|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Những nước cờ đi ngược số đông của 'nữ hoàng hột vịt' Ba Huân

07:19 | 20/10/2021
Chia sẻ
Nữ hoàng hột vịt Ba Huân luôn nhận mình là người ít học, một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết nhưng lại la người tiên phong đưa công nghệ xử lý trứng về Việt Nam, bình ổn giá trứng ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 phức tạp.

Thành công cho người dám đi ngược dòng

Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát ở Hà Nội, TP HCM khiến nhiều tỉnh thành tại phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội, khiến nhu cầu tích trữ lương thực tăng cao.

Tôi từ chối tăng giá vì chỉ có dân nghèo mới xài nhiều trứng.

Bà Ba Huân, TGD CTCP Ba Huân

Trong khi nhiều doanh nghiệp, tiểu thương lợi dụng thời cơ, tăng giá trứng lên 40.000 – 50.000 đồng/chục kiếm hời thì bà Phạm Thị Huân (Ba Huân), Tổng Giám đốc CTCP Ba Huân lại hai lần từ chối tăng giá, trước sau giữ giá 28.000 đồng/chục, bình ổn cho dân nghèo và người lao động.

"Sở Công Thương nói rằng với tôi rằng chị ơi doanh nghiệp vất vả 3 tại chỗ, khó quá thì chúng tôi cho chị tăng giá 2.000 đồng/chục trứng. Nhưng tôi không đồng ý vì chỉ có dân nghèo mới xài nhiều trứng".

Những nước cờ đi ngược với số đông của 'nữ hoàng hột vịt' Ba Huân - Ảnh 2.

Bà Ba Huân, TGĐ CTCP Ba Huân. (Ảnh: Website Ba Huân)

Bà Ba Huân tự nhận rằng doanh nghiệp của mình không có tiền tỷ hỗ trợ Nhà nước chống dịch, mua vắc xin, khẩu trang nhưng bà sẽ hỗ trợ giá trứng bình ổn.

Bà nhẩm tính mỗi ngày doanh nghiệp đưa ra thị trường 1 triệu quả trứng, việc giảm 2.000 đồng/chục, tức mỗi ngày có thể giảm 200 triệu, số tiền này tích lũy dần cũng được 5 tỷ, 7 tỷ, 10 tỷ hỗ trợ TP HCM chống dịch COVID-19.

TP đang khó khăn như thế, nếu doanh nghiệp "té nước theo mưa" sẽ gây biến động thị trường và làm mất tính nhân văn của chương trình bình ổn.

Bà Ba Huân, TGĐ CTCP Ba Huân

"Tôi đã kinh doanh hơn một đời người chứ đâu phải mỗi giai đoạn này. TP đang khó khăn như thế, nếu doanh nghiệp "té nước theo mưa" sẽ gây biến động thị trường và làm mất tính nhân văn của chương trình bình ổn", bà Huân nói. 

Đây cũng không phải lần đầu tiên bà Ba Huân chọn cho mình lối nhỏ, ít người đi.

Trước đó, năm 2003, dịch cúm gia cầm cũng tàn phá ngành chăn nuôi, hàng triệu con gia cầm, hàng triệu quả trứng phải tiêu hủy. Bản thân Ba Huân cũng rơi vào phá sản vì lỗ 6 tỷ đồng, số tiền rất lớn ở thời điểm đó.

Bà kể thời điểm ấy đi tới đâu người ta cũng coi tôi là kẻ thất bại, bản thân bà Ba Huân cũng từng muốn buông xuôi, bán hết đất đai về quê mở tiệm vàng kiếm sống qua ngày. Nhưng bà cũng chẳng thế dứt tình.

"Cứ nghĩ đến hình ảnh nông dân đội tấm áo mưa mỏng dính, chèo ghe ra lấy trứng bán cho tôi. Chân ướt, chân ráo ngồi đếm tiền, tôi không đành lòng", ba Huân nói.

Câu hỏi thường trực trong đầu bà lúc đó rằng đại dịch cúm trên toàn cầu nhưng tại sao trứng của các nước không sao, còn trứng của Việt Nam phải đổ bỏ.

Những nước cờ đi ngược với số đông của 'nữ hoàng hột vịt' Ba Huân - Ảnh 4.

Dây chuyền xử lý trứng của công ty Ba Huân. (Ảnh: Báo Sài Gòn Đầu Tư)

Người phụ nữ này dò hỏi, khăn gói lên đường sang Trung Quốc, Australia những vẫn không tìm được câu trả lời. Chỉ khi đặt chân đến đất nước Hà Lan, doanh nhân này mới vỡ lẽ về hành trình của quả trứng ở các nước tân tiến, hiện đại.

Bà quyết định bán bớt xưởng, vay ngân hàng, đem hết vốn liếng để mua máy xử lý trứng. Gia đình cho rằng bà thật "khùng", làm như vậy chẳng khác nào lấy "trứng chọi đá" nhưng cũng không thể ngăn được người phụ nữ này.

"Nhập máy về rồi thì 71/72 vựa trứng phản đối tôi, họ nói tôi độc quyền, muốn làm một mình. Nhưng không phải như vậy, tôi chỉ muốn là người tiên phong đưa công nghệ về chứ một tay Ba Huân không thể che mặt trời.

Tôi muốn trứng trên cả đất nước được sạch, cứu lấy người nông dân. Đó không chỉ là quyết định cho doanh nghiệp tôi, mà là cho cả ngành trứng", bà Huân nói.

Chính vì những chiến lược khác người, bà Ba Huân đưa doanh nghiệp từ ghe trứng thành cơ ngơi chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn với hai trang trại gà 6 triệu con, một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, một nhà máy chế biến thực phẩm và hai nhà máy xử lý trứng.

Triết lý kinh doanh của nữ doanh nhân luôn nhận mình ít học

Bà Ba Huân luôn nhận mình là người ít học, một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết, lại quê mùa cục mịch nhưng người phụ nữ này lại có thể gây dựng được một chuỗi sản xuất trứng công nghệ hàng đầu, được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam (năm 2017) và được mệnh danh là "nữ hoàng hột vịt".

Bà Ba Huân bắt đầu "khởi nghiệp" từ năm 16 tuổi với gánh trứng gia truyền. Hơn 50 năm qua, để quả trứng đến tay người tiêu dùng, người phụ nữ này đã làm việc không biết mệt mỏi, không bỏ nghề, không bỏ nông dân.

"Bí quyết của tôi là đi đâu tôi cũng trải lòng mình ra. Ngày sang gặp chuyên gia của Moba mua máy xử lý trứng, tôi tâm tình rằng tôi là một nông dân chân lấm tay bùn, số tiền này là tiền mồ hôi công sức và tiền vay mượn ngân hàng, ông ráng bán cho tôi máy tốt.

Ông thương tôi thì tôi nhờ, tôi cười, ông không thương tôi thì tôi khóc. Chứ bán đồ xấu thì cho tôi hai vé máy bay, vợ chồng tôi qua làm công cho ông nếu thất bại, chứ còn mặt mũi nào ở đất nước Việt Nam", bà Huân kể lại.

Chính sự chân thành của người phụ nữ này khiến chuyên gia của Moba cảm động, quyết định bán cho Ba Huân máy xử lý 65.000 trứng, với giá tương đương của máy 40.000 trứng.

Dẫu rằng, khó khăn khi đại dịch ập đến là điều tất cả doanh nghiệp, doanh nhân đều gặp phải. Nhưng sau cơn mưa trời lại sáng, có lũ thì phù sa lại về.

Bà Ba Huân, TGĐ CTCP Ba Huân

Trải qua nhiều biến cố nhưng người ta luôn thấy ở bà Ba Huân sự lạc quan, tích cực. Dịch COVID-19 kéo đến, nhiều doanh nghiệp phải dừng cuộc chơi, nhiều doanh nghiệp trên bờ vực phá sản.

Bà Huân cho rằng: "Dẫu rằng, khó khăn khi đại dịch ập đến là điều tất cả doanh nghiệp, doanh nhân đều gặp phải. Nhưng, sau cơn mưa trời lại sáng, có lũ thì phù sa lại về.

Dịch sẽ qua đi và chẳng mấy hồi đất nước sẽ được vực dậy. Người trẻ không nên bi quan, hãy biết sống bằng cái tâm và trí tuệ của mình, hãy nghĩ tới cộng đồng".

Hoàng Anh