|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

[Infographic] Những thương vụ M&A đình đám năm 2017

10:24 | 10/08/2018
Chia sẻ
Dự báo năm 2018, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,5-6,9 tỷ USD, bằng 63,7% so với năm 2017.

Theo thống kê có trên 4.000 thương vụ, với tổng giá trị mua bán và sáp nhập (M&A) đạt 48,8 tỷ USD được thực hiện trong giai đoạn 2009-2018. Quy mô thị trường năm 2017 tăng 10 lần so với năm 2009.

Tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2017 đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 175% so với năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,55 tỷ USD, bằng 155% cùng kỳ năm 2017.

Năm 2017, thương vụ kỷ lục nhất của 10 năm được thực hiện, đó là thương vụ ThaiBev, thông qua công ty con Vietnam Beverage mua lại 51% Sabeco với giá trị lên đến 4,8 tỷ USD.

Các lĩnh vực sôi động nhất năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 tập trung vào khai thác thị trường 95 triệu dân của Việt Nam bao gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Tài chính ngân hàng trở lại với những thương vụ trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ và tài chính tiêu dùng.

Dự báo năm 2018, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,5-6,9 tỷ USD, bằng 63,7% so với năm 2017. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam có thể vượt mốc 5 tỷ USD của cả giai đoạn 2014-2016 để ổn định ở mốc 6-6,5 tỷ USD, tuy nhiên để đạt mốc 10 tỷ USD ổn định thì sẽ cần nỗ lực rất lớn.

Dưới đây là những thương vụ M&A đình năm trong năm 2017.

infographic nhung thuong vu ma dinh dam nam 2017
Những thương vụ M&A khủng năm 2017.

Mặc dù, nằm trong Top M&A lớn trong năm 2017 nhưng mới đây thương vụ giữa Vinacaptial với Ba Huân đã dừng lại. Đây cũng thương vụ đầu tiên bất thành trong số hơn 100 doanh nghiệp mà VinaCapital rót vốn sau một thập kỷ hoạt động tại Việt Nam.

Đầu tháng 7, Công ty cổ phần Ba Huân có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hỗ trợ chấm dứt hợp tác với Quỹ đầu tư VinaCapital.

Bà Phạm Thị Huân – Giám đốc công ty cho biết, một trong những lý do khiến doanh nghiệp đưa ra quyết định này vì nhận thấy thỏa thuận hợp tác giữa bản tiếng Anh và tiếng Việt có nội dung không đúng hoặc không như trao đổi ban đầu. Cụ thể, VinaCapital “tự động” đưa vào tỷ suất hoàn vốn đầu tư 22% một năm - gấp ba lần lãi suất vay vốn ngân hàng.

VinaCapital cũng hạn chế hoạt động công ty bằng việc loại bỏ các ngành nghề kinh doanh trước đó, chỉ giữ lại sản xuất, kinh doanh gà thịt và trứng gà. Quỹ đầu tư này ra điều kiện Ba Huân chịu phạt trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22% hoặc chuyển giao tối thiểu 51% cổ phần nếu không hoàn thành kế hoạch kinh doanh sau ba năm từ khi nhận vốn đầu tư.

Trong thông báo ngày 7/8, VinaCapital cho biết việc thương lượng và soạn thảo các văn bản đầu tư, từ lần gặp gỡ đầu tiên và thời gian chuẩn bị việc ký kết Biên bản ghi nhớ cho đến khi ký kết các hợp đồng chính thức kéo dài hơn 6 tháng. Suốt quá trình đó, Ba Huân có tham vấn một số đơn vị tư vấn chuyên nghiệp và do đó họ hoàn toàn hiểu rõ các nghĩa vụ mà họ đã cam kết thực hiện.

VinaCapital khẳng định không có ý định chiếm quyền điều hành hay thâu tóm Ba Huân, và việc này không nằm trong chiến lược kinh doanh của tập đoàn từ trước đến nay.

Xem thêm

Tiến Vũ