Phó Tổng HDBank: Sáp nhập càng kín, càng ít người biết càng tốt
Chia sẻ về Chiến lược M&A tăng trưởng đột phá tại Diễn đàn M&A 2018 diễn ra chiều 8/8, ông Lê Thành Trung - Phó Tổng Giám Đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank - Mã: HDB) đánh giá M&A là cơ hội tuyệt vời để ngân hàng phát triển, tăng trưởng tín dụng, tăng nhân sự và chi nhánh.
Theo ông Trung, thông qua M&A có thể tạo được định chế tài chính lớn hơn về quy mô, mạnh hơn về tiềm lực tài chính, hiệu quả hơn về quản trị kinh doanh và cung cấp được dịch vụ tài chính ngân hàng tốt hơn, giá rẻ hơn cho khách hàng.
“Chính phủ Việt Nam đang rất ủng hộ cho M&A, nếu chúng ta tận dụng được thời điểm này để tiến hành các nghiệp vụ M&A thì sẽ là cơ hội vàng. M&A là chiến lược xuyên suốt của HDBank. Thông qua M&A chúng tôi kỳ vọng trong thời gian ngắn, đốt cháy giai đoạn để trở thành định chế tài chính ngân hàng đủ sức cạnh tranh không chỉ trong Việt Nam mà còn trên khu vực”, ông Trung chia sẻ.
Ông Lê Thành Trung - Phó tổng giám đốc Ngân hàng HDBank trao đổi tại Diễn đàn M&A 2018. |
Thông qua M&A, 1+1 không bằng 2
M&A gia tăng giá trị về mặt số học cộng lại, đồng thời cộng hưởng sức mạnh hậu sáp nhập. Do đó, 1+1 không còn bằng 2 nữa, thay vào đó có thể bằng 3, bằng 4 hoặc 5.
Ông Trung cho biết, HDBank quan tâm đến giá trị cộng hưởng sau sáp nhập. Đơn cử thương vụ sáp nhập Ngân hàng Đại Á năm 2013, trước đó HDBank cũng đã tìm hiểu 2 đến 3 ngân hàng phía Bắc. Sau đó nhận thấy Đại Á có quy mô trung bình nhưng điểm mạnh là ngân hàng duy nhất nằm ở khu kinh tế trọng điểm phía Nam với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương bên cạnh là nền tảng và nhân sự tốt.
“Hôn nhân khó nhất là ý chí của cổ đông, tỷ lệ hoán đổi”, ông Trung nhận định.
Theo ông, một trong những vấn đề khó khăn của M&A là xác định giá trị doanh nghiệp ở mức nào. Với Đại Á, may mắn là các cổ đông ngân hàng đã thống nhất với nhau tỷ lệ hoán đổi 1:1. Đây là chìa khóa để mở cánh của đầu tiên của M&A.
Ví thương vụ sáp nhập với Đại Á như một cuộc hôn nhân, ông Trung cho rằng với các nhà kinh tế, vấn đề đầu tiên luôn là con số, sau đó là xúc cảm cùng nhiều yếu tố khác. “Quá trình đàm phát thật sự khó khăn khi phải rà soát từng con số, từng chỉ tiêu. Mọi thứ đều phải công khai, đặt trên những nền tảng rõ ràng, có sự tham gia của các công ty luật, kiểm toán để có thể đưa ra phương án M&A tốt nhất, hoàn hảo nhất, đẩy lên tầm nghệ thuật đàm phán”.
Quan trọng nhất của M&A ngân hàng là hài hòa lợi ích cổ đông
Tuy nhiên quan trọng nhất là phải hài hòa lợi ích cổ đông, ông Trung cho rằng, đây là điều cốt lõi và thành công lớn nhất của HDBank trong thương vụ với Đại Á. Sau 5 năm sáp nhập, HDBank chuyển mình. Đáng chú ý sau 1 tháng niêm yết vào đầu năm nay, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại Ngân hàng tăng nhanh chóng từ 21% lên 27%.
Ông Trung nhận xét rằng, nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào tương lai, sự hài hòa, nghệ thuật của HDBank trong M&A. Trong đó sự đồng thuận của cổ đông là vô cùng quan trọng, từ đó truyền lửa để nhân viên cùng đồng thuận, và cuối cùng là sự chấp nhận của khách hàng, xã hội.Sáp nhập càng kín càng tốt, càng ít người biết càng tốt
“Rất nhiều ngân hàng đã sáp nhập đình đám, nhưng với HDBank trầm lắng và rất yên lặng. Sáp nhập càng kín càng tốt, càng ít người biết càng tốt”, ông Trung chia sẻ.
Được biết, hiện HDBank đang trong quá trình sáp nhập với Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank). Theo kế hoạch dự kiến việc sáp nhập sẽ hoàn tất trong tháng 8.
Tỷ lệ sáp nhập được xác định 1 cổ phiếu PG Bank hoán đổi 0,621 cổ phiếu HDBank. Dự kiến sau nhận sáp nhập PG Bank, vốn điều lệ HDBank sẽ tăng từ 9.810 lên 12.810 tỷ đồng. Lao động toàn hệ thống ước tăng lên 15.371 người; mạng lưới mở rộng lên 76 chi nhánh, 236 phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm, 1 văn phòng đại diện tạ Myanmar.
Cơ cấu cổ đông sau sáp nhập, CTCP Sovico nắm 130,9 triệu cổ phiếu HDBank (tương đương 10,22% vốn); Petrolimex nắm 180 triệu cổ phần (14,05%), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam - Maritime Bank nắm 72 triệu cp (5,26%), cổ đông khác của PG Bank nắm trên 90 triệu cổ phần HDBank (7,03%).
Đối với nhân sự cấp cao sau sáp nhập, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Ban điều hành của HD Bank sẽ được giữ nguyên. Thành viên HĐQT, BKS và Ban điều hành của PG Bank sẽ tự miễn nhiệm kể từ ngày sau sáp nhập.