|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận hai tháng đầu năm của TNG giảm 42%

08:32 | 20/03/2021
Chia sẻ
Riêng trong tháng 2, doanh thu thuần của TNG đạt 266 tỷ đồng, tăng 4% so cùng kỳ năm 2020. Song, lãi sau thuế giảm gần 77% còn 3 tỷ đồng.

CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) vừa công bố báo cáo tài chính hai tháng đầu năm 2021.

Theo báo cáo tài chính, tháng 2, doanh thu thuần của TNG đạt 266 tỷ đồng, tăng 4% so cùng kỳ năm 2020. Lãi sau thuế giảm gần 77% còn 3 tỷ đồng.

Trong đó, giá vốn hàng bán đã tăng 12%, mức tăng cao hơn doanh thu thuần nên lợi nhuận gộp giảm 40% về còn 30 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí hoạt động nên doanh nghiệp bão lãi 3 tỷ đồng sau thuế.

Lũy kế hai tháng đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 583 tỷ đồng và 15 tỷ đồng, tương ứng tăng 12% và giảm 42% so với cùng kỳ.

TNG cho biết đơn hàng của công ty đã xuống chi tiết hết quý II/2021. TNG đang triển khai nhanh đơn hàng và để đưa đi gia công thêm và kế hoạch đàm phán chi tiết các đơn hàng sản xuất quý III/2021.

Ngày 25/4 tới đây, TNG sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 tại Thái Nguyên. Ngày 5/3, công ty đã chốt danh sách tham dự. Hiện tại, kế hoạch kinh doanh năm 2021 chưa được TNG công bố.

Theo báo cáo cập nhật mới nhất của Chứng khoán Phú Hưng (PHS), PHS dự phóng doanh thu thuần của TNG năm 2021 đạt khoảng 5.191 tỷ đồng, tăng gần 16% và lợi nhuận sau thuế 198 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2020.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dự báo, với kịch bản dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt hơn trên thế giới, xuất khẩu dệt may năm 2021 có thể đạt khoảng 37 - 38 tỷ USD, tăng 13% so với năm trước. Các doanh nghiệp dệt may cũng kỳ vọng doanh thu quay lại mức trước COVID-19 vào quý III/2021. 

Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA đã được ký kết sẽ hỗ trợ ngành dệt may trong năm 2021. Trong đó, thuế xuất khẩu các sản phẩm quần áo sang EU sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Riêng đối với sản phẩm áo Jacket bông thì thuế quan được giảm dần đều trong vòng 6 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực từ mức thuế cơ sở về 0%.

Đồng thời, việc chính thức ký kết thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã góp phần giúp Việt Nam xóa bỏ điểm nghẽn về yêu cầu xuất xứ "từ vải trở đi" của EVFTA. Điều này đã hỗ trợ TNG có thể sử dụng lượng vải Hàn Quốc nhiều hơn trong sản xuất, nhằm xuất các đơn hàng đi thị trường EU, thị trường chiếm khoảng 54% doanh thu của TNG.

Trên thị trường, cổ phiếu TNG đã tăng 60% từ đầu tháng 2/2021 và tạm dừng ở ức 24.300 đồng/cp chốt phiên ngày 19/3.

Lợi nhuận của TNG lao dốc gần 77% trong tháng 2 - Ảnh 1.

Diễn biến giá TNG. (Nguồn: TradingView).

Minh Hằng