|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh số bán lẻ thủy sản của Mỹ đối mặt với những cơn gió ngược lạm phát trong năm 2023

12:18 | 24/02/2023
Chia sẻ
Theo Seafood Sources, lạm phát vẫn kéo dài khiến khiến người tiêu dùng chuyển sang các mặt hàng rẻ hơn. Điều này dự kiến sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hải sản của Mỹ trong năm nay.

Hãng bán lẻ Walmart bày tỏ quan ngại về hành vi tiêu dùng của người dân thay đổi cùng với hãng bán lẻ Lidl sa thải hàng loạt nhân viên báo hiệu những khó khăn sắp tới đối với doanh số bán hàng nói chung.

Báo cáo tài chính quý IV của Walmart cho thấy doanh thu tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên Giám đốc điều hành Doug McMillon cảnh báo rằng người mua sắm thận trọng hơn và nhà bán lẻ đã hạ triển vọng lợi nhuận trong năm 2023. 

Giám đốc điều hành của Walmart cho rằng lạm phát sẽ kéo dài dai dẳng đối với thực phẩm. 

“Người tiêu dùng đang thực sự quan tâm đến giá cả, bất kể thu nhập của họ đang là bao nhiêu” ông McMillon cho biết.

Vị này cũng khuyến nghị các đối tác cung cấp hàng hóa nên giảm giá và ông muốn “hỗ trợ các doanh nghiệp để hạ giá hàng hoá xuống”.

“Walmart đang cố gắng để không bước vào thời kỳ suy thoái. Lịch sử đã cho thấy việc giảm giá bán là hoàn toàn khả thi”, ông McMillon nói. 

Trong khi Walmart dự báo lợi nhuận năm 2023 sẽ giảm, chuỗi siêu thị Lidl của Đức cũng đang từng bước tái cấu trúc doanh nghiệp. Công ty này đã sa thải khoảng 200 nhân viên tại các cửa hàng chi nhánh ở Mỹ. 

“Mặc dù chúng tôi vẫn cam kết phát triển Lidl tại Mỹ lâu dài và mong muốn tiếp tục mở rộng dọc theo Bờ Đông, nhưng chúng tôi vẫn liên tục đánh giá các hoạt động của mình để đảm bảo duy trì hoạt động của cửa hàng một cách hiệu quả. Do đó, việc sa thải nhân viên ở một bộ phận là quyết định khó khăn nhưng đây là một phần của quá trình duy trì hoạt động. Những nhân viên bị sa thải chủ yếu làm việc ở trụ sở chính và không có nhân viên nào ở cấp cửa hàng bị ảnh hưởng.” Giám đốc Truyền thông và Công chúng cấp cao của Lidl tại Mỹ ông Chandler (Ebeier) Spivey cho biết.

Vị này cũng tỏ ra quan ngại trước những ảnh hưởng của lạm phát lương thực đối với doanh số bán hàng trong năm nay. Lạm phát thực phẩm và đồ uống đã tăng 13,2% trong quý IV của năm 2022, theo báo cáo Tác động mới của lạm phát đối với hành vi người tiêu dùng của IRI . 

Mặc dù vậy, đối với nhóm hàng thuỷ sản và thịt chỉ tăng 3,4% trong quý, thấp hơn nhiều so với các nhóm hàng khác. Lạm phát trong nhóm sữa tăng vọt 23,2% trong khi giá đồ nguội tăng 18%, hàng hoá đóng gói tăng 15,3%.

Nhìn chung, lạm phát đối với các mặt hàng thuỷ sản đông lạnh trong tháng 1/2023 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái lên khoảng 10,44 USD/đơn vị. Lạm phát hải sản đông lạnh tăng trung bình 7,4% và hải sản tươi sống có mức lạm phát thấp nhất là 3,3%. 

“Hàng tiêu dùng đóng gói ít biến động và có khả năng phục hồi tốt hơn so với với các mặt hàng khác. Tuy nhiên, người tiêu dùng đang cảm thấy tác động của giá cao và tránh xa việc mua những mặt hàng không thiết yếu. Họ đang quản lý chặt chẽ ngân sách chi tiêu của mình một cách chặt chẽ”, Giám đốc Điều hành Bộ phận Khách hàng của IRI Alastair Steel cho biết.

Nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua những sản phẩm nhãn hiệu riêng (Private Label - sản phẩm riêng của nhà bán lẻ nhưng do một bên khác sản xuất, gia công) nhằm đối phó với tình trạng phạm phát bởi thông thường, nhãng sản phẩm này có giá rẻ hơn. 

Doanh thu từ những sản phẩm nhãn hiệu riêng trong năm 2022 tăng 11,3% lên ngưỡng kỷ lục 228,6 tỷ USD, theo Hiệp hội các nhà sản xuất nhãn hiệu riêng .

Báo cáo của IRI cho thấy 75% danh mục thực phẩm và đồ uống có nhãn hiệu riêng tăng trưởng, trong khi các thương hiệu thực phẩm và đồ uống cao cấp giảm 0,6 điểm thị phần trong 12 tuần kết thúc vào ngày 27/11/2022.

Chứng minh thêm về sự tập trung cao độ của người tiêu dùng vào giá trị, các chuyên gia dinh dưỡng (RDN) cho biết người Mỹ quan tâm nhiều hơn đến giá trị và khả năng chi trả khi mua thực phẩm, thay vì các đặc tính tăng cường miễn dịch.

Theo cuộc khảo sát "Xu hướng trong dinh dưỡng" của Pollock Communications và Today's Dietitian, động lực mua hàng hàng đầu của người mua sắm vào năm 2023 sẽ là thực phẩm và đồ uống có giá cả phải chăng và dựa trên giá trị (70,4%), dễ tiếp cận và thuận tiện ( 59,1%) và hỗ trợ miễn dịch (57,6%).  

H.Mĩ