Doanh thu của Vĩnh Hoàn tăng 11% sau hai tháng đầu năm
CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vừa có báo cáo tình hình kinh doanh sau hai tháng đầu năm 2021.
Trong tháng 2, tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn đã giảm 31% so với tháng 1/2021 đến từ sự suy giảm doanh thu của hầu hết các sản phẩm. Trong đó, doanh thu đến từ sản phẩm chăm sóc sức khỏe giảm mạnh nhất, giảm 51%. Bù lại, doanh thu từ các sản phẩm giá trị gia tăng đã tăng 98%.
Doanh thu của Vĩnh Hoàn cũng giảm ở hầu hết các thị trường, từ Mỹ, EU cho đến thị trường Trung Quốc. Điều nay được Vĩnh Hoàn giải thích do công suất giảm trong giai đoạn của Tết Nguyên đán.
Lũy kế hai tháng đầu năm, tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn tăng 11% so với cùng kỳ 2020 chủ yếu do sự tăng trưởng trong hầu hết các dòng sản phẩm: Cá tra (+0,3%), sản phẩm phụ (+83%), sản phẩm chăm sóc sức khỏe (+30%), và sản phẩm giá trị gia tăng (+57% ).
Với thị trường tiêu thụ, nếu so với cùng kỳ năm 2020, thì thị trường Trung Quốc chứng kiến sự tăng trưởng đến ba chữ số, thị trường EU tăng trưởng 21% và thị trường Mỹ giảm nhẹ 1%.
Đầu năm 2021, Vĩnh Hoàn đã hoàn thành thủ tục mua lại CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang, với tỷ lệ sở hữu là 51,29%.
Xét trong tháng 2/2021, theo danh mục sản phẩm, doanh thu từ bánh phồng tôm của Sa Giang chiếm 83%, các sản phẩm từ gạo chiếm 16% trong tổng doanh thu tháng của Sa Giang.
Còn theo thị trường xuất khẩu, doanh thu tại thị trường châu Âu chiếm 47% tổng doanh thu của Sa Giang, trong khi tỷ lệ trong nước là 49%.
Đánh giá về triển vọng năm 2021, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định nhu cầu cá tra sẽ sớm trở lại tại các thị trường chính của Vĩnh Hoàn gồm Mỹ, châu Âu và Trung Quốc nhờ vắc xin COVID-19 được triển khai sớm tại các nước này.
Mặc dù lượng xuất khẩu có thể trở về mức trước dịch, giá xuất khẩu khó tăng mạnh do niềm tin tiêu dùng chậm phục hồi, khiến khách hàng ngần ngại đặt hàng lượng lớn.
Trong khi đó, giá cá nguyên liệu có thể sẽ tăng mạnh trong nửa đầu năm do thiếu nguyên liệu, báo cáo của VDSC cho hay.
Trong nửa cuối năm, giá bán sẽ phục hồi dần khi niềm tin tiêu dùng trở lại và giá nguyên liệu cũng giảm dần do nông dân thả nuôi nhiều trong nửa đầu năm.
Do cá mua ngoài chiếm 40% tổng nguồn cá nguyên liệu của Vĩnh Hoàn, nên VDSC dự báo biên lợi nhuận gộp cá tra có thể sẽ thu hẹp trong nửa đầu năm và phục hồi dần trong nửa cuối năm.
Bù lại, mảng collagen-gelatin hiệu quả cao được kỳ vọng giữ mức tăng trưởng hai chữ số, ít nhất là trong trung hạn, sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng ổn định lợi nhuận tổng thể.
Sau khi thâu tóm Sa Giang, VHC mới đây đã mua lại và góp vốn 70 tỷ đồng vào một công ty chuyên sản xuất nước trái cây và bảo quản rau củ quả là Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Thành Ngọc (TNG Foods).
Trong năm 2021, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng Vĩnh Hoàn sẽ đa dạng hóa hơn nữa danh mục sản phẩm và mở rộng sản xuất sang các lĩnh vực khác.
Về tình hình kinh doanh, VNDirect dự phóng năm 2021, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn sẽ đạt 8.524 tỷ đồng, lợi nhuận ròng vào khoảng 899 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và tăng 27% so với năm 2020.