nguồn cung. Hiện tại, Bộ Công Thương đã cso chiến lược phát triển ngành dệt may da dày đến năm 2030 và dự kiến trình chính phủ trong trong quý 3", Bộ trưởng cho biết.