|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vì sao lợi nhuận của Minh Phú đi ngược số đông ngành thuỷ sản?

16:31 | 20/02/2023
Chia sẻ
Nhìn vào bức tranh của ngành thuỷ sản nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng những tháng cuối năm, con số tăng trưởng lợi nhuận quý IV của Minh Phú được xem là đi ngược với đám đông bởi hầu hết công ty đều cho kết quả lãi ròng thụt lùi do nhu cầu tiêu thụ suy giảm, tồn kho tại các nước nhập khẩu tăng cao.

Lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay

Mới đây, CTCP Thuỷ sản Minh Phú công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 với doanh thu thuần giảm một nửa so với cùng kỳ xuống 2.554 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn cũng giảm ở mức tương đương xuống 1.978 tỷ đồng giúp lợi nhuận gộp tăng 60% lên 575 tỷ đồng.  Biên lợi nhuận gộp cũng tăng mạnh từ 7,7% lên 22,5%. 

 Kết quả kinh doanh của Minh Phú trong năm 2022 (H.Mĩ tổng hợp)

Trong kỳ, công ty ghi nhận doanh thu tài chính tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ lên 152 tỷ đồng, chủ yếu đến từ chênh lệch tỷ giá (140 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của công ty của công ty tăng 6 lần lên 154 tỷ đồng. 

Chi phí bán hàng của Minh Phú trong kỳ tăng 41% lên 253 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 62% xuống 42 tỷ đồng. 

Sau khi trừ các khoản chi phí và thuế, Minh Phú lãi ròng 264 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây đồng thời cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.

Tính chung cả năm, Minh Phú lãi 839 tỷ, tăng 27% so với năm 2021. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa hoàn thành kế hoạch mà công ty đề ra đầu năm là doanh thu đạt 18.963 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.267 tỷ đồng.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc  CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nhận định nửa cuối năm 2022 là là khoảng thời gian khó khăn đối với thị trường tôm. 

“Năm nay, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp hơn mọi năm. Thời tiết lại mưa khá nhiều khiến bà con phải thu hoạch tôm sớm và cũng hạn chế thả giống. Đặc biệt, tình hình lạm phát ở các nước cao nên thị trường tiêu thụ từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn”, ông Quang nói. 

Đi ngược với số đông

Nhìn vào bức tranh của ngành thuỷ sản nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng những tháng cuối năm, con số tăng trưởng lợi nhuận quý IV của Minh Phú được xem là đi ngược với đám đông bởi hầu hết công ty đều cho kết quả lãi ròng thụt lùi do nhu cầu tiêu thụ suy giảm, tồn kho tại các nước nhập khẩu tăng cao. Thậm chí có trường hợp thua lỗ như CTCP Thuỷ sản Bạc Liêu (lỗ 14 tỷ đồng).

  Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Thuỷ sản trong quý IV/2022 và cả năm 2022 (H.Mĩ tổng hợp)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản VASEP, Trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu cao và giá tăng. Tuy nhiên, nửa cuối năm, lạm phát cao ở các nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, trong khi hàng tồn kho vẫn ở mức cao, khiến xuất khẩu tôm giảm tốc. Tháng 12/2022, xuất khẩu tôm giảm 21% so với cùng kỳ năm 2021 đạt 259 triệu USD.

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Minh Phú cho biết lợi nhuận quý IV của công ty tăng mạnh nhờ tập trung sản xuất và bán mạnh mặt hàng giá trị gia tăng làm cho lãi gộp tăng dẫn đến lợi nhuận sau thuế tăng. 

Trước đó, hồi đầu tháng 11/2022, chia sẻ với báo chí bên lề "Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức và giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng", ông Lê Bảo Toàn, Giám đốc Tài chính CTCP Thuỷ sản Minh phú - Hậu Giang cho biết trong vài tháng cuối năm 2022, lượng hàng xuất khẩu đi Châu Âu, thị trường Mỹ giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2021. Lượng hàng nguyên liệu cũng thiếu hụt. 

“Để vượt qua khó khăn, chúng tôi bám chặt với đơn hàng để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra chúng tôi tập trung mặt hàng giá trị gia tăng, nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp”, ông Toàn nói. 

Bên cạnh đó, trong năm nay, Minh Phú định hướng giảm phụ thuộc vào Mỹ - thị trường vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu của công ty trong nhiều năm. Đây đồng thời cũng là một trong những thị trường ghi nhận lượng tiêu thụ tôm giảm mạnh nhất.

Theo VASEP, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính trong tháng 12/2022 đồng loạt giảm trong đó xuất sang Mỹ và EU giảm mạnh nhất lần lượt 46% và 44%. 

Tính chung trong cả năm 2022, xuất khẩu sang thị trường này giảm 23% so với năm 2021 xuống 807 triệu USD.

“Thuế giảm có mấy phần trăm nhưng chi phí xuất khẩu sang Mỹ tăng tới nhiều lần. Khi kinh doanh, chúng ta cần làm vì lợi nhuận; do đó việc bán hàng sang Mỹ lợi nhuận không cao, pháp lý phức tạp thì  có nên bán hàng vào đó hay không? Tôi cứ hỏi hoài tại sao Ấn Độ và Ecuador bán tôm rất rẻ, bán lỗ thế mà vẫn đâm đầu vào Mỹ”, ông Quang nhận định.

Thay vào đó, công ty tập trung nhiều hơn vào thị trường tiềm năng là Nhật Bản. Có thời điểm, Nhật Bản vượt Mỹ trở thành thị trường đem lại nhiều doanh thu nhất của cho Minh Phú. 

Điển hình như giai đoạn 7 tháng đầu năm, theo Seafood Source, doanh thu tại thị trường Nhật tăng 23% lên 94 triệu USD. Trong khi đó, con số này tại Mỹ là 62,6 triệu USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong năm 2022, Minh Phú dẫn đầu tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu tôm sang Nhật Bản vơi 23,8% (bao gồm cả công ty con Minh Phú Hậu Giang), theo số liệu VASEP. 

 Số liệu: VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Nhật Bản cũng là điểm đến của nhiều doanh nghiệp tôm khác như Sao Ta trong bối cảnh tiêu thụ ở các thị trường truyền thống như Châu Âu và Mỹ giảm sút, bởi lợi thế vị trí địa lý gần giúp tiết kiệm chi phí vận tải. Ngoài ra, thị trường này cũng ưa chuộng các sản phẩm tôm có mức độ chế biến phức tạp - điều mà các đối thủ lớn của Việt Nam như Ấn Độ và Ecuador chưa làm được. 

Do đó, đây được coi là thị trường nhập khẩu tôm khá ổn định của Việt Nam trong năm 2022 với kim ngạch đạt 671 triệu USD, tăng 16% so với năm 2021.

Triển vọng tiêu dùng cá nhân của Nhật Bản năm 2023 dự kiến tăng 2,2% nhờ sự khôi phục của lĩnh vực du lịch - dịch vụ và chính sách tăng lương cho người lao động của các doanh nghiệp trong nước vào đợt tăng lương vào mùa xuân.

"Với những thông tin tích cực về nền kinh tế Nhật Bản, dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này vẫn ổn định trong năm 2023", VASEP nhận định.

H.Mĩ