Đòn giáng vào ngành chế tạo chip bán dẫn của Trung Quốc
Với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thiết bị quốc tế, cả tiến trình phát triển của tập đoàn sản xuất chip bán dẫn SMIC và toàn bộ ngành chế tạo chip bán dẫn của Trung Quốc đều sẽ bị ảnh hưởng.
Tập đoàn sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Trung Quốc SMIC xác nhận đã bị Mỹ áp dụng lệnh hạn chế xuất khẩu.
Có báo cáo nghiên cứu nhận định tác động của lệnh trừng phạt nhằm vào SMIC thậm chí còn lớn hơn so với những gì Mỹ làm đối với hai “ông lớn” công nghệ khác của Trung Quốc là hãng viễn thông Huawei và hãng sản xuất mạch tích hợp JHICC.
Ngày 4/10 vừa qua, SMIC thông báo sau một thời gian tham vấn và thảo luận với nhiều nhà cung cấp được biết Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã chuyển công văn tới một số nhà cung cấp yêu cầu hạn chế xuất khẩu cho SMIC một số thiết bị, phụ kiện và nguyên vật liệu theo đúng quy định của Lệnh Hạn chế xuất khẩu của chính phủ Mỹ.
Điều đó có nghĩa những nhà cung cấp này phải xin giấy phép xuất khẩu từ chính phủ để tiếp tục cấp hàng hóa trong danh mục cho SMIC.
Thông cáo cho biết thêm, SMIC đã trao đổi sơ bộ với Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ và sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của phía Mỹ, đồng thời đang đánh giá ảnh hưởng của lệnh hạn chế xuất khẩu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Do việc giao hàng những thiết bị, phụ kiện và nguyên, nhiên liệu từ Mỹ bị kéo dài hoặc chưa xác định được chính xác thời gian, cho nên việc này có thể ảnh hưởng bất lợi lớn đối với sản xuất kinh doanh trong tương lai của công ty.
Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường TrendForce, hiện nay vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đang đứng đầu thế giới, chiếm 65% thị phần trên thị trường gia công chế tạo chip bán dẫn, kế đó là Hàn Quốc với 16% thị phần và Trung Quốc chỉ vẻn vẹn 6% thị phần.
Trong đó, SMIC chiếm khoảng 4% thị phần trên thị trường gia công chế tạo chip bán dẫn, đứng thứ năm thế giới, nhưng đứng đầu Trung Quốc. SMIC cũng là hãng công nghệ duy nhất của Trung Quốc có thể chế tạo chip bán dẫn có kích thước dưới 14 nm tương đối chính xác.
Tờ Economic Journal dẫn báo cáo của TrendForce cho biết thêm SMIC đang đóng vai trò đầu tàu trong ngành chế tạo chip bán dẫn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, SMIC hiện nay phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về nguồn cung thiết bị, phụ kiện và nguyên, nhiên liệu đầu vào. Lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ sẽ giáng đòn nghiêm trọng vào kỳ vọng tự chủ sản xuất thiết bị bán dẫn của Trung Quốc.
Các hãng công nghệ Trung Quốc hiện vẫn có thể dựa vào thiết bị tự sản xuất trong nước để chế tạo chip bán dẫn có kích thước trên 90 nm bởi lệnh hạn chế xuất khẩu lần này chủ yếu nhằm vào việc phát triển chip bán dẫn có kích thước dưới 90 nm.
Tuy trong ngắn hạn, SMIC vẫn có thể dựa vào dây chuyền hiện có để duy trì sản xuất, nhưng trong tương lai sẽ phải đối mặt với khó khăn từ việc không thể mua thêm máy móc để mở rộng sản xuất.
Kế hoạch chế tạo chip bán dẫn tiên tiến có kích thước dưới 14 nm và mở rộng sản xuất chip bán dẫn có kích thước trên 28 nm e rằng cũng bị chậm chễ. Ngoài ra, để giảm rủi ro, khách hàng ngoài Trung Quốc cũng chuyển đơn hàng mua chip bán dẫn cho các hãng không phải của Trung Quốc.
Nói cách khác tác động của việc Mỹ chặn nguồn cung hàng hóa thiết yếu đối với SMIC có thể còn lớn hơn cả những gì Mỹ làm đối với Huawei và JHICC.
Mặc dù những năm gần đây, các nhà máy sản xuất thiết bị của Trung Quốc đã sớm bắt tay hợp tác với các hãng chế tạo chip bán dẫn trong nước, nhưng tốc độ phát triển của các nhà sản xuất thiết bị của Trung Quốc vẫn rất chậm so với các nhà sản xuất quốc tế lớn.
Cho nên, nếu trong tương lai thiếu hụt nguồn cung thiết bị quốc tế, không chỉ tiến trình phát triển của SMIC sẽ bị cản trở, mà toàn bộ ngành chế tạo chip bán dẫn của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng.
Để khắc phục khó khăn trước mắt, theo trang web công nghệ TechWeb của Trung Quốc, SMIC đang tích trữ các thiết bị sản xuất then chốt và linh kiện thay thế quan trọng. Thậm chí, SMIC còn hợp tác với các hãng chế tạo chip bán dẫn khác của Trung Quốc xây dựng kho thiết bị dự trữ cùng chia sẻ.
Nguồn tin của TechWeb cho hay, mấy tháng gần đây SMIC đã mua rất nhiều thiết bị chế tạo từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản gồm máy khắc bằng axit, máy rửa màng film… nhằm duy trì vận hành sản xuất kinh doanh. Quy mô mua sắm đều vượt quá khối lượng sử dụng cho cả năm.