|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Đón dòng vốn ngoại, vị thế doanh nghiệp logistics nội đang ở đâu?

06:26 | 19/07/2019
Chia sẻ
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển sản xuất sang Việt Nam ngày càng nhiều, đã làm lĩnh vực logistics trở nên sôi động hơn.

"Ông lớn" đổ vốn vào logistic

Theo báo cáo điều tra Chỉ số hoạt động logistics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước điều tra, tăng 25 bậc so với xếp hạng 64 năm 2016.

Với lợi thế có nhiều cảng biển, ngành logistics được chính phủ đề ra mục tiêu đến 2025 sẽ đóng góp 8-10% GDP, với tốc độ tăng trưởng 15-20% mỗi năm.

Nắm bắt cơ hội này, sau một thời trầm lắng, vào đầu tháng 7, một công ty con của tập đoàn Nhật Bản Sumitomo đã bỏ ra gần 40 triệu USD để mua 10% của CTCP Gemadept (Mã: GMD)

Theo tờ Nikkei Asia Review, thông qua thương vụ trên, Sumitomo muốn xây dựng một hệ thống logistics kết nối các nhà máy với các bến cảng để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Cùng với việc mua lại cổ phần tại Gemadept, Sumitomo sẽ phát triển một ứng dụng trên điện thoại di động cho phép các lái xe container đăng kí trước thời gian bốc dỡ hàng tại các cảng và xử lý các công việc giấy tờ khác.

Sumitomo ước tính, nếu tất cả xe tải chở hàng trên cả hai chiều cho chuyến đi 150 km giữa Hà Nội và Hải Phòng, quá trình này có thể tiết kiệm 18 triệu USD mỗi năm.

Khoảng 14 triệu container gồm hàng hóa và vật phẩm tương đương được vận chuyển ra và vào Việt Nam hàng năm. Với tốc độ tăng trưởng 7%, con số dự kiến sẽ đạt 23 triệu container vào năm 2025.

"Nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, số lượng container được xử lí sẽ còn tăng hơn nữa", Nikkei Asian Review dẫn nguồn tin của Sumitomo.

Cũng đón sóng logistics, Tập đoàn đa quốc gia Symphony International Holdings mới đây đã quyết định mua lại 28,6% vốn của CTCP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (Indo Trans Logistics Corporation - ITL Corp) từ Singapore Post.

Giá trị của thương vụ rơi vào khoảng 42,6 triệu USD, tương ứng định giá công ty logistics này ở mức xấp xỉ 150 triệu USD.

Giám đốc Symphony, ông Anil Thadani cho biết, Chiến lược của ITL phù hợp với chiến lược của Tập đoàn, tức đầu tư vào các doanh nghiệp được hưởng lợi khi tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở châu Á.

"Chúng tôi đã xem xét một số cơ hội tại Việt Nam trong những năm qua, và ITL đáp ứng các tiêu chí chúng tôi muốn đầu tư với đội ngũ quản lí mạnh cũng như có vị thế, hệ thống hưởng lợi trực tiếp từ sự tăng trưởng trong khu vực", ông Anil Thadani nói.

Symphony hiện đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh doanh như chăm sóc sức khỏe, khách sạn, bất động sản chủ yếu tại khu vực châu Á.

Ngành logistics tăng trưởng cao, doanh nghiệp nội đang ở đâu?

Hoạt động logistics đang tăng trưởng nhanh về qui mô, đặc biệt là tăng trưởng lưu vận hàng hàng hóa, nhưng theo đánh giá của WB, so với nước ngoài thì các doanh nghiệp nội vẫn khai thác hết được tiềm năng của ngành này khi mới chỉ đáp ứng dưới 25% nhu cầu logistics.

gh-89

Nguồn: Vietnam Marine Administration, Saigon Newport Corp.

Hiện Việt Nam đang có hơn 1.200 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics, trong đó 70% là công ty nhỏ và trung bình. Thị phần của các công ty trong nước chỉ chiếm khoảng 20-25%, trong khi 30% công ty logistics đa quốc gia tại Việt Nam chiếm 75-80% thị phần.

Báo cáo phân tích mới đây của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) cũng cho biết, phần lớn các công ty logistics của Việt Nam là nhà cung cấp 2PL (logistics một phần, chủ hàng thuê một phần dịch vụ logistics).

Mô hình này khác với thị trường phát triển khi nhà cung cấp 3PL (logistics thuê ngoài, dịch vụ logistics được bên thứ ba cung cấp, nhưng đơn lẻ) và nhà cung cấp dịch vụ quản lí chuỗi cung ứng chiếm đa số.

Theo HSC, cơ cấu các loại hình vận tải ở Việt Nam mất cân đối khi vận tải đường bộ và đường thủy nội địa chiếm tỉ trọng lớn 93%, trong khi vận tải đường biển và ngành hàng không chiếm tỉ trọng thấp 6%.

Sự mất cân đối này đã làm giảm hiệu quả vận tải hàng hóa của Việt Nam, khiến sản lượng vận tải không đạt tối ưu và chi phí bị đội lên cao.

Thêm nữa, do hạ tầng giao thông vận tải yếu kém, công nghệ thông tin chưa hỗ trợ hiệu quả nên chi phí logistics ở Việt Nam khá cao, chiếm 25% GDP.

Riêng chi phí vận tải chiếm 30-40% giá thành phẩm, trong khi ở các quốc gia khác là 15%. Điều này đã làm giảm khả năng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa tại Việt Nam.

Không những vậy, lĩnh vực logistics hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức như rủi ro cạnh tranh, chất lượng dịch vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử.. đã khiến các doanh nghiệp nội "ngại" đầu tư vào ngành này.

Ngoài ra, logistics luôn tiềm ẩn những rủi ro từ bên trong tổ chức và các yếu tố bên ngoài như quá trình vận chuyển, phân phối thuê ngoài, quản lý nguồn nhân lực, nhà cung cấp…

Minh Anh