|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp Việt tìm 'phương án B' cho TPP

07:00 | 09/04/2017
Chia sẻ
TPP sẽ có lợi cho Việt Nam khi thuế nhập khẩu vào Mỹ giảm hoặc được xóa bỏ, nhưng khi không còn Mỹ, các doanh nghiệp đang dần tìm đến kế hoạch thay thế.

Phú Tài – một công ty sản xuất đồ nội thất cho các đại lý của Walmart không cho rằng việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là đòn giáng lớn. Tuy nhiên, nếu ông Trump thực hiện các tuyên bố về bảo hộ mậu dịch, họ có thể chịu ảnh hưởng mạnh.

Việc Mỹ tìm cách thiết lập lại các quan hệ thương mại đang khiến nền kinh tế nhỏ như Việt Nam gặp rủi ro. Phú Tài nằm tại một tỉnh miền Trung, doanh thu phụ thuộc 40% vào Mỹ. Việc kinh doanh của họ sẽ chịu ảnh hưởng nếu các sản phẩm trở nên quá đắt đỏ.

"Nếu bảo hộ thương mại gia tăng ở Mỹ, các nước phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng", ông Nguyễn Sỹ Hòe - Phó giám đốc công ty cho biết, "Chính phủ cần phải giúp các công ty".

doanh nghiep viet tim phuong an b cho tpp

Một nhà máy sản xuất giày dép tại Hà Nội. Ảnh: Reuters

20% hàng xuất khẩu Việt Nam là sang Mỹ. Việt Nam cũng là một trong số ít các nước châu Á xuất sang Mỹ nhiều hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, thặng dư thương mại 32 tỷ USD với Mỹ đang khiến Việt Nam gặp nguy hiểm, khi ông Trump muốn xem xét có nước nào "đang lạm dụng thương mại" để khiến Mỹ thâm hụt hay không.

Việc đánh thuế cao lên hàng nhập khẩu vào Mỹ có thể khiến GDP Việt Nam mất 0,9% - cao nhất tại châu Á, các nhà nghiên cứu tại Credit Suisse nhận xét trong báo cáo tháng 1. "

Nếu Mỹ tạo ra làn sóng bảo hộ thương mại mới, Việt Nam sẽ chịu tổn thương rất lớn", Alexander Vuving - nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương nhận xét.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhận định các chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể gây tổn thương nền kinh tế Việt Nam, khiến xuất khẩu và đầu tư nước ngoài suy giảm. Vài năm gần đây, các hãng công nghệ lớn như Samsung Electronics, Intel và LG Display vẫn đang tăng hiện diện tại Việt Nam. Nhiều công ty đã chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang, do chi phí lao động tại Trung Quốc tăng cao và nhân công cũng giảm sút.

Từ khi thực hiện Đổi Mới năm 1986, Việt Nam đã ngày càng tham gia nhiều hơn vào thương mại toàn cầu, biến mình thành trung tâm sản xuất hàng hóa, từ giày dép đến smartphone. Kim ngạch xuất khẩu năm ngoái đã lên kỷ lục 177 tỷ USD. Trong đó, xuất sang Mỹ chiếm 42 tỷ USD - hơn gấp đôi 5 năm trước.

Số liệu GDP mới nhất cũng cho thấy Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Việc Samsung ngừng sản xuất Galaxy Note 7 năm ngoái đã khiến xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại giảm 11% trong quý I. Việc này khiến GDP quý I chỉ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng năm nay của Việt Nam là 6,7%.

Còn với hãng sản xuất trang phục thể thao Delta Sport (Thanh Hóa), chỉ riêng mối đe dọa từ Mỹ đã đủ khiến họ ảnh hưởng. Số đơn hàng từ Mỹ trong quý I đã giảm 20%, Giám đốc Nguyễn Trọng Thấu cho biết. Năm ngoái, Mỹ đóng góp 40% hàng xuất khẩu cho công ty này, tương đương 30 triệu USD doanh thu.

"Một số khách hàng của chúng tôi lo ngại về bất ổn chính sách của chính quyền mới. Chúng tôi cũng lo lắng về triển vọng hàng xuất khẩu sang Mỹ", ông Thấu cho biết.

TPP được đánh giá sẽ có lợi cho Việt Nam khi thuế nhập khẩu vào Mỹ giảm hoặc trong một số trường hợp là bỏ. Tuy nhiên, khi không còn Mỹ, Việt Nam đang chuyển dần sang kế hoạch B.

Chính phủ đã cam kết đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, theo yêu cầu của TPP, trong đó có cải tổ doanh nghiệp nhà nước và tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ. Các ngành như nông nghiệp và sản xuất cũng sẽ được cải thiện hiệu suất và chất lượng.

Bộ Khoa học & Công nghệ gần đây đã tổ chức một chuyến công tác sang Mỹ để các công ty Việt Nam Việt Nam gặp gỡ khách hàng tiềm năng. Chính phủ cũng giúp họ quảng bá sản phẩm của mình. "Trong điều kiện hiện tại, chúng ta rất cần cải thiện sức cạnh tranh", Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết.

Michael Michalak - cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhận định Việt Nam có thể tìm thêm các cách khác để duy trì TPP mà không cần Mỹ. Một biện pháp là ký hiệp định song phương hoặc đa phương với các nước láng giềng hoặc các nước Mỹ Latin trên cơ sở thỏa thuận trước đó.

"Tôi không cho là họ muốn lãng phí 6 năm qua. Có nhiều cơ hội khác mà", ông cho biết.

Đây cũng là điều Phú Tài đang cố gắng làm. Họ đã chi 140 tỷ đồng để xây một nhà máy ở Bình Định, nhằm tăng công suất và giảm trung gian. "Việc này sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí đáng kể. Chúng tôi phải tăng khả năng cạnh tranh để đối phó với những tác động mà bảo hộ mang lại", ông Hòe cho biết.

Hà Thu