|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh thu nông nghiệp của Hòa Phát giảm 19%

06:37 | 26/04/2021
Chia sẻ
Doanh thu từ nông nghiệp suy giảm trong khi mảng thép tăng trưởng nhanh khiến cho tỷ trọng của nông nghiệp trong tổng doanh thu của Hòa Phát giảm từ 14,4% trong quý I/2020 xuống còn 7,2% trong quý đầu năm nay.
Doanh thu nông nghiệp của Hòa Phát giảm 19% - Ảnh 1.

Ông Doãn Gia Cường (ngoài cùng bên trái) là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị phụ trách mảng nông nghiệp của Tập đoàn Hòa Phát. (Ảnh: Đức Quyền).

Nông nghiệp thêm lép vế so với thép

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I vừa công bố, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) ghi nhận doanh thu thuần 31.177 tỷ đồng, tăng trưởng 62% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mảng sản xuất và kinh doanh thép vẫn là cấu phần quan trọng nhất và cũng là động lực tăng trưởng chính với doanh thu đạt 28.804 tỷ, chiếm trên 92% toàn tập đoàn và tăng 82% so với quý I/2020.

Kết quả khả quan này đạt được là nhờ Hòa Phát tăng cả sản lượng lẫn giá bán các loại thành phẩm. Trong ba tháng đầu năm, tập đoàn đã tiêu thụ hơn 2 triệu tấn thép thô, cao nhất trong lịch sử Hòa Phát và vượt qua Formosa để dẫn đầu thị trường thép Việt Nam.

Mảng nông nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 2.248 tỷ, giảm 19% so với con số 2.779 tỷ của cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng doanh thu nông nghiệp do vậy cũng giảm một nửa, từ 14,4% còn 7,2%. Lợi nhuận sau thuế của mảng nông nghiệp ghi nhận 392 tỷ, cũng giảm gần 19%.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán HSC dự đoán lợi nhuận thuần mảng nông nghiệp của Hòa Phát năm 2021 sẽ giảm 9,4% so với năm ngoái, còn 1.520 tỷ đồng. Nguyên nhân là giá thịt heo giảm. Tỷ suất lợi nhuận thuần cũng giảm tương ứng từ 15,9% còn 12%. Sang năm 2022, mảng nông nghiệp được dự báo sẽ khởi sắc và mang về 1.748 tỷ lợi nhuận thuần, tăng 15%.

Hòa Phát hiện nay có các trang trại nuôi heo, bò, gà lấy trứng và nhà máy thức ăn chăn nuôi. Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2021 tổ chức mới đây, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết Hòa Phát đang bán lỗ hàng trăm nghìn quả trứng gà mỗi ngày. 

Giá ngô và đậu tương tăng làm giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi lên cao nhưng Hòa Phát cũng không thể chỉ phục vụ nội bộ mà vẫn phải bán ra ngoài. "Kể cả lỗ, Hòa Phát cũng phải bán ra để xây dựng hệ thống đại lý. […] Hệ thống đại lý phải tốt thì sản phẩm mới đến được người tiêu dùng", ông Long nói.

Doanh thu nông nghiệp của Hòa Phát giảm 19% - Ảnh 2.

Chủ tịch Trần Đình Long trả lời câu hỏi của cổ đông Hòa Phát ngày 22/4/2021. (Ảnh: Song Ngọc).

Năm 2020, mảng nông nghiệp đóng góp 12% doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho Hòa Phát. Tập đoàn xuất chuồng 385.000 con heo từ các trang trại ở Yên Bái, Hòa Bình, Thái Bình, Bắc Giang, Bình Phước, tăng 18% so với 2019. Với bò thịt, Hòa Phát tiêu thụ gần 150.000 con, tăng 12%. Với trứng gà, tập đoàn bán ra 165 triệu quả/năm.

Phó Chủ tịch HĐQT Doãn Gia Cường cho biết trong năm 2021, Hòa Phát đặt mục tiêu lợi nhuận mảng nông nghiệp khoảng 1.500 – 1.700 tỷ, tương tự như năm 2020. Sản lượng thức ăn chăn nuôi dự kiến khoảng 550.000 tấn, tiêu thụ bò thịt khoảng 200.000 con, heo khoảng 780.000 con, trứng gia cầm khoảng 300 triệu quả.

Mục tiêu lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn năm 2021 là khoảng 18.000 tỷ, tăng 33% so với thực hiện năm ngoái. Mảng nông nghiệp lên kế hoạch lợi nhuận chỉ tương đương 2020 nên tỷ trọng của nông nghiệp trong cơ cấu lợi nhuận của Hòa Phát năm 2021 nhiều khả năng sẽ thấp hơn nhiều so với năm trước.

Doanh thu nông nghiệp của Hòa Phát giảm 19% - Ảnh 3.

Sản phẩm trứng gà của Hòa Phát. (Ảnh: hoaphat.com.vn).

Hơn 1 tỷ USD tiền mặt và tiền gửi của Hòa Phát

Tổng nguồn vốn tại ngày cuối quý vừa qua là xấp xỉ 139.000 tỷ đồng, tăng gần 7.500 tỷ so với ngày đầu năm. Phần lớn khoản tăng thêm này đến từ lợi nhuận 7.006 tỷ mà Hòa Phát tạo ra trong quý I, còn lại đến từ tăng nợ phải trả.

Vốn chủ tăng đột biến nhờ lợi nhuận giữ lại nên tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giảm từ 55% ngày đầu năm xuống còn 52,4% tại ngày 31/3.

Trong nợ phải trả, nợ vay ngân hàng chiếm 76% - tương đương 55.560 tỷ đồng, tăng khoảng 1.400 tỷ so với đầu năm.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2021, Chủ tịch Trần Đình Long nói: "Nợ của Hòa Phát hiện nay rất thấp. Tổng tài sản của chúng ta khoảng 130.000 – 140.000 tỷ, nợ khoảng 60.000 tỷ. Nhưng Hòa Phát lại có 20.000 tỷ gửi ngân hàng nên tỷ lệ vay ròng trên vốn chủ khá thấp, chỉ 50/50. Với một tập đoàn sản xuất công nghiệp thì tỷ lệ này là rất an toàn. Một số chủ ngân hàng còn nói với chúng tôi là Hòa Phát thận trọng quá, đòn bẩy thấp quá".

Theo báo cáo tài chính mới công bố, tại ngày cuối quý I, Hòa Phát có 14.000 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, cùng với khoảng 10.800 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn. Tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của Hòa Phát là trên 24.800 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD.

Song Ngọc