Doanh nghiệp xuất gạo vào Mỹ bị “tuýt còi” tăng đột biến
Một nguồn tin riêng của TBKTSG Online, cho biết từ năm 2011 đến tháng 10-2016, có tổng cộng 17 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường Mỹ bị cảnh báo; riêng 10 tháng đầu năm 2016 có 10 doanh nghiệp, chiếm gần 59% trong khi suốt giai đoạn 2011-2015 chỉ có 7 doanh nghiệp, chiếm trên 41%.
Nhân công chế biến gạo tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh. |
Như vậy, chỉ 10 tháng đầu năm 2016, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vào Mỹ bị cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đã vượt qua tổng số doanh nghiệp bị cảnh báo của 5 năm trước đó.
Theo nguồn tin này, tỉnh Tiền Giang có 1 đơn vị bị cảnh báo; Long An có 4 đơn vị; An Giang có 2 đơn vị; Bến Tre 1 đơn vị; Bạc Liêu 1 đơn vị; Cần Thơ 2 đơn vị; TPHCM có 3 đơn vị; Hà Nội có 2 đơn vị và Hưng Yên có 1 đơn vị.
Ông Lê Minh Trượng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2), cho biết loại hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong gạo được phát hiện và bị cảnh báo nhiều nhất là chất ISOPROTHIOLANE.
Về chủng loại gạo bị cảnh báo, theo nguồn tin riêng của TBKTSG Online, tập trung chủ yếu vào nhóm gạo thơm Jasmines và gạo trắng hạt dài.
Các lô hàng của doanh nghiệp bị phía Mỹ cảnh báo được xử lý theo hướng tạm giữ hoặc đã trả về cho doanh nghiệp.
Trước đó, trao đổi với TBKTSG Online, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), cho biết trong những tháng đầu năm nay ước có khoảng 500 container gạo bị trả về do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép với tổng khối lượng tương đương khoảng 10.000 tấn (mỗi container 20 tấn).
Liên quan vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã lên tiếng khuyến cáo doanh nghiện cần hết sức thận trọng trong việc xuất khẩu gạo vào thị trường Mỹ để tránh bị cảnh báo tiếp tục, thậm chí có nguy cơ bị cấm xuất khẩu.
Theo Trung Chánh