Doanh nghiệp truyền thống như Ba Huân, Minh Long nghĩ gì về cuộc cách mạng thương mại điện tử?
Chiều 8/12, tại chuỗi Hội thảo The Entrepreneur Talk 2023 do Sở Công thương TP HCM phối hợp cùng Đại học Hoa Sen tổ chức, đại diện hai doanh nghiệp truyền thống là trứng gà Ba Huân và gốm sứ Minh Long đã đưa ra quan điểm trái ngược nhau về lĩnh vực thương mại điện tử.
Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 khẳng định thương mại điện tử là một trong những ngành tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực kinh tế số ở Việt Nam.
Tăng trưởng thấy rõ trong giai đoạn 2018 - 2022. Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng) ở Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD thì đến năm 2019, con số này là 10,8 tỷ USD. Và tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020.
Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ B2C năm ngoái đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Báo cáo ước tính năm nay, doanh thu sẽ đạt 20,5 tỷ USD, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C chiếm khoảng 7,8- 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Với 74% người dân sử dụng internet, Việt Nam có khoảng 59 - 62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm mỗi người ước đạt khoảng 300 - 320 USD. Năm ngoái, con số này là 288 USD.
Dù những con số cho thấy nhiều tiềm năng như vậy song lĩnh vực thương mại điện tử chưa được phía Ba Huân đánh giá cao.
Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Ba Huân cho rằng ngoài TP HCM và các thành phố lớn khác, kênh thương mại điện tử vẫn chưa thể vươn tới các vùng sâu vùng xa, nông thôn hẻo lánh.
"Chúng tôi đang kết hợp với FPT để thực hiện chuyển đổi số nhưng hiện tại thì chưa thể tiếp cận được kênh thương mại hiện đại này. Tôi xuất phát điểm là nông dân, việc đổi mới công nghệ là không dễ.
Chúng tôi cũng đã tiến hành đổi mới quy trình sản xuất từ năm 2003, nhưng mọi thứ vẫn phải làm từ từ. Mỗi ngày chúng tôi vẫn phải chạy hàng chục xe hàng tới vùng nông thôn", bà Phạm Thị Huân chia sẻ quan điểm.
Ở góc độ của một đơn vị làm nông nghiệp, nữ Anh hùng Lao động cho biết việc tiếp cận và chuyển đổi từ quy trình thủ công sang số hoá, tự động cần nhiều thời gian để thực hiện.
Trái ngược với quan điểm của Ba Huân, ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH Minh Long I lại có cách nhìn khác về thương mại điện tử.
Theo ông Sáng, gốm sứ Minh Long luôn cố gắng đi đầu trong các xu hướng mới và cách đây 20 năm, Minh Long đã bắt đầu phát triển kênh thương mại điện tử của công ty.
"Chúng tôi có website bán hàng riêng, có phần mềm quản lý đơn hàng trên Amazon từ lâu rồi. Thương mại điện tử hiện nay có xu hướng phát triển mạnh mẽ nhưng đó là cuộc chơi của giá rẻ, người chơi chấp nhận giảm giá để tăng trưởng doanh số, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong thời kỳ khó khăn.
Ở góc độ của Minh Long, chúng tôi không giỏi trong chiến lược giá, Minh Long tập trung vào sản phẩm có giá trị và chất lượng cao cấp", ông Lý Huy Sáng nói.
Theo vị lãnh đạo Minh Long I, chiến lược hiện nay của công ty là tập trung vào trải nghiệm người dùng, thông qua các kênh mua sắm, cửa hàng offline. Ông Sáng cho biết sản phẩm của Minh Long hướng tới giá trị cao và khách hàng sẽ có nhiều nhu cầu trực tiếp cảm nhận sản phẩm hơn.
Do đó, kênh mua sắm truyền thống sẽ là nơi bổ trợ tốt cho hoạt động kinh doanh trên hệ thống thương mại điện tử của Minh Long - điều mà ông Sáng gọi là "hybrid", một mô hình lai.