'Độc quyền' cấp nhiên liệu CNG, nguy cơ xe buýt rối loạn
Xe buýt số 53 (lộ trình từ Đại học Quốc gia TP.HCM - Lê Hồng Phong) sử dụng nhiên liệu CN G - nhiên liệu thân thiện với môi trường - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Doanh nghiệp gặp khó cũng đồng nghĩa với chất lượng phục vụ hành khách bị sụt giảm. Vận động người dân đi xe buýt đã khó, nay vì thiếu nhiên liệu mà xe chạy trễ, bỏ tuyến thì người dân càng dễ bỏ xe buýt.
Ông CAO THANH BÌNH (phó Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM)
TP.HCM đã xác định việc tiến tới đầu tư xe buýt sử dụng khí CNG, thay thế xe sử dụng dầu diesel nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
Theo lộ trình 2018 - 2020, cần đầu tư mới 3.121 xe buýt, trong đó xe xài nhiên liệu sạch dự kiến chiếm 75%. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết hiện có 2.457 xe buýt chạy chở khách, trong đó 428 xe sử dụng khí CNG.
Nguy cơ thiếu nhiên liệu
Tuy nhiên, nhiều năm qua, cả TP.HCM lại chỉ có một đơn vị cung cấp khí CNG cho xe buýt là Công ty CP kinh doanh Khí miền Nam.
Cuối tháng 5 vừa qua, công ty này thông báo dự kiến giảm 20 - 30% lượng khí CNG cho xe buýt các tháng còn lại năm 2019, để ưu tiên cấp khí cho điện khi Bộ Công thương yêu cầu.
Nếu trường hợp này xảy ra, công ty sẽ thông báo trước... hai giờ để TP.HCM điều chỉnh kế hoạch vận hành các xe buýt cho phù hợp.
Trước thông báo này, Sở GTVT cho rằng việc giảm nguồn cung khí CNG có khả năng làm rối loạn vận tải hành khách công cộng, đồng thời làm mất niềm tin của nhà đầu tư xe buýt có ý định đổi mới xe từ sử dụng dầu sang CNG.
Vì vậy, sở kiến nghị Tổng công ty Khí Việt Nam chỉ đạo Công ty CP kinh doanh Khí miền Nam xem xét không giảm lượng khí CNG cấp cho xe buýt TP.HCM trong năm 2019.
Bên cạnh đó, kiến nghị Tổng công ty Khí Việt Nam xem xét báo cáo Tập đoàn Dầu khí quốc gia chấp thuận dành một lượng khí ổn định ưu tiên cho vận tải hành khách công cộng với giá tương đương dành cho sản xuất điện.
Nhưng không chỉ có chuyện giảm nguồn cung, trước đó Công ty CP kinh doanh Khí miền Nam chi nhánh Đồng Nai còn gửi "tối hậu thư" cho một số đơn vị xe buýt TP.HCM về việc nếu không ký hợp đồng theo công thức mới (dự kiến tăng giá - PV) thì sẽ ngưng cung cấp nhiên liệu.
Tình hình đó đã không xảy ra, bởi các đơn vị xe buýt cho biết đã chấp nhận ký hợp đồng vì không còn lựa chọn nào khác.
Cần tìm thêm nhà cung cấp
Ông Cao Thanh Bình - phó Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM - cho biết ngay từ khi triển khai đề án chuyển đổi xe buýt sử dụng dầu sang CNG, ban cũng rất quan tâm đến việc chỉ có một nhà cung cấp nhiên liệu.
Do đó, HĐND TP đã lưu ý UBND TP, trực tiếp là Sở GTVT, phải có bước làm việc chặt chẽ với đơn vị cung ứng khí nhằm đảm bảo nguồn cung. Lúc đó, sở đã cam kết sẽ làm việc với bên cung cấp khí, tuy nhiên đến nay thực tế diễn ra lại không được như vậy.
Theo ông Bình, Sở GTVT phải làm việc ngay với nhà cung cấp hiện tại để làm rõ các vấn đề. Thậm chí để tránh bị lệ thuộc, ít nhất cần 2-3 nhà cung ứng CNG và TP.HCM cần có cơ chế mở rộng, tìm kiếm thêm nhà cung cấp để mời họ cùng tham gia.
Trong khi đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết ngoài Công ty CP kinh doanh Khí miền Nam, còn có Công ty TNHH khí nhiên liệu GTVT PVGazProm (TP.HCM) cũng muốn đăng ký tham gia. Tuy nhiên, theo kế hoạch phải sau năm 2020 công ty này mới có sản phẩm cung cấp.
Trả lời về vấn đề này, Sở GTVT và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP cho biết đã tổ chức cuộc họp để giải quyết vấn đề. Ngoài ra, sở đã kiến nghị UBND TP.HCM giải quyết các vướng mắc liên quan đến nguồn cung và giá khí CNG cấp cho xe buýt.
Ít trạm tiếp nhiên liệu, tốn kém nhiều thời gian
Ở TP.HCM, mạng lưới xe buýt nạp nhiên liệu sạch CNG tại 4 trạm: bãi xe buýt Phổ Quang (Q.Tân Bình), bến xe buýt ĐHQG TP.HCM, bến xe An Sương (Q.12) và trạm Tân Kiên (H.Bình Chánh). Các hợp tác xã cho biết việc nạp nhiên liệu CNG tốn rất nhiều thời gian.
Ông Cao Thanh Bình - phó Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM - cho biết có xe buýt phản ảnh về việc phải chạy vài chục kilômet mới đến được trạm nạp khí, trong khi quãng đường đó lại không được tính vào chi phí trợ giá.
Do đó, theo ông Bình, các sở ngành liên quan nên phối hợp xác định quỹ đất để đặt thêm trạm có vị trí phù hợp với luồng tuyến xe buýt.
Ông Bình cho rằng khi thực hiện chủ trương sử dụng xe CNG, các hợp tác xã đã hưởng ứng, chấp nhận mức đầu tư cao, chấp nhận một số khó khăn ban đầu. Tuy nhiên, về lâu dài TP.HCM phải có giải pháp quyết liệt, căn cơ để gỡ khó cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết đã phối hợp với Công ty CP kinh doanh Khí miền Nam triển khai nâng cấp, di dời các trạm nạp khí CNG hiện hữu cho phù hợp.
Mặt khác, trung tâm cùng đơn vị liên quan khảo sát, từ đó thống nhất có 11 vị trí có thể xây dựng trạm nạp khí CNG. Giai đoạn đầu, trung tâm sẽ tập trung đầu tư thêm 4 trạm ở bến xe buýt Chợ Lớn, Q.8, Tân Phú, Củ Chi.